Hospitality Business News Xu hướng sân bay châu Á - bền vững hơn, thuận tiện hơn
Các nhà ga sân bay đã từng là nỗi sợ của nhiều người khi gắn liền với sự chờ đợi, những sự bất tiện của không gian công cộng, và giá cả đồ ăn thức uống đắt đỏ. Nhưng ở nhiều thành phố lớn khắp châu Á, các nhà ga sân bay đang dần thay đổi quan niệm này bằng những thiết kế hiện đại, năng động, cùng tiện nghi đầy đủ… Không chỉ liên tiếp lọt vào điểm sáng của ngành hàng không thế giới với việc thống trị các Giải thưởng Sân bay Thế giới Skytrak, mà còn kiến tạo những chuẩn mực mới cho ngành hàng không quốc tế.
Dù đã đạt được những thành công đáng kể, các sân bay ở nhiều thành phố năng động bậc nhất châu lục này vẫn đang tìm cách nâng cấp không gian và tiện ích nhà ga nhằm thúc đẩy nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách trong nước và quốc tế. Sau đại dịch Covid 19, ngành hàng không châu Á đã chứng kiến mức tăng trưởng và số lượng hành khách tăng mạnh, gần bằng con số thống kê trước đại dịch. Thành quả này đến từ nỗ lực không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng sân bay và những trải nghiệm độc đáo cho hành khách ở các cảng hàng không.
Vậy, tương lai nào cho các sân bay châu Á? Câu trả lời đến từ một định nghĩa mới: aerotropolis - một tiểu vùng đô thị với cơ sở hạ tầng và nền kinh tế tập trung xung quanh một sân bay. Xuất phát từ các quốc gia phương Tây, mô hình này đang nổi lên nhanh chóng ở các thành phố lớn châu Á, nơi có mật độ đường bay dày đặc và quy mô vận chuyển hàng không lớn. Các sân bay này đang chứng minh mình không chỉ là trung tâm vận tải thông thường mà còn có khả năng góp phần phát triển kinh tế từ chính các nguồn lực trong các cảng hàng không.
Cũng giống như khái niệm đô thị, tiểu đô thị tập trung vào các yếu tố chính như công nghệ thông tin, môi trường cảnh quan, trải nghiệm của con người và tính bền vững cho tương lai, một sân bay tiểu đô thị ở châu Á cũng được thiết kế và phát triển dựa trên nền tảng này.
Trải nghiệm vượt trội
Khi nói đến trải nghiệm hành khách, những ai từng ghé qua sân bay Changi (Singapore) đều cũng sẽ thừa nhận rằng đây là sân bay để lại những ấn tượng mạnh nhất trong việc kiến tạo trải nghiệm sân bay đầy sáng tạo và độc đáo. Bốn nhà ga trong sân bay này đều được bố trí các tiện ích giải trí, lựa chọn bán lẻ cao cấp phục vụ cho việc mua sắm, số lượng nhà hàng lớn cung cấp những lựa chọn ẩm thực đa dạng cho cả hành khách đến và đi. Thậm chí, việc mang đến các tác phẩm nghệ thuật công cộng vào không gian sân bay đã được những sân bay lớn như Changi, Incheon hay Hồng Kông áp dụng để nâng tầm trải nghiệm văn hoá cho các hành khách.
Bên cạnh đó, Changi được thiết kế để tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên thông qua khu vườn treo nổi tiếng và trải nghiệm giác quan đầy mê hoặc. Với nhà ga Jewel, Changi hoàn thành tham vọng trở thành sân bay đẳng cấp bậc nhất thế giới với trải nghiệm có một không hai với thác nước đổ từ trần đến sàn và một khu rừng nhiệt đới tái tạo ngay trong không gian nhà ga. Không khó hiểu khi Changi luôn lọt top những sân bay tốt nhất thế giới, và sân bay này cũng hứa hẹn ngày càng mang đến những trải nghiệm đẳng cấp hơn khi các thương hiệu xa xỉ lựa chọn đưa trải nghiệm khách hàng của mình vào chính các cửa hàng sân bay ở Changi.
