Em ở đâu?
Ngay lần đầu tiên bắt gặp cuốn sách này ở nhà sách, tôi đã không thể kiềm lòng mà cầm lên ngắm nhìn thật lâu vào cái tựa đề. “Em ở đâu?” – một câu hỏi tưởng chừng như đơn thuần thôi mà sao lại nghe đau đáu một nỗi mơ hồ của người hỏi. Không để mình chần chừ lâu, tôi quyết định thêm cuốn sách này vào kệ sách của mình mùa Giáng Sinh này, và nó đã không làm tôi thất vọng!
Tác phẩm “Em ở đâu” của nhà văn Marc Levy
Xuyên suốt câu chuyện là những lá thư tình của hai người yêu nhau những lại phải sống xa nhau vì lựa chọn riêng của mỗi người. Một lối thể hiện câu chuyện tưởng chừng như quen thuộc, nhưng Marc Levy đã thành công khi mang lại chất riêng cho tác phẩm của mình, khiến người đọc như được sống trong từng câu chuyện của nhân vật – một trải nghiệm thật tuyệt vời! Tôi vẫn không thể hiểu quyết định của Susan và sự ra đi “vì người khác” của cô, mà có lẽ sẽ chẳng ai có thể hiểu được suy nghĩ hay quyết định của một người khi mình chẳng phải là họ, chẳng thể ở trong hoàn cảnh phải lựa chọn đó. Cho đến khi gấp cuốn sách lại rồi, tôi vẫn luôn tự đặt cho mình một câu hỏi, rằng điều gì đã khiến Susan lựa chọn rời bỏ một cuộc sống yên bình, đầy đủ để đến một nơi đầy hiểm nguy chết chóc, gắn bó cuộc đời mình ở đó và bỏ mặc người đàn ông cô yêu? Một mối tình dài lâu từ thuở niên thiếu cho đến lúc trưởng thành với đủ mọi cung bậc cảm xúc, chia xa, nhớ nhung, lo lắng, căng thẳng, thất vọng, chấp nhận để rồi cuối cùng chỉ còn tình thương và kỉ niệm là ở lại mãi mãi.
Bối cảnh xuyên suốt và là điểm nhấn của câu chuyện chính là sân bay Newark. Nơi đây chứng kiến tất cả mọi sự chia xa, trở về, sự chờ đợi Susan – người con gái mình yêu của Phillip, sự xuất hiện cùng những lời tâm sự chóng vánh của Susan, con gái Susan và những giọt nước mắt đầy hối lỗi của người mẹ. Người đọc như nghẹt thở, từ từ dõi theo diễn biến đầy bất ngờ của câu chuyện, có lúc cao trào hạnh phúc, có lúc chỉ biết nuốt nước mắt mà thở dài.
Xuyên suốt câu chuyện là những lá thư tay đầy yêu thương từ hai nhân vật
Susan đã quá may mắn khi có Phillip yêu cô và chân thành đợi chờ cô đến như vậy. Cho dù sau này khi Phillip đã lựa chọn cho mình một tình yêu mới, một người hy sinh vì anh và ở lại bên anh, thì mọi tình cảm, những kí ức giữa Susan và Phillip vẫn không bị ngăn cách, đứt đoạn. Đó chính là niềm tin! Niềm tin mà hai người dành cho nhau đủ sức lay động độc giả, niềm tin ấy khiến tình yêu họ lớn lên trong cả không gian, thời gian, trong tiềm thức của mỗi người. Niềm tin ấy đã khiến Susan mạnh dạn giao con mình cho Phillip, giúp Phillip cảm nhận rõ ràng rằng, Susan vẫn còn sống! Dù cuối cùng chuyện tình ấy chẳng thể nên đôi, dù họ chẳng thể cùng nhau viết nên một cái kết đẹp cho câu chuyện, nhưng niềm tin ấy như là điểm tựa đã giúp hai người cùng sống tốt trong mỗi cuộc đời mà mình lựa chọn.
Với Susan: "Yêu một người lại có thể khiến cho người ta sợ hãi đến mức chạy trốn!", trong khi đó Philip cố giải thích cho cô rằng: "Yêu không phải là từ bỏ tự do của mình, mà là mang cho nó một ý nghĩa...". Gấp cuốn sách lại, tôi thẩn thờ với bao dằn xé của những định nghĩa về tình yêu, nhưng rồi cũng mỉm cười chấp nhận cách lựa chọn số phận của mỗi người. Như một sớm bình minh tràn về thành phố sau cơn bão nổi, thấy lòng mình an nhiên hơn một chút . Bởi một cái kết khác bên cạnh những hối tiếc của câu chuyện tình ấy, một cái kết rất đẹp và nhân văn, lòng yêu thương và bao dung của Mary – vợ Phillip hơn tất thảy những nhỏ nhen ích kỉ của một người phụ nữ, khi cô nói với Lisa (con gái của Susan) rằng: "Cô là điều mâu thuẫn của cháu. Cô sẽ không bao giờ trở thành mẹ cháu, nhưng cháu sẽ mãi mãi là con gái của cô!"
Một tình yêu không chỉ lãng mạn mà còn rất thực tế. Một câu chuyện khi gấp sách lại rồi vẫn cứ khiến người đọc day dứt mãi không thôi. Có lẽ đó là sự hối tiếc, là một bài học kinh nghiệm cho những người đang yêu. Khi tình yêu không được vun đắp đủ đầy, cuối cùng mỗi người cũng chỉ biết ôm một lòng hối tiếc, những câu hỏi mơ hồ như chính tựa đề tác phẩm “Em ở đâu?” rồi cũng cứ thế hoang hoải, mãi mãi không có lời hồi đáp…