share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Hành trình của màu hồng trong thời trang


ADVERTISEMENT

Theo nhà sử học Valerie Steele, màu hồng trong ngành công nghiệp thời trang hiện đại bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 18 ở các nước phương Tây. Vào thời kỳ này, màu hồng đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của giới thượng lưu (bao gồm hoàng gia và quý tộc) cho việc phô bày đẳng cấp, quyền lực cũng như sự vương giả.

BST Valentino Pink PP Fall/Winter 2023

Lịch sử của màu hồng gắn liền với những cuộc tranh cãi, song sắc màu này luôn biết cách “xâm chiếm” xu hướng làm đẹp bằng sức hấp dẫn riêng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin thú vị về hiệu ứng màu hồng đã tác động thế nào đến ngành thời trang.

Từng được biết đến là màu sắc của nam giới

Ngày nay, mọi người thường nghĩ màu hồng sinh ra là dành cho phái nữ. Nhưng tại phương Tây vào khoảng thế kỷ 18, màu hồng lại gắn liền với sự nam tính. Người ta cho rằng, màu hồng là một sắc thái khác của màu đỏ, vì vậy càng phù hợp để thể hiện sự nam tính. Mãi cho đến khoảng thế kỷ 19, nam giới Tây phương lại dần ưa chuộng trang phục tối màu, trang nhã và sang trọng. Họ nhường lại những sắc màu sáng và rực rỡ hơn cho phái nữ.

Lúc này, địa vị của màu hồng cũng không còn như trước. Ngành công nghiệp hóa và sản xuất hàng loạt phát triển khiến cho các loại thuốc nhuộm rẻ tiền phổ biến hơn, trong đó có màu hồng. Trang phục mang sắc màu này vì vậy cũng xuất hiện khắp nơi, ở mọi tầng lớp và được phái nữ đặc biệt yêu thích.

Màu hồng đã từng là màu sắc được phái nam ưa chuộng tại phương Tây. Ảnh: Pierre-Thomas LeClerc

Cho đến biểu tượng của sức mạnh nữ tính

Đến đầu thế kỷ 20, nhà thiết kế thời trang Paul Poiret cho ra mắt những chiếc váy mang nhiều sắc hồng đa dạng. Nào là hồng nhạt, hồng phấn, màu anh đào và cả san hô, đủ cả. Chính thức đẩy màu sắc này quay lại sàn diễn thời trang cao cấp.

Từ năm 1950, sức mạnh nữ tính của màu hồng ngày càng được củng cố mạnh mẽ hơn. Lần lượt những người nổi tiếng đều diện trang phục với sắc màu này ít nhất một lần trong sự nghiệp. Là Marilyn Monroe xuất hiện đầy yêu kiều với bộ đôi váy quây và găng tay hồng trong bộ phim hài Gentlemen Prefer Blondes (1953); là Gwyneth Paltrow tỏa sáng cùng chiếc váy màu hồng phấn đáng yêu trong thời khắc nhận giải Oscar cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 1999, v.v…

Marilyn Monroe trong chiếc váy màu hồng kinh điển. Ảnh: Gentlemen Prefer Blondes (1953)

Phái nữ thời đại mới chẳng ngại ngần phô bày sự quyến rũ, tươi mới và ngọt ngào của mình thông qua những bộ trang phục mang sắc hồng rực rỡ. Màu hồng đã có một cuộc chuyển biến lớn - từ dành cho nam giới chuyển sang “chinh phục” nữ giới. Nhưng câu chuyện của màu hồng chưa dừng lại ở đó.

Là màu sắc xóa nhòa định kiến giới

Sau khi mọi người đã có cái nhìn quen thuộc với màu hồng trên cơ thể nữ giới và hoàn toàn đồng ý màu hồng mang trong mình sự nữ tính, một sự biến chuyển khác lại xảy ra: màu hồng từng bước trở về để chứng minh nó vẫn luôn phù hợp với nam giới.

Một số nghệ sĩ nam trong nước lẫn quốc tế đi đầu trào lưu là rapper Binz, Harry Styles, Sebastian Stan v.v… Sau cùng, phải khẳng định rằng màu hồng với tính chất rực rỡ, tươi sáng đã làm được một việc cao cả: xóa nhòa định kiến giới khi bất cứ ai cũng có thể tự tin khoác lên mình trang phục màu hồng. Giống như Valerie Steele, Giám đốc Bảo tàng tại Viện Công nghệ Thời trang New York, từng chia sẻ:

“Xã hội quyết định ý nghĩa của màu sắc”.

Harry Styles trong bộ suit hồng bespoke từ Edward Sexton

Một màu sắc gây sốc, nhưng đầy lôi cuốn và say mê

Trong quá khứ, màu hồng đã được chứng minh là một trong những màu sắc gây tranh cãi nhưng cũng gợi cảm xúc nhất trong tất cả các màu.

Nhắc đến sắc hồng, không thể không nhắc đến nhà thiết kế thời trang người Ý Elsa Schiaparelli - người đã đưa giá trị của màu hồng trở nên phổ biến trong giới mộ điệu hơn bao giờ hết. Trong bộ phim “Moulin Rouge”, Schiaparelli đã khoác lên người nhân vật Jane Avril (Zsa Zsa Gabor) một chiếc váy màu hồng sáng (được biết đến với tên gọi “shocking pink”). Điều này biến bộ trang phục trở nên đậm và gắt. Một mặt gây nhức mắt và tạo cảm giác lố lăng cho người đối diện, một mặt khiến người mặc trở thành tâm điểm thu hút mọi ánh nhìn.

Zsa Zsa Gabor trong bộ váy shocking pink của Schiaparelli. Ảnh: Moulin Rouge (1952)

Gợi cảm xúc là vì màu hồng dường như vừa lột tả vẻ ngây thơ, tươi sáng; vừa gắn liền với quyền lực, sự sáng tạo và cá tính riêng. Điểm chung của các sắc thái này có chăng là đều tạo cảm giác ấm áp, hạnh phúc cho người đối diện.

Với nữ giới, màu hồng là sự lựa chọn tuyệt vời để phô bày tính. Với nam giới, màu hồng hẳn là cách giải phóng cơ thể khỏi những chuẩn mực vốn đã luôn bị áp đặt. Sức hút của màu hồng vì thế chỉ có tăng chứ không có giảm.

BST Pink PP của Valentino đã chứng tỏ sức hút của màu hồng trong năm 2023. Khắp các sàn diễn, sân khấu đều có bóng dáng sản phẩm của thương hiệu, vừa nổi bật vừa ấn tượng. Ảnh: Valentino

Barbiecore (xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ biểu tượng búp bê Barbie) quay lại đã củng cố vị thế của màu hồng trên bản đồ thời trang. Con số từng được ghi nhận cho thấy mức độ quan tâm đến phong cách Barbiecore là hơn 37 triệu người dùng. Các hashtag liên quan #barbiecore, #barbiecoreaesthetic; sức mua những món đồ hồng thời thượng cũng tăng lên 35% (do website mua sắm trực tuyến lớn thứ 4 thế giới Etsy thống kê) v.v…

Cuối cùng, bằng tất cả đặc tính thú vị và “tiếng nói” mang thông điệp vượt ra khỏi lĩnh vực thời trang, màu hồng chính là một sắc màu vượt thời gian và có lẽ sẽ còn “làm mưa làm gió” với những biến hóa liên tục trong tương lai.


ADVERTISEMENT