Công dụng đáng kinh ngạc của axit salicylic
Không phải ngẫu nhiên mà axit salicylic được tìm thấy ở nhiều sản phẩm làm đẹp nói chung và chăm sóc da nói riêng, từ dầu gội, chất tẩy rửa cho đến huyết thanh, kem dưỡng da v.v... Trong tự nhiên, axit salicylic được chiết xuất từ vỏ cây liễu hoặc cây mơ. Ngành công nghiệp làm đẹp thường coi hợp chất này là axit beta hydroxy (BHA), dù về mặt hóa học thì không phải vậy.
Với những lợi ích đáng kinh ngạc của axit salicylic được đề cập trong bài viết dưới đây, rất có thể bạn sẽ phải bổ sung hợp chất này vào chu trình chăm sóc da hàng ngày.
Axit salicylic có tác dụng gì cho da?
Axit salicylic phát huy tối đa đặc tính của một axit vô cơ gốc dầu, đó là khả năng thẩm thấu nhanh và sâu. Hợp chất này có thể đi sâu vào lỗ chân lông, xuyên qua lớp dầu tự nhiên của da hay thẩm thấu vào tầng trung và hạ bì. Nhờ vậy, làn da được loại bỏ tế bào chết, bụi bẩn và bã nhờn tích tụ, từ đó làm sạch cũng như nuôi dưỡng da mướt mịn từ sâu bên trong.
“Chiến thần” diệt mụn
Một trong các nguyên nhân gây nên mụn trứng cá là tế bào da không hoạt động bình thường. Thay vì bong theo chu kỳ tế bào khỏe mạnh, chúng dính lại với nhau và gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Axit salicylic có khả năng làm tan chúng cũng như các “mảnh vụn” khác, bao gồm tế bào chết, dầu thừa, vi khuẩn và bụi bẩn.
Nói cách khác, axit salicylic sẽ phá vỡ liên kết giữa các “mảnh vụn” để chúng dễ dàng thoát ra ngoài, đảm bảo lỗ chân lông luôn thông thoáng. Axit salicylic cũng hạn chế quá trình sản xuất bã nhờn, làm chậm tốc độ bong tróc của các tế bào da bên trong nang để ngăn ngừa tắc nghẽn, từ đó làn da sẽ giảm mụn rõ rệt. Đó là lý do vì sao axit salicylic thường là thành phần chính trong các sản phẩm điều trị mụn trứng cá (mụn đầu đen và mụn đầu trắng) từ nhẹ đến trung bình.
Chống viêm hiệu quả
Nổi tiếng với đặc tính chống viêm, axit salicylic có thể làm giảm viêm sưng, ửng đỏ da và kháng khuẩn. Nhờ vậy, những nốt mụn trứng cá trên da sẽ trở nên đỡ mất thẩm mỹ và mau lành hơn. Riêng đặc tính kháng khuẩn, axit này sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây ra mụn hoặc sát khuẩn nhẹ khi bôi trên da. Làn da từ đây sẽ được tái tạo mới khỏe và se khít lỗ chân lông.
Không chỉ mụn đỏ, những vết cháy nắng cũng có cơ hội được phục hồi nhờ axit salicylic, giảm thiểu bong tróc và phồng rộp bằng cách giữ cho da ngậm nước. Tuy nhiên, đừng vì thế mà chủ quan không dùng kem chống nắng, bởi axit salicylic sẽ khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
Biện pháp tẩy da chết tối ưu
Axit salicylic được coi là một loại thuốc tiêu sừng, nghĩa là nó hoàn hảo cho việc tẩy da chết. Cơ chế hoạt động của chất tiêu sừng nói chung là làm mềm và thúc đẩy bong tróc lớp tế bào chết của da.
Khác với chất tẩy tế bào chết vật lý chỉ lấy đi lớp sừng thô ráp trên bề mặt mà không tác động quá sâu đến phần biểu bì, chất tẩy tế bào chết hóa học axit salicylic có khả năng làm sạch thần kỳ để cuốn trôi mọi tạp chất “cứng đầu”. Cụ thể, vì tan được trong dầu nên axit này dễ dàng tác động đến lỗ chân lông, đẩy nhanh bụi bẩn và bã nhờn ra bên ngoài. Kết quả là các tác nhân gây mụn đầu đen, mụn đầu trắng sẽ được diệt trừ tận gốc, trả lại một làn da sạch thoáng, rạng rỡ và mịn màng trông thấy.
Ngoài 3 lợi ích kể trên, axit salicylic còn giúp làm mờ đốm đen, giảm nhược điểm trên da, giảm độ sần sùi, hạn chế lão hóa, điều trị bệnh vảy nến v.v.
Sử dụng axit salicylic sao cho đúng?
Tác dụng phụ lớn nhất của axit salicylic là gây kích ứng và khô da ở những người có làn da cực kỳ nhạy cảm hoặc lạm dụng axit này trong chu trình chăm sóc thông thường. Vì thế, cần chú ý sử dụng axit salicylic một cách khoa học để tránh phản tác dụng.
Axit salicylic có thể được tìm thấy trong nhiều phương pháp chăm sóc da như sữa rửa mặt, tẩy da chết, toner, gel và kem dưỡng da. Trước hết, hãy đảm bảo rằng sản phẩm chọn mua không có nồng độ axit salicylic quá cao, mà chỉ dao động từ 0,5% - 2% (2% là nồng độ tiêu chuẩn). Con số này có thể tăng lên đối với một số sản phẩm nhưng đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trong những ngày đầu tiên, chỉ nên áp dụng một lượng vừa phải axit salicylic và theo dõi phản ứng của da. Nếu không thấy có dấu hiệu ngứa râm ran, da đỏ hoặc khô trong vòng 24 giờ thì có thể an tâm sử dụng sau đó trên vùng da rộng hơn. Nhưng tốt hơn hết là đừng áp dụng axit salicylic nồng độ cao cho toàn bộ khuôn mặt vì có thể tăng nguy cơ khô da.
Khi thêm một thành phần mới vào dòng sản phẩm chăm sóc da, điều quan trọng là xem xét cách nó “tương tác” với những thành phần đã có sẵn trong thói quen của bạn. Tin vui là hầu hết các sản phẩm chứa axit salicylic nồng độ nhẹ có thể sử dụng hàng ngày, kết hợp với các thành phần chăm sóc da dịu nhẹ khác. Còn với những thành phần mạnh như retinol hoặc các axit alpha hydroxy, sự kết hợp của cả hai có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khô da, thậm chí gây kích ứng.
Mỗi kết cấu sản phẩm chứa axit salicylic cũng có tần suất sử dụng khác nhau, chẳng hạn 1 lần/ngày đối với gel, 1-3 lần/ngày đối với lotion hoặc chỉ dùng khi cần đối với thuốc mỡ. Luôn tuân theo hướng dẫn sử dụng ứng với từng loại để nhận lại kết quả như ý trong việc cải thiện sức khỏe và sắc đẹp làn da. Cuối cùng, nên dưỡng ẩm sau khi sử dụng axit salicylic để hạn chế khô da cũng như củng cố hàng rào bảo vệ da.
>> Xem thêm: Peptide và Niacinamide - Bộ đôi chống lão hóa cho làn da tỏa sáng