Hành trình đi tìm hơi thở đại ngàn (Kỳ 1) - Có ai về phố núi Kon Tum
Một buổi chiều ngồi dọn lại laptop, album về chuyến Kon Tum - Gia Lai của tháng 11 vừa qua chợt hiện ra kéo theo bao ký ức ùa về. Chuyến đi tới Kon Tum - Gia Lai như một cuộc hành trình thay thế cho những lần lỡ hẹn với Đà Lạt trước đó. Sau khi xem sơ qua lịch trình, tổng cây số xấp xỉ 1000km khiến hắn hơi lo lắng. Vô tình vào khoảnh khắc hoang mang ấy, hắn gặp được một người bạn ở Gia Lai đăng hình hoa dã quỳ trong group “Phượt”. Nhìn hình, nói chuyện và nắm sơ qua thông tin, không chần chừ quá lâu, hắn quyết định lên đường. Chuyến hành trình tuổi hai mươi của chàng trai trẻ đã bắt đầu như thế.
Chuyến hành trình đã bắt đầu với những mảnh đất đầu tiên
Hắn chọn đường đi lên sẽ theo hướng Quảng Nam – Quảng Ngãi – Kon Tum – Gia Lai. Hết đường quốc lộ, giáp giới giữa Quảng Ngãi với Kon Tum là đèo Violak, cuộc hành trình trở nên thú vị từ đây. Hắn ngơ ngẩn trước một bên là núi, một bên là thung lũng bao la, hùng vĩ. Xa xa có vài ngọn khói lãng đãng giữa núi rừng, dưới thung lũng là vài cái xóm nhỏ được bao quanh bởi những ruộng bậc thang đương vào mùa vàng rộ . Hình ảnh ấy khiến hắn nhớ đến núi rừng Tây Bắc vô cùng. Hắn chạy chầm chậm dù đường đèo quanh co rất khó đi, chỉ để có thể ngắm nhìn thật lâu khung cảnh bình yên ấy, hưởng một chút không khí trong lành của Violak hùng vĩ.
Nắng gió đại ngàn tạo nên một cảnh tượng vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng…
Vượt hết con đèo, Măng Đen đón hắn với những rừng thông bạt ngàn và trải dài đường đi. Hắn hít thật căng lồng ngực mùi gỗ thông đặc trưng của xứ này, thích thú nhìn những cây thông to cao, ngầm đoán tuổi của chúng chắc cũng được vài chục năm. Măng Đen lạnh se se trong cái nắng gió đại ngàn. Hắn dừng xe ghé vào quán ven đường để thưởng thức đặc sản của nơi đây: gà nướng cơm lam. Gà nướng ở đây có mùi thơm lạ, khác hẳn với mùi vị trước đây hắn từng thử. Gà nướng ăn kèm muối tiêu chanh, còn cơm lam sẽ được chấm với muối mè. Vị thơm nồng của thịt gà, chua mặn của muối tiêu chanh quyện cùng ống cơm thơm thảo, thanh thanh của tre tươi, kèm theo mùi khói và ngọt bùi của muối mè khiến hắn nhớ mãi không thôi. Tất cả hương vị tạo nên một hương vị khó tả.
Gà nướng cơm lam – món ăn nên thử khi đến Măng Đen
Hành trình tiếp tục được mở ra với vùng đất giàu văn hóa Kon Tum. Nhắc đến Kon Tum, hẳn ai cũng biết đến với những địa điểm nổi tiếng như Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục hay cầu treo Kon Klor. Hắn ghé thăm ba nơi này như một lời chào đầu đến mảnh đất Kon Tum. Theo như tìm hiểu, Nhà thờ gỗ được làm từ gỗ cà chít, vách tường được làm bằng đất trộn rơm, đặc biệt không có xi măng hay vôi vữa gì cả. Đây được xem là di tích cổ kính và đẹp nhất của thành phố xinh đẹp này. Nhà thờ gỗ Chính tòa Kon Tum – báu vật nằm giữa núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn là một công trình kiến trúc tôn giáo rất độc đáo với tuổi đời lên đến hàng thế kỷ, là niềm tự hào bao đời nay của người dân Kon Tum.
