Hành trình khám phá Ma-rốc và khu vườn của Yves Saint Laurent
Ma-rốc đối với tôi… là vùng đất đầy bí ẩn!
Tại sao một đất nước gần sa mạc nắng cháy với văn hoá đạo Hồi sâu sắc lại là chốn ăn chơi ngày xưa của giới nhà giàu châu Âu? Những khu vườn hương liệu rộng lớn và vườn hoa của Yves Saint Laurent đẹp đến không thể bàn cãi mạnh mẽ thu hút sự tò mò trong tôi.
Vừa đặt chân đến Ma-rốc, tôi cảm nhận được ngay không khí bụi bặm của một đất nước gần sa mạc. Ma-rốc, có vẻ đã bị tàn phá qua nhiều cuộc tranh giành lãnh thổ. Khi bị Tây Ban Nha bỏ quên, thành phố tiếp tục bươn chải, tồn tại và phát triển từ những gì thuộc địa cũ để lại. Đường phố mộc mạc, nhà cửa bình dị, không có nhiều nhà cao tầng, nếu so sánh với các nước bên cạnh, cuộc sống người dân vẫn còn dừng ở mức cơ bản. Sau chiến tranh, họ chủ yếu phát triển hoạt động du lịch, xuất khẩu cam quýt sang thị trường châu Âu và trở thành xưởng lao động cho các nước láng giềng.
>> Đọc thêm: Mông Cổ: Cuộc hành trình qua những thảo nguyên hoang dã và di sản du mụcMột địa điểm luôn nằm trong mong ước của tôi khi đến Ma-rốc chính là khu vườn của nhà thiết kế Yves Saint Laurent, Jardin Majorelle. Chính sự bình yên của thành phố Marrakech (Ma-rốc) đã khiến cho Yves Saint Laurent chọn đây làm nơi nghỉ dưỡng khi về già và xây dựng nên khu vườn trong mơ. Ngày nay, người ta vẫn tiếp tục chăm sóc, mở rộng khu vườn để những người yêu thời trang nói chung và yêu mến Yves Saint Laurent nói riêng đến đây chiêm ngưỡng.
Trong vườn, các loại cây xương rồng được trồng khắp nơi, có cả những loại cây mà Yves Saint Laurent rất thích như hoa hồng, hoa nhài, hoa dâm bụt, cúc vạn thọ, hoa ly, chanh, bạc hà, cỏ roi ngựa, v.v. và đặc biệt là nghệ tây. Muốn đến đây chúng tôi phải đặt vé trước, sau đó xếp hàng dài để tiến vào. Bảo tàng Yves Saint Laurent luôn trong tình trạng “cháy vé”. Vì người ta hạn chế số lượng người tham quan nên ai cũng được đảm bảo có những góc chụp hình riêng tư.
Ảnh: Christian Mueller
Ảnh: KajzrPhotography
Chuyến đi Ma-rốc của tôi kéo dài nửa tháng. Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cưỡi lạc đà đi sâu vào sa mạc Sahara. Cái nắng ban ngày ở sa mạc nóng đến bỏng rát, nhưng tối muộn lại lạnh đến buốt răng. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khoảng chừng 20 độ hơn. Những người hướng dẫn viên địa phương dựng lều du mục giữa sa mạc mênh mông, bên trong chuẩn bị đầy đủ nội thất cho đoàn khách gần 20 người.
Tối đến, họ biểu diễn các tiết mục văn nghệ của bộ tộc, đánh trống và nhảy múa quanh khu lửa trại. Điều khiến tôi nhớ mãi về buổi tối hôm ấy là bầu trời rất trong, chi chít sao. Trước khi ngủ, chúng tôi ra ngoài lều để ngắm nhìn cho đã mắt các chòm sao trên bầu trời, giữa thinh không của sa mạc.
Ẩm thực mang dấu ấn đạo Hồi rõ rệt của Ma-rốc lại trở thành trở ngại với một số khách du lịch phương Tây và châu Á. Họ dùng khá nhiều gia vị như quế, hồi, vừng, tiêu, ớt, đinh hương, thì là, v.v. Những tín đồ thánh Allah nướng bánh mì ăn cùng món súp hầm thơm ngon - tagine. Quanh năm họ vẫn nấu tagine hầm với gà và bò, nêm nếm thêm nhiều gia vị cùng các loại rau củ. Đối với tôi, món này khá khó ăn. Cam được trồng ở Ma-rốc là thứ duy nhất mà tôi có thể ăn thay cơm. Những múi cam mọng nước và ngọt lịm. Một ngày, mỗi người trong đoàn có thể ăn 1 - 2kg cam là chuyện bình thường.
Quốc gia Bắc Phi này thừa hưởng nhiều công trình kiến trúc thuộc địa xa hoa với thiết kế trần nhà hình vòm cao vút. Bên trong là những bức tượng điêu khắc bằng đá cẩm thạch ấn tượng bên cạnh những bức tranh khảm ngói. Hầu hết các công trình đều phủ lên mình màu sơn trắng, khiến chúng nổi bật dưới ánh nắng và trở nên mát mẻ hơn dưới cái nóng sa mạc.
Chúng tôi ghé thăm lăng Tombeaux Saadiens, đỉnh cao kiến trúc và thủ công mỹ nghệ của Ma-rốc, một trong những ví dụ tuyệt đẹp về nghệ thuật tinh xảo của các nghệ nhân thế kỷ 16.
Những ngày sau, chúng tôi đến Chaouen, phía tây bắc Ma-rốc. Như một ốc đảo trên sa mạc, ngôi làng Chefchaouen là mảng màu xanh mát giúp xoa dịu cái nóng oi bức của Sahara. Người hướng dẫn viên nói với chúng tôi, màu xanh giúp ngôi nhà mát mẻ vào mùa hè và xua đuổi muỗi. Nhưng nhiều người kể rằng, năm 1930, người Do Thái đã đến tị nạn ở Chefchaouen và bắt đầu sơn màu xanh lên các bức tường vì đây là màu sắc tượng trưng cho bầu trời và thiên đàng.
Màu xanh phủ lên tường nhà và những con ngõ, tạo nên một khung cảnh tựa như cổ tích. Khắp phố, những chú mèo hoang được nuôi lớn bởi đồ ăn của khách qua đường. Nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, trang sức cầu kỳ bằng răng thú và lông vũ, chai lọ đồng, quần áo đậm chất du mục, những bộ váy xếp tầng nhiều màu của các cô gái Digan hoang dã, phóng khoáng, nhưng cũng đầy khỏe khoắn… đầy thu hút.
Ma-rốc rực rỡ và nhiều nắng, với tôi vừa bình yên nhưng cũng lại thật náo nhiệt. Nửa tháng du lịch vòng quanh đất nước này đã mang đến nhiều dư vị tuyệt vời cho tuổi trẻ của chúng tôi, để lại rất nhiều kỷ niệm cũng như ấn tượng khó phai.
Đọc thêm: >> Những ngày rong ruổi khắp miền đông Java >> Tây Tạng: Những ngày sống chậm lại giữa cao nguyên