Điều gì làm nên tính biểu tượng của kiệt tác Sóng Lừng Ngoài Khơi Kanagawa?
Sóng Lừng Ngoài Khơi Kanagawa (The Great Wave Off Kanagawa) là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Qua bàn tay của nghệ sĩ Katsushika Hokusai, cơn sóng tại Kanagawa đã trở thành một kiệt tác, một biểu tượng trong hội hoạ của xứ Phù tang. Bức tranh này đã truyền cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ và người xem trong 200 năm qua, đặc biệt là ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác và sự phổ biến của nó trong đời sống hàng ngày. Ngày nay, bạn có thể bắt gặp hình ảnh của cơn sóng này với những biến thể khác nhau trên áo thun, sổ tay, túi tote hay thậm chí là ly uống nước. Vậy điều gì đã làm nên tính biểu tượng của bức tranh này?
Bối cảnh tại Kanagawa-juku
Núi Phú Sĩ nhìn từ bãi biển Zushi thuộc tỉnh Kanagawa
Sóng Lừng Ngoài Khơi Kanagawa lấy bối cảnh tại Kanagawa-juku - một trong những trạm trên tuyến đường biển phía Đông có tên là Tokaido. Tokaido là tuyến đường cực kỳ quan trọng thời Edo, nối các thành phố lớn Kyoto ở phía Tây và Edo (Tokyo ngày nay) ở phía Đông. Các nhóm khách du lịch và thương nhân thường xuyên đi tuyến đường này và nghỉ ngơi tại một juku được trang bị chuồng ngựa và chỗ ở. Có tổng cộng 53 trạm trên Tokaido, mỗi trạm cách nhau khoảng một ngày di chuyển và Kanagawa-juku là trạm thứ 3.
Kanagawa cũng thường xuyên được khắc hoạ bởi những nghệ sĩ cùng thời như một địa điểm nổi tiếng trên tuyến đường sầm uất với các hoạt động thương mại, tiêu biểu là nghệ sĩ Utagawa Hiroshige. Ông đã tạo ra một series có tên là Năm Mươi Ba Trạm Nghỉ Của Tokaido (The Fifty-three Stations of the Tokaido) với số lượng bản in tương ứng. Trong phiên bản của Hiroshige, khung cảnh ở Kanagawa tĩnh lặng hơn nhiều, một nửa là biển xanh và một nửa là đất liền. Một số con tàu chất đầy hàng hoá nối đuôi nhau cập cảng. Đó là một khung cảnh thịnh vượng và yên bình, khác hẳn với phiên bản của Hokusai.
Bức tranh của Utagawa Hiroshige miêu tả Kanagawa thời Edo, đang được trưng bày tại Bảo tàng Metropolitan (Ảnh: Utagawa Hiroshige/The Metropolitan Museum of Art)
Bức tranh tiêu biểu của trường phái Ukiyo-e
Ukiyo-e (còn được gọi là Phù Thế), là một trường phái hội hoạ phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 tại Nhật Bản. Các nghệ sĩ theo trường phái này sản xuất các bản in và tranh in mộc bản (woodblock print) khắc hoạ những đối tượng trong cuộc sống thường ngày, từ những người thiếu nữ, diễn viên kabuki, đô vật sumo, phong cảnh, thực vật, động vật cho đến các cảnh trích từ những câu chuyện lịch sử và dân gian...
Ukiyo-e dịch ra có nghĩa là "Những bức tranh của thế giới hư ảo". Thuật ngữ này được tạo ra để miêu tả lối sống hưởng lạc và phồn vinh của tầng lớp thương nhân Nhật Bản sau khi chiến tranh đi đến hồi kết và nền kinh tế lúc bấy giờ phát triển một cách thần kỳ. Về sau, "ukiyo" còn được hiểu theo nghĩa là "hợp thời" hay "một thời đại mới". Một số nghệ sĩ Ukiyo-e chuyên vẽ tranh, nhưng hầu hết các tác phẩm còn tồn tại là tranh in. Người nghệ sĩ hiếm khi tự khắc mộc bản riêng của họ cho việc in ấn, đúng hơn thì việc sản xuất được phân chia giữa nghệ sĩ và người thiết kế các bản in.
Tác phẩm đầu tiên trong series 36 Góc Nhìn Của Ngọn Núi Fuji
Núi Phú Sĩ Đỏ (Red Fuji Mountain) - một tác phẩm nổi tiếng khác nằm trong series 36 Góc Nhìn Của Ngọn Núi Fuji
Sóng Lừng Ngoài Khơi Kanagawa là tác phẩm đầu tiên trong series 36 Góc Nhìn Của Ngọn Núi Fuji (The Thirty-Six Views of Mount Fuji) của Hokusai nhằm miêu tả vẻ đẹp của núi Phú Sĩ ở những thời điểm và góc nhìn khác nhau. Chủ đề về ngọn núi Phú Sĩ đã ám ảnh Hokusai trong suốt sự nghiệp của ông. Theo lịch sử ghi chép, Hokusai bắt đầu series này vào khoảng năm 1830. Những tác phẩm trong series này dùng sự phong phú của màu sắc để thể hiện cảnh sắc đa dạng của núi Phú Sĩ thay đổi theo thời gian trong năm, đặc biệt là sự tinh tế trong việc sử dụng gam màu xanh lam. Nhờ sự xuất hiện của núi Phú Sĩ - ngọn núi cao và đáng kính nhất ở Nhật, mà Sóng Lừng Ngoài Khơi Kanagawa được cho là bức tranh thể hiện được gần như toàn bộ tinh thần và bản chất của văn hoá Nhật Bản.
Sự tinh tế trong việc sử dụng sắc xanh
Như đã nói ở trên, sự tinh tế trong việc sử dụng sắc xanh là một trong những yếu tố giúp Sóng Lừng Ngoài Khơi Kanagawa trở thành kiệt tác. Đối với bản in này, Hokusai đã sử dụng màu xanh Phổ (Prussian) - một gam màu mới được du nhập từ châu Âu vào Nhật Bản lúc bấy giờ. Ông đã phối hợp màu xanh Phổ hiện đại với màu chàm truyền thống để tạo nên màu sắc của con sóng, đồng thời lột tả được sự mạnh mẽ và bí ẩn của đại dương. Việc sử dụng màu xanh Phổ cũng cho thấy Hokusai đã đi trước thời đại. Bạn sẽ bắt gặp màu xanh này trong các tác phẩm của Gainsborough, Constable, Monet, Van Gogh và Picasso.
Màu xanh Phổ cũng được đánh giá cao về độ sâu và độ bền. Việc Hokusai sử dụng màu sắc còn ngụ ý về một thời kỳ chuyển giao và Nhật Bản đang trên đỉnh của sự thay đổi. Dù ngọn sóng cao cho thấy sự bất ổn và nguy hiểm nhưng sắc xanh cũng gợi lên nhiều tiềm năng và hy vọng.