5 điểm đến ấn tượng cho chuyến du lịch hành hương đầu xuân
Du lịch hành hương là hình thức kết hợp hài hòa giữa hoạt động du lịch và viếng thăm các địa điểm tâm linh. Vào dịp Tết nguyên đán, du lịch hành hương trở thành một nét đẹp trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Người ta cùng nhau đến đền, chùa, miếu để cầu an, cầu tài, nhắn gửi khát khao về một năm mới vạn sự như ý.
Mùa xuân này, mời bạn đọc cùng WOWWEEKEND di chuyển từ Bắc chí Nam, vừa trải nghiệm văn hóa, vừa tìm về những giây phút bình yên trong tâm hồn tại các địa điểm du lịch hành hương nổi tiếng.
Ảnh: Chùa Tam Chúc
Kim Sơn Bảo Thắng Tự - Lào Cai
Tọa lạc trên đỉnh núi Fansipan và có độ cao 3.091m so với mực nước biển, Kim Sơn Bảo Thắng Tự quanh năm ẩn mình trong làn sương, tựa như chốn bồng lai. Quần thể kiến trúc của chùa được xây dựng bằng gỗ mộc, phần mái bằng đất nung, nhấn nhá bởi các bức phù điêu đắp nổi lấy cảm hứng từ những ngôi chùa cổ ở Bắc Bộ như rồng lượn, mái hiên, mây bay trên cột kèo, vách đầu hồi,...
Chùa được chia thành 5 gian, mỗi gian cao dưới 10 mét, sân thềm rộng khoảng 30 mét. Kim Sơn Bảo Thắng Tự phỏng theo kiến trúc của thời nhà Trần, "bám" vào vách núi, trông như hoà làm một với khung cảnh xung quanh. Điểm nhấn của công trình tôn giáo này là phong cách thiết kế “nội công, ngoại quốc”, nghĩa là phía trước thờ Phật, phía sau thờ Thánh.
Gian chính là Đại Hùng Bảo Điện, nơi chứa đựng nhiều tượng Phật được sơn son thếp vàng do các nghệ nhân nổi tiếng ở Việt Nam chế tác. Phong cách bài trí tượng trong chùa tuân thủ nghiêm ngặt quy định của thiền phái Bắc tông. Ngoài ra, không thể không kể đến những công trình kiến trúc nổi bật như Vọng Lĩnh Cao Đài - lầu chuông tám mái hay đại tượng Phật A Di Đà - bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất Việt Nam.
Ảnh: Tai Ho
Chùa Tam Chúc - Hà Nam
Giữa đất trời cao rộng của Hà Nam, có một cõi huyền diệu mang tên chùa Tam Chúc, cũng là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến hiện tại. Nằm trong quần thể khu du lịch lên đến 5.000ha, chùa Tam Chúc được ấp ôm bởi dãy núi Thất Tinh hùng vĩ, phía trước là hồ Lục Ngạn mênh mông, tổng thể tạo thành một bức tranh sơn thuỷ trác tuyệt. Chính vì địa thế độc đáo, nơi đây được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”.
Ảnh: Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc thu hút rất nhiều lữ khách thập phương đến du xuân. Bất cứ ai cũng sẽ thấy lòng nhẹ tênh khi tiến vào cõi Phật linh thiêng này. Ngay khi bước qua cổng Tam Quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vườn Cột Kinh với hàng trăm cột đá được tạc dựng theo hình đài sen, khắc ghi tinh xảo những lời Phật dạy. Tiếp đến, đi sâu vào bên trong, ai nấy đều phải trầm trồ trước bức tượng Bồ Tát Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt trong không gian rộng lớn của Điện Quan Âm.
Ngoài ra, công trình kiến trúc hoành tráng nhất tại chùa chính là Điện Tam Thế. Nơi đây sở hữu 3 pho tượng phật Tam Thế bằng đồng đen, phía trước là bức phù điêu làm từ đá núi lửa ở Indonesia. Dưới tầng Điện Tam Thế còn có Điện Pháp Chủ - nơi thờ phụng Phật Thích Ca Mâu Ni với bức tượng được tạo ra từ đồng nguyên khối nặng 150 tấn.
Bên cạnh đó, cây cầu bắc ngang hồ Lục Ngạn sẽ dẫn lối du khách từ ngôi chùa thênh thang này đến với đình Tam Chúc - ngôi đình thờ Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt thời nhà Đinh. Tại đây, ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ xung quanh và tìm lại được sự an lạc trong tâm hồn khi hòa mình vào không gian tâm linh uy nghiêm của chùa Tam Chúc.
Chùa Linh Phước - Đà Lạt
Được xem như viên ngọc kiến trúc sáng đẹp của thành phố Đà Lạt mộng mơ, chùa Linh Phước còn có tên gọi thân thuộc là chùa Ve Chai. Nguyên do là vì từng chi tiết trong ngôi chùa này đều được khảm từ hàng triệu mảnh sành, gốm, sứ đủ màu sắc. Chùa Linh Phước hiện đã xác lập 18 kỷ lục, trong đó bao gồm 16 kỷ lục Việt Nam, 1 kỷ lục châu Á và 1 kỷ lục thế giới.
Ngay khi bước vào ngôi chùa rộng gần 7.000m2 này, tác phẩm Long Hoa Viên với hình tượng con rồng dài đến 49m sẽ ngay lập tức gây được ấn tượng. Tác phẩm này là kết tinh của 12.000 vỏ chai bia được sắp xếp một cách công phu, tỉ mỉ để tạo nên biểu tượng sống động như thật. Đối diện Long Hoa Viên là tháp chuông cao nhất Việt Nam, Linh Pháp, công trình nổi bật với chuông Đại Hồng Chung nặng đến 8.500kg.
