share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Hủ tiếu: Từ khá giả đến bình dân


ADVERTISEMENT

Tôi ở trong khu phố với nhiều nhà trọ sinh viên. Mùa mưa Sài Gòn, cứ mỗi khi trời ngớt cơn là từ đầu hẻm đã văng vẳng tiếng gõ mõ côm cốp, báo hiệu cho những cư dân đang trốn trong nhà rằng xe hủ tiếu đã đến rồi đây…

Những xe bán đồ ăn khuya của người Sài Gòn, thân thuộc nhất là xe hủ tiếu gõ.

Nếu nói bát phở là tinh tuý ẩm thực Việt Nam ở khu vực miền Bắc, thì người miền Nam cũng rất tự hào với tô hủ tiếu đơn giản mà đậm đà của mình. Khởi nguồn từ những vùng đất xa xôi phương Bắc, hủ tiếu theo chân người Hoa đến xin nhập cư vào khu vực Nam Bộ, đến những năm 50 thì đi khắp Sài Gòn, đâu đâu cũng thấy những quán hủ tiếu lớn nhỏ nằm ven đường hoặc ở đầu các con hẻm.

Những tiệm hủ tiếu hiện hữu ở khắp mọi nẻo đường Sài Gòn. Cách bày trí và giá cả cũng đi từ
“trung lưu” đến “thượng lưu”.

Hủ tiếu cũng năm bảy loại. Có sợi hủ tiếu Sa Đéc làm từ nước vùng này, độ pH bằng 7 nên hủ tiếu ngoài thơm mùi bột gạo còn dai hơn những nơi khác; hủ tiếu Nam Vang “nhập khẩu” từ Campuchia với đa dạng những loại topping ăn kèm hay hủ tiếu của người Hoa ăn kèm xì dầu và giấm đỏ đặc trưng,… Đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay trong chuyến tìm hiểu về ẩm thực các nước Đông Nam Á đã chọn tô hủ tiếu mì xá xíu được nấu bởi Dì Hai, một tiểu thương trên chợ nổi Cái Răng, là món ăn ấn tượng nhất mà ông từng được thử. Vài năm sau đó, những thí sinh của chương trình Master Chef Mỹ đã nhận thử thách phải nấu lại tô hủ tiếu mì ấy từ chính Ramsey. Món ăn đã được mang đến những vùng trời xa xôi ngoài quê hương của nó, và trở thành một trong những đặc trưng của ẩm thực Việt.

“Hãy chắc chắn là món hủ tiếu của các bạn sẽ ngon, vì tôi đã phải chờ đợi nhiều năm để được hồi tưởng hương vị đó!” – Gordon Ramsey

Hồi nhỏ, tôi hay được ba mẹ dắt đi ăn hủ tiếu Tàu ở chợ Tân Định. Tô hủ tiếu thơm nức mũi với thịt xá xíu cắt dày, xếp lớp kế bên cái bánh tôm chiên phồng, ăn hết một tô vẫn còn thòm thèm. Lớn lên làm sinh viên đi học, những tô hủ tiếu ngon lành đó cứ rời xa dần khi túi tiền ngày càng ọp ẹp, tôi lại thân thuộc hơn với những xe hủ tiếu gõ. Miếng thịt bị “hạ cấp” xuống còn mỏng dính như tờ giấy, giá được độn thật nhiều để tô hủ tiếu coi đầy đặn hơn, song vẫn làm no bụng học trò ít tiền.

Xe hủ tiếu chợ Tân Định nổi bật với tranh kính ghi thương hiệu và vẽ các tuồng tích xưa.

Hủ tiếu gõ được nhận xét là món ăn dành cho người nghèo, điều đó không sai. Nhưng chính từ những xe hủ tiếu ấy đã đong đầy cuộc sống của những con người mưu sinh trên đất Sài Gòn. Bây giờ xe hủ tiếu có bàn ghế đầy đủ cho khách ngồi ăn, tiếng mõ côm cốp đưa hủ tiếu đến tận nhà người ăn cũng thưa dần. Song chính ở những khoảng bàn ghế lụp xụp ấy lại hình thành một không gian chuyện trò mỗi khi về đêm. Bạn tôi, sau mấy năm du học xa nhà vẫn nhớ về những khuya hai đứa đi chơi trễ, ghé lại bên đường ăn tô hủ tiếu gõ và lắng nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau. Tiếng râm ran cười nói hoà cùng mùi hủ tiếu thơm là combo không thể tìm thấy ở nơi nào khác.

Xe hủ tiếu gõ gần nhà tôi. Càng khuya khách đến ăn càng đông.

Có giá chỉ 10-20 nghìn, hủ tiếu gõ không được đầy đặn và phong phú thức ăn kèm so với hủ tiếu Nam Vang hay hủ tiếu Tàu, nhưng với một chiếc bụng đói và dưới trời đêm thành phố lạnh dần, tô hủ tiếu bốc khói vẫn hấp dẫn như một món mỹ thực.

Hủ tiếu gõ đơn sơ mà no bụng.

Đôi lúc tôi nghĩ, nếu món hủ tiếu được kinh doanh bởi chỉ một công ty duy nhất, hẳn công ty đó phải thành công lắm khi sáng tạo ra một sản phẩm mà đối tượng khách hàng trải dài từ khá giả đến bình dân. Xuất phát từ nơi khác, hủ tiếu đã hoà vào nền ẩm thực của Việt Nam một cách tự nhiên mà hơn nữa, là trở thành nét văn hoá bất di bất dịch của con người nơi đây, và hẳn là sẽ còn gắn bó đến rất lâu nữa.

Nói tới tự nhiên đói, phải chạy đi kiếm tô hủ tiếu lót dạ!


ADVERTISEMENT