share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Đi giữa Vườn quốc gia Xuân Thủy mùa chim về


ADVERTISEMENT

Đương độ xuân xanh nhất, tháng 3 về Vườn quốc gia Xuân Thủy thật thỏa thuê cái thèm miền sông nước và cũng là để tránh các điểm du lịch lễ hội đầu năm chen lấn đông đúc. Chuyến đi tưởng cái chính là đi săn mùa chim về cư trú tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới nào ngờ được đi chẳng khác gì cư dân bám biển đích thực, sử dụng hết thảy các loại hình phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy.

Có đoạn trải nghiệm “thừa thãi” mà lại thành chẳng thể quên, bấm bụng bảo nhau, thực là đi mua thời gian khi chọn đi tàu từ Ga Hà Nội về Ga Nam Định rồi bắt xe bus về thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, thêm một chuyến xe ôm xóc lọc cọc trên triền đê tìm về tới xã Giao Xuân. Và tới khi được biết thì lựa chọn nhanh nhất là đi ô tô thẳng từ Bến xe Giáp Bát về tới Giao Xuân.

Vốn dĩ thích cái dân dã và len lỏi theo “chế độ” sinh hoạt địa phương nên qua cô xe ôm mà tìm được homestay ở trong làng. Chắc sẽ tiếc lắm lắm nếu chọn ở nhà khách Vườn quốc gia và đơn thuần như một vị khách du lịch phương xa tới tham quan vườn.

Nhìn ra bốn phía bao la đến bất tận

Đúng vào quãng triều lên, nước dâng cả rừng ngập mặn đưa thuyền lớn ra được tới cửa Ba Lạt, nơi sông Vọp, một nhánh của sông Hồng đổ ra biển lớn và phía bên kia là ngọn Hải Đăng, thuộc vùng biển Tiền Hải, Thái Bình. Ngồi tàu nhìn ra xa bốn phía bao la đến bất tận, lướt qua rừng sú, vẹt như được mãn nhãn với màu xanh miên man tới vô cùng của rừng ngập mặn hàng ngàn ha, lớn nhất miền Bắc. Đây chính là hệ sinh thái được quốc tế bảo tồn nhằm giữ phù sa, tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh và cũng chính là nơi cư trú của các loài chim khi tới mùa di cư về.

Ra xa xa, thú vị nhất là được thấy rõ ranh giới màu nước sông ập ra biển cả. Thi thoảng, những cánh chim bằng chao liệng chẳng khác gì nghệ sĩ múa balet mang chiếc váy lông vũ trắng muốt đang điêu luyện giữa không trung, đến là mê đắm.

Cắm trại qua đêm giữa rừng phi lao trên cồn Lu chắc nên dành cho một dịp đông đúc hơn. Thuyền rẽ lối trở về đi ngược ánh hoàng hôn,  cũng đã tầm xế chiều, ngồi trệt trên thuyền thực chỉ biết lặng thinh giữ nguyên cảm giác bình yên giữa không gian mênh mông này. Chắc chẳng thấu kính nào thể hiện rõ nét, chỉ mắt thường đong đầy cảm xúc mới thưởng lãm hết cái vẻ đẹp của cả miền thiên nhiên trù phú.

Chị Thủy chủ tàu đã chiều lòng hai đứa tới độ gửi gắm bác canh chòi để được đứng trên cao mà đợi đàn chim bay về ngủ đêm trên rừng sú vẹt.  Được tả là đàn chim khổng lồ sẽ kéo về rợp trời đậu chạt lên cả góc rừng này. Nhưng đáng buồn biết bao khi bác bảo “hôm qua có kẻ cưa trộm, khiến đàn chim bị kinh động mà bay mất, chắc tối nay sẽ không về vùng này đâu”. Và điều đó đã xảy đến, chúng chỉ kéo nhau thành vệt đen trên nền  trời rồi lượn qua.

Đàn chim trở về hai ngày sau đó (chị Thủy gửi lại, hẹn mùa sau đón đàn chim trở về)

Có điều nhất định không bỏ lỡ là được đón bình minh trên biển và ra bãi cá đón ghe về. Thật hiếm khi nào có được, đạp xe trên triền đê biển khi vầng dương nhuốm màu cả không gian, đón làn gió biển mặn mòi hơi muối ấm nồng phả vào, phía trên là đàn chim sớm lũ lượt kéo nhau đi. Bãi cá vẫn được chiếu sáng từ đèn tàu, tấp nập chan chat, những người là người đang hối hả phân loại, cả tranh nhau từng mẻ cá ngon… và như những kẻ háu ăn, cứ bị hút theo đi từ đầu tới cuối bãi để ngắm không biết bao nhiêu loại cá, xem và tả hình thù các con cá biển khác nhau cũng đủ vui sướng lắm rồi.

Biển được mùa cá kìm

Sắp xếp đâu vào đấy, đúng theo nhịp sinh hoạt của người dân là trở về chợ để ăn sáng, rồi vào tham quan nhà ông cụ làm nước mắm gia truyền. Nhìn thứ gì cũng thích nên hai cái giỏ xe chất đầy chặt tha lôi về. Vẫn kịp đúng lời hẹn, bác đón ra thuyền bé để ra bãi. Lần đầu tiên có được thứ cảm giác này, bởi buổi sáng, triều xuống nên chỉ dùng được thuyền nhỏ lách qua những rạch nước cho tới chòi, nơi như ngôi nhà thứ hai của bác, hàng ngày ăn, ngủ, sinh hoạt để canh và nuôi trồng thủy sản.  Lội xuống cào ngao, nhặt hàu bùn đất lấm từ đầu tới chân, đi vài lượt bị vỏ ngao, vỏ hàu cứa chân cũng thêm ối kinh nghiệm nhìn lỗ nào có hàu sống, lỗ nào là hàu chết, rồi tay cầm hai con ngao đập đập, nghe tiếng thôi là biết còn sống hay bên trong là bụng đất…

Ngồi giữa chòi trên biển ăn bữa cơm trưa, thực chưa bao giờ thấy  tươi ngọt hơn thế

Chiến lợi phẩm khệ nệ kéo lên chắc cỡ cả yến ngao, hàu, bác nhất định cho để mang về còn bữa cơm bác đã chuẩn bị sẵn mớ cá đánh được lúc đêm và cả nồi hàu, ngán to đùng. Ngồi giữa chòi lộng gió biển, thực chưa thấy bữa cơm nào tươi ngọt hơn thế. Và lại mơ tưởng về cảnh được ngủ đêm trên chòi, không điện, không TV, giữa mênh mông biển nước nghe thiên nhiên ùa về.


ADVERTISEMENT