share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

W Coffee Talk Cùng Founder "Phố bên đồi" - Hiền Nguyễn đi tìm nghệ thuật giữa Đà Lạt


ADVERTISEMENT

Thành phố gắn với những câu chuyện, Đà Lạt cũng vậy. Với Hiền Nguyễn, nhà sáng lập dự án Phố Bên Đồi, anh muốn kể câu chuyện mới hơn về Đà Lạt: Một thành phố ngàn hoa gắn với dấu ấn văn hóa đương đại.

Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi chỉ là một phần của dự án dài hơi do Hiền Nguyễn sáng lập, nhưng tại không gian này, người yêu nghệ thuật ở Đà Lạt và khách du lịch thường xuyên được lắng nghe những concert nhạc của nhiều nghệ sĩ danh tiếng, lắng nghe những chia sẻ của tác giả sách, nhà sáng tạo, và chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đương đại của nhiều nghệ sĩ Việt Nam.

Từ các dự án nghệ thuật gây tiếng vang được thực hiện từ năm 2016, Phố Bên Đồi tiếp tục mở rộng dưới hình hài một không gian sáng tạo tọa lạc trên đồi cao nhất Đà Lạt, và ngày càng định vị vai trò của mình như điểm giao kết nối tâm hồn mộng mơ của người Đà Lạt với những sản phẩm sáng tạo không biên giới. Là một người con Đà Lạt, Hiền Nguyễn chọn cách trở về để hiện thực hóa giấc mơ của mình: Biến Đà Lạt trở thành điểm đến văn hóa sáng tạo hàng đầu Việt Nam.

Tình yêu nghệ thuật và Đà Lạt của anh là khởi nguồn của dự án Phố Bên Đồi, tình yêu này đến với anh như thế nào?

Tôi được truyền cảm ứng từ bố, bắt đầu từ những cuốn sách bố tôi sưu tập. Sau đó, tôi được tiếp cận với nhiếp ảnh phim, rồi đi học về thiết kế. Những nơi tôi làm việc trước đây đều mang đến cho tôi kiến thức và cảm hứng mới với các khía cạnh khác nhau của nghệ thuật.

Khi có dịp làm việc cùng những tài năng nghệ thuật trẻ tuổi trong một chương trình tài trợ các dự án văn hoá - nghệ thuật trong suốt 10 năm, tôi quyết định thành lập không gian A7 Studio ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở thời điểm những gallery nghệ thuật chuyên nghiệp ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay và chỉ tập trung ở những thành phố lớn. Vốn là người Đà Lạt, tôi nhận ra những thành phố nhỏ hơn thì cũng cần các món ăn tinh thần. Đó là ý tưởng ban đầu giúp hình thành dự án Phố Bên Đồi để đưa những dự án sáng tạo về Đà Lạt cho đối tượng người trẻ tuổi của thành phố.

Anh từng chia sẻ chúng ta không thể nói rằng phải đặt nghệ thuật ở thành phố nào thì thành phố đó mới phát triển, nhưng khi Đà Lạt gắn với văn hoá nghệ thuật chắc chắn sẽ có hướng phát triển khác so với việc đơn thuần chỉ là một thành phố  du lịch. Tầm nhìn của anh về định hướng phát triển một đô thị độc đáo như Đà Lạt là gì?

Dù sáng lập Phố Bên Đồi từ đam mê cá nhân, tôi đã có động lực để nghiên cứu nhiều hơn về sự phát triển của các không gian nghệ thuật ở Việt Nam, hay phân tích những nhu cầu của mọi người. Với riêng Đà Lạt, tôi và các cộng sự bắt đầu đặt ra những câu hỏi về khái niệm phát triển bền vững của một thành phố. Đà Lạt vốn nổi tiếng về du lịch và hơn 70% nguồn thu nhập cũng đến từ du lịch. Nhưng giai đoạn đại dịch đã thay đổi điều đó khi nông nghiệp trở thành nguồn kinh tế chính. Và sau đó, còn hai cột kinh tế nữa có thể gắn với thành phố này là văn hoá nghệ thuật và giáo dục.  

