Gian bếp của mẹ
Đồng hồ điểm qua sáu giờ sáng một chút, tôi mang đôi mắt còn mơ màng đi tìm mẹ. Thật ra cũng chẳng có việc gì cần tìm, hành động này chỉ như một thói quen trong cuộc sống hàng ngày mà thôi. Lúc này, ở ngoài sân hiên, một nhóm những người mẹ đang rôm rả nói cười. Lẫn trong đó tôi nhận ra tiếng mẹ. Mẹ hào hứng chia sẻ hôm nay ngoài chợ có cá tươi và cô bán rau vừa hái một lứa cải thìa ở nhà lên bán, các bác nhanh ra mua kẻo hết.
Văn hóa đi chợ sớm
Tôi lớn lên cùng với những bữa ăn được làm từ bàn tay của mẹ, của bà, của những người phụ nữ tần tảo đảm đang trong gia đình. Những bữa cơm nhà không chỉ gói gọn ở món ăn, ở hương vị, mà đó còn là bài học đằng sau kho tàng ẩm thực Việt Nam, là văn hóa và phong tục tốt đẹp cần giữ gìn.
Văn hóa đi chợ sớm ở Việt Nam đã hình thành từ bao đời, đặc biệt thể hiện rõ ràng nhất ở những người mẹ. Sẽ là điều hiển nhiên nếu bạn hỏi một người mẹ Việt bất kỳ, “Vì sao lại chọn chợ truyền thống thay vì siêu thị”, và nhận được câu trả lời rằng “ở chợ có đồ tươi, ngon và nguyên liệu thu hoạch theo mùa vụ.”
Đều đặn mỗi ngày, các tiểu thương ở khu chợ truyền thống đón bình minh trước cả khi gà gáy. Họ bổ sung lượng hàng mới, dựng sạp, dọn dẹp, cân đo rồi tiến hành phân loại. Có hôm, trước khi thu hoạch, họ báo cho khách quen biết trước rằng ngày mai có đồ ngon. Nếu khách muốn mua thì họ sẽ để phần, sau sáu giờ thì sẽ bán cho người khác, nhớ đến sớm mà lấy.
Gian bếp của mẹ
Ở nhà tôi, mẹ là đầu bếp chính và nhà bếp là trung tâm chỉ huy của bà. Gian bếp của mẹ đã được sắp xếp một cách có trật tự, mỗi vật dụng đều có vị trí của nó. Bất cứ ai làm xáo trộn trật tự này sẽ phải chịu hậu quả.
Gian bếp của mẹ là một “cứ điểm” rất hấp dẫn. Đây là nơi mà những bí kíp gia đình được truyền lại, những bài học cuộc sống được mở ra, và cũng như bao gia đình khác, thứ tự của các “bài học” luôn lộn xộn. Nấu ăn với mẹ thường có cảm giác như tham gia vào một chương trình thực tế không kịch bản. Bạn sẽ chẳng đoán được điều gì đang chờ đón ở phía trước.
Trong văn hóa Việt Nam, hình ảnh người mẹ trong vai vị đầu bếp tài năng đã in sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ. Họ làm nên những món ăn truyền thống Việt Nam ngon lành, đậm vị quê hương. Những người mẹ thường có thâm niên “hành nghề” hơn cả chục năm với một danh sách thực đơn vô cùng đa dạng.
Nấu ăn bằng tình yêu
Mặc dù thỉnh thoảng sẽ có sự hỗn loạn, nhưng nhịp độ làm bếp của mẹ vẫn luôn rất đáng ngạc nhiên. Bộ dáng thong thả, nhẹ nhàng mà đôi tay của mẹ chẳng lúc nào ngơi nghỉ. Những người mẹ thường nấu ăn một cách tự do mà theo miêu tả của họ, là nấu theo trực giác. Trừ một số trường hợp nhất định, còn phần lớn các món ăn không có công thức nào được đóng khung. Cụ thể như việc nêm nếm, mẹ sẽ ước lượng bằng mắt, giống như việc quan sát đến khi nước xốt sánh lại vừa đủ thay vì phải canh đồng hồ.
