Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu: Liệu chúng ta có tự do như McMurphy?
Năm 1962, nhà văn trẻ Ken Kesey trình làng tiểu thuyết One Flew Over The Cuckoo’s Nest (Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu) ngay lập tức đã làm dậy sóng nền văn học Mỹ. Những năm tháng làm việc tại viện tâm thần tại một bệnh viện ở California đồng thời tình nguyện tham gia làm thí nghiệm trong chương trình thử nghiệm thuốc kích thích lên người đã đem đến cho nhà văn góc nhìn sâu sắc về cuộc sống của người bệnh tâm thần. Và rồi khi trải lòng trên trang sách, Ken Kesey khiến người đọc nhiều thế hệ phải suy nghĩ về mối quan hệ giữa thiện - ác, tự do - trói buộc, cái bình thường - bất thường…
Tác phẩm lấy bối cảnh ở một bệnh viện tâm thần, nơi những bệnh nhân đều có những hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau khiến họ trở nên "điên" và cuối cùng đến điều trị tại một bệnh viện. Hằng ngày, họ xếp hàng và được cấp thuốc. Họ có lớp điều trị với y tá Ratched, mỗi bệnh nhân phải thẳng thắn đối mặt với những vấn đề của mình, câu chuyện của họ được đưa ra để người khác được mổ xẻ, phân tích. Cuộc sống của họ được sắp xếp theo thời khóa biểu khoa học. Nhìn vào ai cũng nghĩ sự trình tự ấy sẽ giúp họ nhanh chóng bình phục rồi nhanh thôi, rồi họ lại trở về với cuộc sống bình thường.
Cho đến khi McMurphy xuất hiện…
McMurphy đã làm mọi thứ thay đổi như thế nào?
(Ảnh: IMDb)
Nhưng người đọc chớ nhầm tưởng, McMurphy không phải là nhân vật giống như hình mẫu siêu anh hùng cứu rỗi thế giới. Bản thân McMurphy cũng là con người đầy những khiếm khuyết. Hắn là tên tội phạm giả điên âm mưu trốn lao động khổ sai. Điều McMurphy làm chỉ đơn giản là sống thật với chính mình và mong muốn làm được điều mà bản thân mình yêu thích. Từ những ngày đầu tiên, nụ cười, cách cư xử của gã đã mang đến sự khác biệt cho bầu không khí của bệnh viện. Gã kiên trì nói chuyện với thủ lĩnh da đỏ, chỉ ông ta chơi bóng dù người hộ lý, kẻ lẽ ra phải có trách nhiệm với bệnh nhân lại bảo Murphy người đàn ông da đỏ chỉ là kẻ câm điếc, Murphy việc gì phải tốn công vì gã. Những yêu cầu Murphy đặt ra tưởng chừng như rất đơn giản lại chẳng thể thực hiện được. Chi tiết gã nói trong nhà tù vẫn có thể xem bóng chày chứ không phải như bệnh viện cũng phần nào giúp chúng ta hiểu được: Hóa ra bệnh viện tâm thần - nơi giữ vai trò chữa lành cho người bệnh lại có ngày khiến người bệnh mất tự do hơn cả nhà tù.
Cuộc sống vốn tẻ nhạt của các bệnh nhân tâm thần trở nên vui vẻ hơn, huyên náo hơn nhờ sự xuất hiện của Murphy. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, gã đã giúp những con người này tìm thấy con người mà bấy lâu đã ngủ quên trong họ. Từ e sợ, họ bắt đầu bày tỏ quan điểm với y tá trưởng Ratched rằng có nhất thiết phải ép người khác kể ra câu chuyện của mình nếu họ không thực sự mong muốn. Họ bắt đầu dám dơ tay biểu quyết để có thể được xem bóng chày. Họ lần lượt được sống lại dựa trên những cuộc đấu tranh ngầm giữa Murphy và bà y tá trưởng Ratched.