Phố Bên Đồi, với tâm niệm “Art Connects Us” tập trung vào hai mảng cuối, vì văn hóa nghệ thuật cũng tạo ra nội dung, nguồn cảm hứng, và cũng có thể thu hút khách du lịch. Du lịch Đà Lạt từ đó cũng sẽ trở thành du lịch văn hoá. Thông qua văn hóa nghệ thuật, mọi người sẽ hiểu hơn về lịch sử, về kiến trúc, cảnh quan, con người Đà Lạt. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với dòng chảy sáng tạo toàn cầu và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp “không khói” như văn hóa sáng tạo của Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng thấy tiềm năng từ giáo dục, và hiện thực nó thông qua các chương trình đào tạo nghệ thuật cho trẻ em như lớp dạy piano, các buổi trao đổi chia sẻ chuyên đề về văn hóa - nghệ thuật.

Phố Bên Đồi đã và đang tích cực thúc đẩy Đà Lạt để gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO, cụ thể là trong lĩnh vực âm nhạc. Phố Bên Đồi đã có những hoạt động gì để góp phần hiện thực hóa điều này?

Đà Lạt là thành phố phù hợp với âm nhạc vì nó có tính lịch sử với 200 bài hát về thành phố viết tại Đà Lạt và về Đà Lạt. Thứ hai, đây cũng từng là không gian thu hút nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Lê Uyên Phương hay Tuấn Ngọc. Giờ đây, thế hệ nghệ sĩ trẻ tuổi cũng chọn Đà Lạt như điểm đến biểu diễn, điển hình có Hà Anh Tuấn, SpaceSpeakers hay Cá Hồi Hoang. Đà Lạt có phần lịch sử gắn với âm nhạc, và vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển ngành này trong tương lai.

Dù nhấn mạnh vào lĩnh vực âm nhạc, nhưng những phạm trù sáng tạo thì luôn nằm trong một hệ sinh thái, ví dụ để tổ chức buổi biểu diễn âm nhạc thì vẫn cần đến thiết kế, kiến trúc, nhà hát, tổ chức biểu diễn… Từ chiến lược phát triển này, Phố Bên Đồi thúc đẩy nền tảng sáng tạo âm nhạc của Đà Lạt bằng những dự án concert âm nhạc của nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, từ âm nhạc cổ điển đến thể nghiệm đương đại. Đây cũng là điểm dừng chân của nhiều nghệ sĩ danh tiếng được mời đến Việt Nam biểu diễn, mang đến cơ hội tiếp cận cho đông đảo người yêu nhạc Đà Lạt và những vị khách ghé thăm thành phố này.

Nhiều nghệ sĩ quốc tế đã ghé thăm Đà Lạt cho các buổi “recital” và trình diễn tại Phố Bên Đồi, cảm nhận của họ với trải nghiệm ấy như thế nào?

Đà Lạt có lợi thế lớn nằm ở cảnh quan đẹp, nhiều di tích lịch sử, khí hậu mát mẻ và sự chân tình của người dân địa phương, đây là những yếu tố chiếm tình cảm của nhiều nghệ sĩ từng đến đây biểu diễn. Không chỉ là chuyến lưu diễn đơn thuần, họ cũng tìm thấy những cảm hứng sáng tạo mới tại chính thành phố này. Năm 2014, Phố Bên Đồi hợp tác cùng Đại sứ quán Áo để mang chương trình của nghệ sĩ Anna Koch về Đà Lạt. Koch có dịp giao lưu cùng nghệ sĩ đàn nguyệt Thu Quyến, và chia sẻ cô đã học hỏi rất nhiều về những nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Hiện nay, nhiều nghệ sĩ thậm chí còn trực tiếp liên hệ với Phố Bên Đồi với mong muốn có buổi biểu diễn ở Đà Lạt.  

Phố Bên Đồi Creative Studio là một không gian vừa đương đại, vừa có những nét hoài cổ. Đây có phải chủ ý của anh khi xây dựng không gian này?

