W Coffee Talk Nhiếp ảnh gia Ngọc Trần: “Tâm hồn tôi thuộc về đời sống và đường phố”
Ngọc Trần gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh gần 15 năm. Mỗi khi nhớ lại thời trước, chính cô cũng không ngờ tiếng “click” thần kỳ của màn trập máy ảnh đã mở ra chặng đường thăng trầm trong nghề cầm máy. Với ngần ấy năm “chinh chiến”, nữ nhiếp ảnh gia đến từ Hải Phòng đã thu vào trong bộ sưu tập ảnh của mình không biết bao nhiêu khoảnh khắc đời thường, văn hóa, ẩm thực và du lịch tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.
Ngọc Trần vừa ra mắt Saigon The Lifestyle And The Food (tạm dịch: Sài Gòn: Phong cách sống và ẩm thực) - cuốn sách ảnh cô dành tặng TP.HCM cũng như giới thiệu với du khách quốc tế về điểm đến sôi động, hào sảng, luôn thay đổi này thông qua lăng kính một nhiếp ảnh gia, một người hàng ngày vội vã sống ở nơi đây.
15 năm miệt mài sáng tác, điều gì khiến chị lưu luyến không thể rời xa chiếc máy ảnh?
Là vẻ đẹp của cuộc sống!
Qua ống kính bằng cảm xúc của bản thân, tôi có thể lưu giữ những khoảnh khắc bình dị, những nụ cười rạng rỡ, kết nối với nhân vật được chụp. Chính những khoảnh khắc rất đời ấy đã tạo nên nguồn cảm hứng bất tận cho tôi trong hành trình theo đuổi nhiếp ảnh.
Năm thứ 15 cọ sát với thị trường, dựa trên sự quan sát về nghề, ngành nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới, thưa chị?
Nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện được phong cảnh, tinh thần và cuộc sống của người Việt Nam. Các nhiếp ảnh gia Việt ngày càng trẻ trung, năng động và sáng tạo, dám thử nghiệm những phong cách mới. Việt Nam cũng là một điểm đến hứa hẹn với các nhiếp ảnh gia trên thế giới.
Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới. Chúng ta có nhiều đại diện tài năng đạt giải thưởng danh giá trong các cuộc thi ảnh quốc tế. Tuy nhiên, nền nhiếp ảnh Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa.
Sự trỗi dậy của AI (Artificial Intelligence) dấy lên nhiều tranh luận trong ngành nhiếp ảnh nói riêng và lĩnh vực khác nói chung. Đơn cử là việc AI sử dụng hệ thống nguồn ảnh khổng lồ của con người để tạo ra những bức ảnh mới chỉ bằng vài câu lệnh ngắn như ChatGPT. Theo góc nhìn của một nhiếp ảnh gia, một giám đốc sáng tạo, AI có sức ảnh hưởng như thế nào về tiêu chuẩn sáng tác, mức độ vi phạm bản quyền nếu nói riêng về ngách chụp ảnh đời sống, du lịch?
Tôi thích câu hỏi này!
Theo tôi, AI là một điều tất yếu của công nghệ. AI đã mở ra một kỷ nguyên mới cho người làm sáng tạo tối ưu hóa công việc của mình, thay vì một thế lực mới đang trỗi dậy và làm bạn phải e ngại.
Bản thân tôi đã thử rất nhiều công cụ AI hỗ trợ cho nhiếp ảnh, video hay đồ họa. Bằng việc sử dụng AI, tôi đã tối ưu được rất nhiều công đoạn trong việc sáng tác của mình. Một ví dụ: Nếu minh họa cho đối tác của tôi hình dung về một hình ảnh ý tưởng của mình, trước đây tôi sẽ mất rất nhiều thời gian, thì giờ đây tôi chỉ cần “chụp/thiết kế bằng prompt”. Sau đó mới chính thức sản xuất ra những hình ảnh có bản quyền, câu chuyện, nâng thiết kế, hình ảnh tôi sáng tác lên một tầm cao mới. Đó là mặt tích cực.
Còn thực tế thì bạn cần phải trả phí cho các công cụ đó. Những người làm công nghệ rất biết cách móc hầu bao của người dùng. Vượt trội, hữu ích thì sẽ không miễn phí. Việc dùng AI có thể gây ra nguy cơ vi phạm bản quyền. Vậy trách nhiệm của bạn là sử dụng AI một cách sáng tạo và có trách nhiệm, đồng thời tuân thủ các quy định về bản quyền.
Ngoài ghi lại khoảnh khắc về đời sống, văn hóa, Ngọc còn đam mê chụp ảnh về du lịch, cơ duyên nào đưa chị đến với mảng này?
