Indonesia và những động thái bảo vệ môi trường
Các nước Đông Nam Á đang “ngập ngụa” trong rác thải từ các nước phát triển, chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Bỉ và Canada. Những bãi biển từng rất sạch và có tiềm năng phát triển chỉ trong thời gian ngắn hóa thành bãi rác độc hại, tiêu biểu như bờ biển Hồng của Indonesia.
Bức ảnh đầu tiên, được chụp vào năm 2018, cặp đôi đang nằm trên bãi cát nguyên sơ trên Bãi biển Pink, thuộc Công viên Quốc gia Komodo. Bức ảnh thứ hai, được chia sẻ vào tháng 4 năm 2019, cho thấy chỉ sau 1 năm, bãi biển này đã đầy rác (Nguồn ảnh: MARIEFEANDJAKESNOW / INSTAGRAM)
Tháng 1/2018, Trung Quốc ban hành chính sách hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa và giấy, khiến việc tái chế toàn cầu trở nên hỗn độn, các quốc gia phát triển phải vật lộn để tìm nơi gửi gắm chất thải. Động thái này khiến rác đổ về Đông Nam Á nhiều hơn. Trong đó, Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, nhập khẩu 35.000 tấn chất thải nhựa mỗi tháng từ Đức, Australia và Mỹ trong năm 2018.
Tuy nhiên, gần đây, Bộ Môi Trường và Lâm Nghiệp Indonesia đã phát hiện ra rằng có một khối lượng lớn chất thải sinh hoạt lẫn trong những lô hàng giấy mà các nhà máy Indonesia nhập khẩu để tái chế, đây là một cách lắt léo mà các quốc gia phát triển đang sử dụng để loại bỏ chất thải sinh hoạt của mình.
Điều này khiến Chính quyền Indonesia đã có những động thái nghiêm khắc và chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát việc nhập khẩu rác. Mới đây nhất, ngày 09/07, Indonesia tuyên bố sẽ gửi trả hơn 210 tấn rác trở lại Úc. Nguyên nhân đến từ việc 8 container bị thu giữ tại thành phố Surabaya đã được phát hiện có chứa vật liệu nguy hiểm và rác thải sinh hoạt bao gồm chai nhựa, bao bì, tã đã qua sử dụng, chất thải điện tử và lon.
Indonesia đang nỗ lực để đẩy lùi tình trạng trở thành bãi đổ rác thải của nước ngoài
(Nguồn ảnh: Washington Post)
Tuần trước, Indonesia cũng cứng rắn tuyên bố gửi lại 49 container đầy chất thải cho Pháp và các quốc gia phát triển khác. Bắt nguồn của chuỗi hành động này đến từ việc tháng trước, Indonesia phát hiện trong 5 container rác đến từ Mỹ có chứa chai lọ, rác nhựa và tã lót mặc dù nó được kê khai là chỉ chứa giấy phế liệu. 5 container này thuộc sở hữu của một công ty Canada và sau đó đã được gửi trả về lại Seattle, Mỹ vào ngày 15/6.
"Chúng tôi không muốn trở thành bãi rác của thế giới", quan chức cấp cao của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, Sayid Muhadhar nói.
Công ty Oceanic Multitrading của Úc đã gửi những container chưa đầy chất thải đến Indonesia với sự “giúp đỡ” từ công ty PT, Indonesia (Nguồn ảnh: Dailymotion)
Khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm theo WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên), thật bất công khi những quốc gia đang phát triển vốn dĩ đã nghèo đói và thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc xử lý rác thải lại trở thành nơi trú ngụ cuối cùng của những rác thải độc hại này. Thiết nghĩ, các nước phát triển nên có những chính sách khôn ngoan hơn trong việc xuất khẩu và tái chế rác thải, vì bảo vệ môi trường chung chính là bảo vệ chính cuộc sống của chính những người dân của quốc gia mình, một khi mẹ thiên nhiên đã nổi giận thì sự trừng phạt sẽ không trừ bất cứ một ai.