(Ảnh: IMDb)
Về phần Murphy, gã chính là linh hồn của tác phẩm được kể dưới góc nhìn của tên thủ lĩnh da đỏ. McMurphy đơn giản là sống cho mình, sống và mong cầu sự tự do nên gã đã lên tiếng để đấu tranh, bắt đầu những cuộc cách mạng. Cũng có lúc Murphy chùn bước vì gã nhận ra thời gian của mình ở bệnh viện được quyết định bởi y tá Ratched. Nhưng mà cuối cùng, gã vẫn đứng dậy đấu tranh. Một mình gã có thể trốn khỏi bệnh viện cùng với cô người yêu Candy. Murphy cũng có cuộc đời riêng của mình, có những lo toan được che lấp đằng sau vẻ ngoài phóng khoáng, hoang dại.
Rõ ràng, cuộc chiến này thực sự không cân sức khi đằng sau bà y tá là Liên hiệp vững mạnh. Nhưng Murphy đã chiến đấu đến phút cuối cùng, để cho những bệnh nhân thấy thực chất họ cũng rất bình thường, chỉ là họ khi ở trong bệnh viện tâm thần, họ bắt đầu yếu đuối, họ không dám vùng vẫy. Và cuối cùng, họ thức tỉnh, họ được giải thoát. Còn Murphy lại nhận kết cuộc cay đắng. Trong mọi cuộc chiến, không phải cái tốt đẹp, cái lý tưởng lúc nào cũng sẽ chiến thắng. Nhưng nếu không thực sự chiến đấu, con người ta sẽ cảm thấy day dứt với lương tâm. Cảm giác đấu tranh cho sự tự do của mình và của những con người tội nghiệp, đó là cảm giác sảng khoái nhất, khiến Murphy đủ mãn nguyện cho dù phải trả cái giá rất đắt.
Khi nỗi sợ trói buộc con người
(Ảnh: IMDb)
Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu không đề cập cụ thể nguyên nhân sâu xa nào khiến y tá trưởng Ratched trở nên ác độc như thế. Sự tàn nhẫn của bà ta có thể khiến người khác thấy hãi hùng. Nhưng ở một diễn biến khác, số phận của những bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần mới là điều khiến người đọc băn khoăn. Rất nhiều người trong đó vào trại là do họ tự nguyện đăng ký.
Họ - những người bình thường lại cố gắn cho mình cái mác của người điên để trốn chạy thế giới ngoài kia. Họ nghĩ rằng bệnh viện là môi trường an toàn. Tù trưởng da đỏ giả vờ câm điếc, sống mấy chục năm trời trong bệnh viện. Lão chấp nhận không giao tiếp với thế giới ngoài, sống mà bước đi chậm rãi chỉ vì sợ hãi. Billy cũng là anh chàng bình thường, mắc chứng nói lắp nhưng cũng quyết định chôn chặt cả tuổi trẻ trong bệnh viện chỉ vì e ngại thế giới ngoài kia. Brodem tự biết rằng mình là kẻ "hơi bê tha, dĩ nhiên, nhưng lặn ngụp, trấn mình trong đó lại cảm thấy an toàn". Chưa cần đến bà y tá trưởng, họ đã tự kìm hãm mình, chấp nhận che giấu con người thật của mình để người khác sắp đặt, sống như một cỗ máy. Và cho đến khi Murphy xuất hiện, đơn giản gã chỉ sống thật, gã không giống họ thì họ mới thực sự tỉnh giấc.
(Ảnh: IMDb)
Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu khi chuyển thể thành phim năm 1975 đã đạt 5 giải Oscar và được tặng danh hiệu "kiệt tác trong lịch sử điện ảnh thế giới về những người điên". Bỏ qua những câu chuyện buồn hay những yếu tố có phần tiêu cực trong tác phẩm, có lẽ cái khiến chúng ta suy nghĩ rằng: Chúng ta có đang tự do như Murphy. Hay chúng ta cũng đang cố gắng quên đi con người thật của chúng mình. Rốt cuộc, ai mới là kẻ thực sự điên?