Ban đầu, tôi đến với nhiếp ảnh vì đam mê. Tôi thích chụp đủ thứ, từ viên gạch, chiếc lá… rồi nhiếp ảnh nhanh chóng trở thành sự nghiệp của tôi. Tôi là một nhiếp ảnh gia thương mại, nhưng tâm hồn thì thuộc về cuộc sống và đường phố. Niềm vui với tôi là chụp ảnh thỏa thê trên đường trở về, ghim được những nụ cười, câu chuyện vào khung hình, “nhâm nhi” những mảng màu văn hóa, tính cách độc đáo của những nơi tôi đến.
Sau mỗi khoảng thời gian làm việc “căng” với các dự án, deadline, hành trình tìm kiếm niềm vui lại thôi thúc tôi phiêu lưu với những trải nghiệm du lịch, tìm hiểu văn hóa và đời sống. Mỗi chuyến đi là một hành trình khám phá mới, là cơ hội để tôi lưu giữ những khoảnh khắc đẹp và chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa cũng như nạp lại năng lượng.
Nhiếp ảnh gia về đời sống, văn hóa và du lịch không thiếu. Vậy, đâu là điểm “đinh” khiến người xem nhận ra đây là tác phẩm của Ngọc Trần?
Nội dung chính là linh hồn của bức ảnh. Sau mỗi tấm ảnh là một câu chuyện của nhân vật được chụp và tôi. Hơn 20 năm làm nghề sáng tạo, 15 năm bấm máy, tôi đúc kết được phương pháp Interactive gói gọn trong 3 chữ I của Interactive-Reality-Insight. Với phương pháp này, tôi tương tác tích cực với nhân vật, sự việc để mang những khoảnh khắc tự nhiên, thể hiện đúng tinh thần của nhân vật vào trong khung hình. Tôi cũng thường sử dụng ánh sáng tương phản cao, màu sắc rực rỡ.
Là một nhiếp ảnh gia từng xuất bản sách, đối với chị, sáng tác và gửi gắm thông điệp qua hình ảnh hay con chữ dễ hơn?
Sở trường của tôi là hình ảnh, nhưng tôi cũng luôn trau dồi khả năng viết lách những năm gần đây. Ai biết tôi sẽ nhớ vài năm trước, việc diễn đạt nội dung bằng con chữ là điều khó khăn với tôi. Nhưng vài năm gần đây, nhờ điên cuồng đọc sách, khả năng truyền tải thông tin, cảm xúc của tôi đã khá hơn rất nhiều. Để có cuốn sách tới tay bạn đọc hôm nay với hình ảnh, câu chuyện riêng mình, tôi đã mất nhiều năm để thực hiện, không ít lần tôi bế tắc, để rồi lại ngoi lên viết tiếp.
Ngoài Saigon The Lifestyle And The Food, Hanoi The Lifestyle And The Food cũng là một tác phẩm để lại dấu ấn của Ngọc Trần trong lòng bạn đọc, chị nhận lại gì khi trải qua thời gian khám phá hai thành phố lớn của Việt Nam?
Trong thời gian thực hiện hai dự án sách Saigon The Lifestyle And The Food và Hanoi The Lifestyle And The Food, hòa mình vào nhịp của mỗi thành phố, tôi mới thêm thấm những nét tính cách của hai điểm đến này. Hà Nội thanh lịch, tinh tế, trong khi TP.HCM lại sôi động náo nhiệt. Và tôi sẽ thấm thêm những nét tính cách mới của các đô thị khác nữa để cống hiến cho bạn đọc.
Trả lời về kỉ niệm đáng nhớ về ẩm thực, văn hóa khi làm dự án này thì rất nhiều, trong đầu tôi hình dung ra bức ảnh về một “nghệ sĩ” giao hàng đường phố với một khay đầy những tô hủ tiếu (bức ảnh cuối cùng tôi chụp cho dự án sách tại TP.HCM).
Tôi muốn bức ảnh cuối phải chân thực và đầy nội dung, cả tháng trời lăn lộn trên đường phố hóa công cốc, không bức nào khiến tôi tâm đắc. Một ngày nọ, đứng chụp ở Hà tôn Quyền, quận 11, tôi gặp một người giao đồ ăn sáng đi ngang qua rất nhanh, theo phải xạ tôi đưa máy lên chụp và tất nhiên lại chụp hỏng. Khoảng 3 phút sau, anh giao hàng đó quay lại, hỏi tôi: “Em chụp được ảnh đẹp chưa?” và biết là tôi chụp hỏng anh dặn tôi đứng đó đợi.
Một lát sau anh quay lại trên chiếc xe màu xanh, trên tay là một khay đầy tô bánh canh nóng hổi với một nụ cười ấm áp hào sảng, cùng với sự cổ vũ, nhường đường của bà con hai bên phố. Tôi đã ghi kết quả tuyệt vời. Người đàn ông đó tên Vinh. Anh giao bánh canh cho vợ là chị Linh ở đường Hà Tôn Quyền.
>>Xem thêm: Douglas So - người lưu giữ huyền thoại về những chiếc máy ảnh Leica