Trong quá trình nấu nướng, mẹ sẽ liên tục nhắc nhở rằng làm cho gia đình ăn, phải đặt cái tâm của mình vào, không được sơ sài. Bắt đầu từ nguyên liệu, chúng luôn được lựa chọn kỹ càng, nguồn gốc rõ ràng, tươi ngon và phải được sơ chế sạch sẽ. Từ việc thái cà chua, chặt thịt, lựa ngò, rửa dao, rửa nồi, v.v. cho đến việc lên thực đơn làm thế nào để vừa thơm ngon hấp dẫn, vừa đầy đủ dinh dưỡng. Toàn bộ quá trình đều được giám tuyển cẩn thận. Khi tôi đều tay khuấy nồi canh có rau, có thịt, có công sức và kinh nghiệm chỉ bảo của mẹ, đó cũng là lúc văn hóa được giữ gìn, được tạo dựng.
Ở trong bếp bạn sẽ phát hiện ra, mẹ còn là một bác sĩ nghiệp dư và nấu ăn cho gia đình không chỉ dừng lại ở câu chuyện của hương vị. Chẳng hạn như nhà có bốn thành viên, nhưng khẩu vị của mỗi người lại khác nhau. Chưa kể đến thành viên lớn tuổi thường sẽ có vài căn bệnh nhất định nên hạn chế một số món ăn, hay có người bị dị ứng với một số thành phần/món ăn nào đó, v.v. Đầu bếp gia đình cần lưu ý và ghi nhớ các trường hợp đặc biệt này. Bữa cơm nhà là dành cho mọi người, vì vậy phải cân đối làm sao để tất cả thành viên đều no bụng và cảm thấy ngon miệng, mỗi ngày.
Đó là một bài toán không hề dễ dàng, và phải được thực hiện bằng cả trái tim.
Mâm cơm gia đình
Ẩm thực Việt phong phú, và thực đơn của mẹ cũng vậy. Chẳng có một giới hạn nào có thể cản trở sự sáng tạo của đầu bếp tại gia đặc biệt này. Thực đơn được xây dựng dựa trên nguồn nguyên liệu theo mùa mà mẹ tìm thấy ở chợ. Công thức nấu ăn có thể “biến hóa khôn lường” và cách kết hợp chúng lại với nhau luôn có thể được làm mới.
Thực khách là những thành viên trong gia đình sẽ dùng bữa với lòng biết ơn, với tâm trạng tò mò muốn biết hôm nay ăn gì, liệu có món mà mình thích không. Bàn ăn của người Việt thường dọn tất cả các món lên cùng một lúc với các thành viên quây quần bên nhau. Ở đó, tiếng mời cơm, tiếng chén đũa va chạm cùng những câu chuyện được bắt đầu.
Tại bàn ăn, những bài học cuộc sống được khơi dậy và truyền tải một cách hiệu quả. Kính trên nhường dưới, biết mình biết người, ăn trông nồi ngồi trông hướng, v.v. những lời dạy mang đậm giá trị qua bao đời đều lấy từ bữa cơm nhà mà ra.
Văn hóa Việt Nam đề cao tính gắn kết cộng đồng, coi trọng nghĩa tình. Với nhiều gia đình, bữa cơm là thời gian các thành viên tụ họp lại với nhau, dùng cơm, trò chuyện và kết nối, là một nét đặc trưng vô cùng tốt đẹp. Mâm cơm nhà thể hiện sự gắn bó của các thế hệ, là nơi tình yêu thương được lan tỏa bằng nhiều sắc thái khác biệt. Từ nồi cá mẹ kho, chén trà nóng của bố đến câu chuyện đi làm, đi học của những người con.
Muôn thứ vặt vãnh, vậy mà làm nên bữa ăn tròn đầy.
>>Xem thêm: Bánh Kà Tum - hương vị nghĩa tình của người Khmer