Không dừng lại ở đó, sự choáng ngợp được nối tiếp khi du khách tiến vào không gian bề thế bên trong, chứng kiến hơn 320 pho tượng khác nhau, trong đó, điểm nhấn của chùa Linh Phước là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được làm từ bê tông cốt thép và được ghi nhận lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, trước khi Festival Hoa Đà lạt 2010 diễn ra, 300 Phật tử cùng 30 nghệ nhân đã sử dụng 650.000 hoa bất tử để tạo tác bức tượng Phật nặng đến 3 tấn trong 36 ngày. Đây chính là bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lớn nhất châu Á.
Ảnh: Điệu Võ
Chùa Som Rong - Sóc Trăng
Toạ lạc ở Sóc Trăng, chùa Som Rong không chỉ là biểu tượng tâm linh của văn hóa Khmer mà còn là niềm tự hào trong đời sống tinh thần đặc sắc của người dân miền Tây Nam Bộ. Được xây dựng vào năm 1785, ban đầu chùa chỉ là một ngôi đền làm bằng tre lá. Về sau, trải qua nhiều đời trụ trì, chùa Som Rong đã được khoác lên mình tấm áo khang trang, lộng lẫy hơn, trong đó, dấu ấn của chùa chính là công trình tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lớn nhất Việt Nam.
Ảnh: Cậu Đông
Ngay từ lối đi vào, du khách đã ấn tượng trước ngôi bảo tháp có 4 mặt và 4 lối đi lên, tượng trưng cho 4 đức tính “Từ, bi, hỷ, xả”. Dọc các lối đi đều có dáng nét của hình tượng rắn thần Naga, đồng thời bảo tháp được trang trí bởi những mô típ hoa văn sống động trong văn hóa Khmer như hoa sen cách điệu, hoa văn lửa, thiên thần.
Đối diện với bảo tháp là khu vực chánh điện với mái ngói đỏ cao vút ánh lên sắc vàng kim lộng lẫy. Tại đây, các cột trụ đều được chạm trổ hoa văn tinh xảo và dày đặc các tranh tường miêu tả những câu chuyện về Phật giáo từ ngàn xưa. Ấn tượng hơn cả chính là kiến trúc hiện đại của nhà hội Sala - nơi diễn ra các nghi thức sinh hoạt truyền thống của chùa.
Ảnh: Cậu Đông
Khi đến với điểm du lịch hành hương này, ta còn có dịp thưởng thức những món ẩm thực địa phương như bánh ống, thốt nốt rim, bún nước lèo hay diện trang phục truyền thống của người Khmer và ghi lại một khoảnh khắc đẹp giữa không gian tráng lệ của ngôi chùa.
Chùa Thiên Mụ - Huế
Được mệnh danh là “Đệ nhất Cổ Tự”, chùa Thiên Mụ đã lừng lững đứng bên dòng sông Hương trong hơn 400 năm lịch sử đầy biến động. Đến với nơi đây, du khách cứ ngỡ mình đang lạc bước trong dinh thự của vua chúa. Ngôi chùa mang đậm hơi thở của phong cách kiến trúc Á Đông, bốn bề được bao phủ bởi những rặng thông và đóa sen thơm ngát. Vẻ đẹp thi vị của chốn thờ tự này khiến lòng người trở nên tĩnh tại, an yên lạ thường.
Ảnh: Instagram @realjonromeo
Tại chùa Thiên Mụ, tháp Phước Duyên chính là một trong những công trình nổi bật nhất. Ngọn tháp gồm 7 tầng và có cấu trúc hình bát giác, càng lên cao càng nhỏ dần, trông dáng hình như một ngọn núi thiêng. Mỗi tầng đều thờ một vị Phật khác nhau, trong đó, tầng trên cùng là bức tượng Đức Thế Tôn được đúc bằng vàng y. Thân tháp được tô điểm bằng những bức phù điêu tinh xảo như hoa sen, lá đề, hoành phi, câu đối. Ngọn tháp chính là biểu tượng cho sự phát triển trong nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao thời nhà Nguyễn.
Ảnh: Instagram @danai_ksta
Ngoài ra, chánh điện của chùa là Điện Đại Hùng cũng ghi dấu ấn với kiến trúc trùng thiềm điệp ốc, bên trong trưng bày tượng Phật Di Lặc, Tam Thế Phật, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền cùng 1 bức hoành phi câu đối với 4 chữ “Linh Thứu Cao Phong” do chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề năm 1714. Điện được xây hoàn toàn bằng xi măng đặc và được phủ bên ngoài bằng lớp sơn giả gỗ, tạo nên một vẻ đẹp thâm trầm, cổ kính.
Bên cạnh đó, du khách còn có thể thăm thú những công trình kiến trúc thấm đẫm giá trị lịch sử, nghệ thuật khác ở chùa Thiên Mụ như Điện Địa Tạng, Điện Quán Âm, Mộ cổ Hoà thượng Thích Đôn Hậu… Cảnh sắc hữu tình của dòng Hương giang cộng với không gian Phật pháp linh thiêng của nơi đây chắc chắn sẽ làm lắng đọng hồn người.
Ảnh: Trần Minh Hiếu
>> Xem thêm: Lạc bước phố cổ Bao Vinh - Gia Hội