Explore Tức cảnh Pác Bó
Năm ấy, tiết trời vào xuân, tôi đã có một chuyến đi thú vị đến vùng Đông Bắc. Xuân ở đâu cũng đẹp nhưng ở vùng non xanh dường như hữu tình hơn hẳn. Quanh co đèo núi với bạt ngàn mây trời và những nụ đào phai của núi rừng đua nhau khoe sắc khiến người người ngất ngây. Trên cung đường ấy, tôi đã đến Cao Bằng – vùng biên ải nơi địa đầu Tổ quốc khi trời đã ngả về chiều. Qua con đường uốn lượn dưới những núi non giăng mắc trùng điệp, tôi tiến vào Pác Bó, nơi lưu dấu chân Bác Hồ, nơi ra đời của bài thơ nổi tiếng: Tức cảnh Pác Bó.
Cột mốc 108 ở khu di tích Pác Bó, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc
Đến Pác Bó là quyết định bất ngờ của cả nhóm trên đường du xuân. Và những điều không định trước lại mang đến những ấn tượng khó phai. Ở ngoài cổng khu di tích cũng có nhiều hàng quán bán đồ lưu niệm và nước uống cho khách thập phương. Vậy nhưng, chỉ thêm vài bước chân là đã bước vào nơi núi non hùng vỹ, sơn thủy hữu tình và không khí trong lành dễ chịu vô cùng. Ngay đó thôi, dòng suối Lê Nin đổ ra trong veo với màu xanh ngọc. Bên kia bờ, núi Các Mác sừng sững tưởng xù xì vô tri lại trở nên thơ mộng với những mảng màu xanh thẫm của cây rừng, của những đóa lan rừng mọc cheo leo trên vách đá. Núi cao, trời xanh in bóng xuống dòng Lê Nin trong vắt. Nước lặng yên và trong tới mức có thể nhìn thấy rõ từng đàn cá dạn dĩ bơi lội gần bờ chờ người cho ăn.
Dòng suối Lê Nin uốn mình bên núi Các Mác
Theo con đường đá nhỏ dọc dòng suối Lê Nin, qua những tán cây xanh mát và tiếng suối róc rách, tôi bắt đầu tiến vào trong khu di tích. Nếu ai đó muốn được tham quan khung cảnh hoành tráng được xây dựng bởi bàn tay con người, thì Pác Bó không phải là sự lựa chọn. Thiên nhiên ở đây cũng không đặc biệt theo kiểu thác đổ muôn trùng, trùng điệp mây bay, trăm hoa đua nở. Pác Bó là sự tổng hòa của núi rừng, của con suối róc rách ngày đêm, của những đóa hoa rừng theo mùa thầm lặng trổ bông.
Lối đi lát đá dưới những tán cây xanh mát ở Pác Bó
Pác Bó là sự tổng hòa của cây lá, của suối róc rách ngày đêm
Bước qua từng bậc đá phủ rêu, tôi cảm thấy như mình đang theo dấu chân Bác. Đâu đâu cũng thấy bóng dáng của vị cha già dân tộc. Kia là khóm trúc Bác trồng, cây ổi Bác thường hái lá đun nước. Đây là chỗ Người thường ngồi câu cá thư giãn, chiếc bàn đá Người ngồi làm việc… Tất cả còn nguyên vẹn khiến bất cứ ai đến tham quan cảm thấy bồi hồi với một miền cảm xúc vô cùng thiêng liêng. Chẳng riêng gì tôi, vị khách nào đến đây cũng ngồi vào nơi Bác từng ngồi câu cá, thử trải nghiệm một lần thú buông cần bên bờ suối. Chỉ là để chụp một bức ảnh kỷ niệm, nhưng suối xanh trong veo, cây lá mát rượi, hương rừng thoang thoảng nên chẳng nỡ đứng lên.
Những kỷ niệm về Bác còn in nơi đây
Nơi Bác ngồi câu cá sau những buổi làm việc
Bàn đá nơi Bác từng làm việc
Ở khu di tích lịch sử Pác Bó cũng có nhiều hang núi, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc, như hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài, hang Pác Bó, hang Cốc Bó… Những ngách hang này không chỉ là di tích lịch sử mà còn tô điểm thêm cho khung cảnh thiên nhiên đa dạng ở Pác Bó. Đường lên hang Cốc Bó là những bậc thang đá khá dốc. Trong hang tối vẫn còn đó chiếc giường đơn sơ Bác nằm. Và cuối hang, thạch nhũ tượng Các Mác vẫn còn đây như một minh chứng lịch sử ngàn đời. Cách hang Cốc Bó không xa là nền nhà của ông Lý Quốc Súng – người đầu tiên đón Bác trở về. Mọi dấu tích của Bác dường như vẫn còn in đậm ở từng gốc cây, tảng đá tại nơi này.
Trong hang Cốc Bó
Chúng tôi rời hang Cốc Bó, tiếp tục theo lối đi hình vòng cung để trở về. Đoạn đường đi không quá dài, nhưng khung cảnh thiên nhiên của núi rừng đẹp và yên bình quá khiến chúng tôi mất khá nhiều thời gian cho việc chụp ảnh và ngắm cảnh. Những cánh đào rừng, lan rừng và hương của rừng hòa quyện vào nhau thơm thật dịu dàng. Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von, những chú ngựa thong thả gặm cỏ… tất cả tạo nên một bức tranh bình yên đến vô cùng khiến tôi chẳng muốn dời chân dù hoàng hôn bắt đầu phủ bóng.
*Tức cảnh Pác Bó - thơ Hồ Chí Minh