Nhà thờ gỗ là một trong những kiến trúc vô cùng độc đáo của Kon Tum
Gần Nhà thờ gỗ Kon Tum là Tòa giám mục. Nằm khuất sau hai rặng sứ luôn rợp bóng mát, Toà giám mục mang dáng vẻ yên bình như chính nhịp sống của người Tây Nguyên. Qua cánh cổng nhỏ, hắn chậm rãi rảo bước và cảm nhận mùi thơm dìu dịu của hoa sứ. Một trong những điểm nhấn tại Toà giám mục Kon Tum là căn nhà truyền thống, có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc bản địa đang sinh sống trên địa bàn. Các hiện vật, bản đồ trưng bày trong chủng viện đều rất giá trị, được chạm khắc bằng gỗ tỉ mỉ. Đây là nơi không thể bỏ qua khi đến Kon Tum tìm hiểu lịch sử, văn hóa, đời sống người dân vùng đất mến khách này.
Một góc Tòa giám mục Kon Tum
Địa điểm tiếp theo là cây cầu Kon Klor nối hai bờ sông Đăk Bla. Đứng nhìn cây cầu thật lâu rồi rảo bước đi trên cây cầu ấy, những câu hát cứ vọng về theo tiếng gió:
“Chiều trên bến sông Kon Klor
Nước xanh một màu thương nhớ
Có ai về bên kia đó
Chìm trong bóng núi xanh lơ…”
Khi buổi chiều tà về, trong cái ánh nắng chênh chếch, được ngắm nhìn những chiếc xe bò lững thững chở nặng thóc lúa, ngô khoai từ nương rẫy đi về trên cầu treo Kon Klor; dưới bến sông, vài chiếc thuyền độc mộc khua mái chèo buông lưới đánh bắt cá; dọc bãi bồi ven sông, lũ trẻ con hồn nhiên nghịch ngợm đất cát…, hắn không khỏi bị hút hồn với khung cảnh tuyệt vời "làng trong phố" của phố núi Kon Tum.
Cây cầu mộc mạc Kon Klor bắc ngang dòng sông Đăk Bla
Nhưng ấn tượng nhấn tượng nhất trên mảnh đất Kon Tum chính là ngã ba Đông Dương. Con đường lên ngã ba Đông Dương ngoằn ngoèo, dọc hai bên đường là đồng cỏ lau cao cao cùng những đồi nhỏ mọc đầy cỏ đuôi chồn. Cảnh tượng nên thơ vô cùng khiến hắn như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Tuy là mốc biên giới nhưng rất dễ đi. Mốc được đặt trên một ngọn đồi nhỏ, và cao nhất trong vùng đấy. Bước lên chừng trăm bậc thang, hắn chạm đến giây phút thiêng liêng ấy. Cột mốc bằng đá hoa cương, có ba mặt, mỗi mặt quay về mỗi hướng của các nước Lào, Việt Nam, Campuchia. Hắn hóm hỉnh nghĩ thầm trong một ngày mà mình đã được đặt chân đến cả ba nước. Cảm giác ấy đã vô cùng! Trải dài tầm mắt xuống phía dưới là sự hùng vĩ của núi non, của vùng đất biên giới. Hắn cứ ngồi ngắm suốt hai giờ liền, bị thu hút hoàn toàn bởi cảnh thiên nhiên bát ngát ấy mà vẫn chưa muốn rời đi.
Ngã ba Đông Dương không khó chinh phục, nhưng có lẽ với bất kỳ ai, được chạm đến nơi tam biên này và phóng tầm mắt ngắm nhìn vùng biên trù phú, đều cảm thấy thực sự xúc động. Và, hắn cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi có thể được đi và trải nghiệm những hành trình đặt chân đến mọi miền đất nước, để thấy Tổ quốc mình đẹp biết bao!
Cột mốc ở ngã ba Đông Dương