Công nghệ hiện đại
Châu Á vốn nổi tiếng là điểm hút của các xu hướng công nghệ, và đây cũng là yếu tố không thể tách rời trong việc định vị một sân bay của tương lai. Nếu như Changi cung cấp hệ thống nhận dạng khuôn mặt để hành khách chủ động làm thủ tục check-in, hay hệ thống quét CT ở lần kiểm tra an ninh cuối cùng khiến hành khách không phải chật vật cầm vé hay thiết bị điện tử cho việc tra soát, sân bay Incheon (Hàn Quốc) hay sân bay Haneda (Tokyo, Nhật Bản) cũng chẳng kém cạnh với số lượng nhân viên robot lớn sẵn sàng trợ giúp hành khách ở nhà ga trong việc hướng dẫn hành khách hay đảm bảo nhà ga luôn sạch sẽ.
Sân bay Incheon (Hàn Quốc)
Sân bay Haneda (Tokyo, Nhật Bản)
Việc tích hợp các công nghệ tiên tiến đang cách mạng hóa hoạt động của sân bay, nâng cao cả hiệu quả và trải nghiệm của hành khách. Sinh trắc học và trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được ưa chuộng sử dụng trong các hệ thống sân bay nhằm quản lý các quy trình bảo mật và cá nhân hóa các dịch vụ, đảm bảo hành trình liền mạch cho tất cả hành khách. Danh tính kỹ thuật số và ví điện tử mang đến khả năng truy cập an toàn, thuận tiện vào thông tin xác thực, đồng thời giúp cá nhân hoá các trải nghiệm lên xuống máy bay.
Cơ sở hạ tầng liền mạch
Một sân bay tiểu đô thị cũng cần phải có kết nối liền mạch với trung tâm thành phố, nhằm mang đến sự thuận tiện cho việc di chuyển. Hầu hết các sân bay nổi tiếng ở châu Á đều có hệ thống giao thông công cộng kết nối với những khu phố trung tâm, cùng cơ sở hạ tầng tiên tiến vượt ra ngoài sự phát triển đô thị thông thường. Đây cũng là mục tiêu hàng đầu Ấn Độ tập trung khi phát triển dự án mở rộng sân bay Indira Gandhi International Airport - sân bay tiểu đô thị đầu tiên của Ấn Độ ở thủ đô Delhi. Sân bay này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2027, và chứa đựng khu mua sắm lớn nhất quốc gia này, cùng hệ thống giao thông thuận tiện nối dài từ trung tâm đến sân bay.
Đây là một ví dụ cho thấy việc duy trì cơ sở hạ tầng liên phương thức giúp kết nối liền mạch các trung tâm kinh tế, tích hợp nhiều phương thức vận tải khác nhau như hàng không, đường sắt, đường bộ…
Tính bền vững
Như bất cứ sự phát triển đương đại nào, tính bền vững chắc chắn là từ khoá không thể làm ngơ với ngành hàng không. Quá trình thiết kế và phát triển các nhà ga sân bay trong tương lai đang tập trung mạnh vào tính bền vững bằng cách áp dụng các sáng kiến tài chính xanh và tìm kiếm giải pháp sử dụng máy bay điện để giảm dấu chân môi trường của họ. Các chiến lược khử cacbon cũng được nhiều sân bay áp dụng cho cả các dự án sẵn có và với các dự án mới, tập trung vào việc quản lý môi trường, thiết kế tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Hai cảng hàng không đầu tiên của châu Á đạt chứng nhận carbon sân bay gồm Sân bay quốc tế Indira Gandhi (DEL) và Sân bay quốc tế Kempegowda (BLR) của Ấn Độ là tiền đề để các sân bay khác tìm kiếm giải pháp giảm thiểu gánh nặng carbon và phát triển theo hướng bền vững trong tương lai.
>>Xem thêm: Hàng không châu Á Thái Bình Dương chứng kiến nhu cầu tăng trưởng mạnh mùa hè 2024