Địa điểm của Phố Bên Đồi khá thú vị khi nằm trên tầng cao nhất của Trung tâm Văn hóa Thanh thiếu niên Đà Lạt, một tòa nhà không phải mới nhưng có điểm nhìn rất đẹp bao quát thành phố. Tôi thiết kế Phố Bên Đồi với cảm hứng đương đại, được thể hiện rõ thông qua không gian liền mạch, tối giản và nhiều ánh sáng. Đây là không gian cho người yêu nghệ thuật trẻ tuổi, với gu thẩm mỹ đương đại, và bởi chúng ta đang sống trong bối cảnh như vậy, neo vào quá khứ thôi là chưa đủ để phát triển một không gian trẻ như Phố Bên Đồi.

Vừa là thành phố du lịch, vừa là nơi có dấu ấn văn hóa đậm nét, theo anh liệu Đà Lạt có thể thu hút những vị khách ưa thích du lịch văn hóa đến Đà Lạt trong tương lai? Nếu khả thi, anh cho rằng yếu tố nào sẽ lôi cuốn khách du lịch văn hóa ghé thăm Đà Lạt?

Tôi từng được mời đi Scotland vào tháng 8 để tham dự International Arts Festival. Từ việc thu hút rất nhiều nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực âm nhạc, hội họa, điện ảnh, múa,... để tạo ra các nội dung văn hóa, triển lãm, trưng bày, mỗi năm sự kiện này thu hút đến 100 ngàn lượt khách quốc tế. Tôi rất thích mô hình này, hòa nhập văn hóa và du lịch để tăng lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương cũng như góp phần thúc đẩy bối cảnh văn hóa - nghệ thuật. Ngoài lễ hội hoa, Đà Lạt cũng có thể phát triển theo hướng đầy tiềm năng ấy, hướng đến văn hóa, sáng tạo… và tổ chức các tuần lễ nghệ thuật, tuần lễ thiết kế... để thu hút cả khách du lịch chất lượng lẫn nghệ sĩ cả địa phương và quốc tế. Với Phố Bên Đồi, tôi cũng áp dụng điều này khi tổ chức các chương trình.

Ngoài những chất liệu cũ như ẩm thực, khí hậu, cảnh quan, khách du lịch giờ đây cũng có thể tìm thấy một khoảnh khắc âm nhạc, một không gian nghệ thuật, hay một triển lãm đáng nhớ để làm giàu thêm trải nghiệm của mình với Đà Lạt và cảm hứng mới, thay vì kiểu đi du lịch chỉ để check-in địa điểm như trước đây. Đà Lạt cũng đang nỗ lực khi hiểu rằng du lịch văn hóa là hướng đi quan trọng với thành phố trẻ chỉ có hơn 130 tuổi.  

Anh có thể chia sẻ thêm về dự án Bản đồ nghệ thuật?

Bản đồ nghệ thuật giúp cho mọi người hiểu hơn về thành phố ở góc độ sâu sắc hơn với văn hóa, lịch sử, là một sản phẩm trực tiếp hướng đến thúc đẩy du lịch văn hóa với hơn 60 công trình kiến trúc, không gian nghệ thuật, những cảnh quan đặc thù của thành phố, cụm chủ đề về tôn giáo, giáo dục, nghệ thuật và các thông tin thú vị về điểm đến. Ví dụ, khi nhìn vào Khu Hòa Bình, người xem bản đồ sẽ biết nơi này từng là chợ cây, hay công trình nhà thờ do ai thiết kế…

Bản đồ nghệ thuật có những gam màu mang tính sáng tạo, và hệ thống màu sắc được đo lường cho cả người mù màu cũng có thể xem. Đây vừa là bản đồ du lịch, vừa có thể là món quà lưu niệm mang về nhà, hay trở thành tấm poster treo trên tường. Nhiều thành phố cũng được truyền cảm hứng để mong muốn thiết kế một bản đồ nghệ thuật của chính mình, điều này là niềm khích lệ lớn với đội ngũ Phố Bên Đồi. Biết đâu đấy, sau này chúng tôi sẽ tiếp tục ra mắt những dự án bản đồ ẩm thực, nông nghiệp hay kiến trúc nữa thì sao? Cảm ơn anh vì những chia sẻ rất thú vị!


>>Xem thêm: GM Adrian Pulido: “Trải nghiệm khách hàng là điểm khởi đầu của mọi chiến lược đổi mới”


ADVERTISEMENT