6 thương hiệu làm đẹp đi đầu về tái chế bao bì
Ngành công nghiệp mỹ phẩm đang đối mặt với thực trạng quá tải rác thải nhựa và gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường tự nhiên. Theo số liệu của CleanHub, ngành công nghiệp làm đẹp hiện đóng góp tới khoảng 114 tỷ bao bì dùng một lần, với ít nhất 120 tỷ sản phẩm bao bì được sản xuất mỗi năm, đồng nghĩa với việc có tới 95% bao bì mỹ phẩm bị lãng phí thay vì được tái chế.
Rác thải bao bì của ngành công nghiệp làm đẹp nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung là mối đe dọa nghiêm trọng với môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Cũng theo CleanHub, có ít nhất 633 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng bởi vi nhựa trong nước. Bên cạnh đó, 70% sản phẩm làm đẹp có thành phần từ dầu cọ - một loại nguyên liệu nếu không được khai thác đúng cách cũng gây thiệt hại lớn tới môi trường và người lao động. Những thực tế này đòi hỏi ngành công nghiệp mỹ phẩm giới thiệu các chương trình tái chế bao bì và “xanh hóa” thành phần mỹ phẩm.
Ảnh: Kiehl's
Từ Aesop đến Lush, 6 thương hiệu làm đẹp dưới đây đang là những cái tên đi đầu không chỉ giới thiệu biện pháp thiết thực giúp giảm tải rác thải nhựa, mà còn mang đến những thiết kế bao bì độc đáo đầy sáng tạo và thân thiện với môi trường.
Kiehl’s
Kiehl's được biết đến với chương trình trao thưởng tích điểm, khuyến khích khách mua hàng trả lại bao bì cho cửa hàng để tái chế, và điểm thưởng sẽ được quy đổi thành sản phẩm hay dịch vụ. Thương hiệu này cũng có các sản phẩm chăm sóc tóc và cơ thể trong dạng túi nạp 1 lít để kéo dài tuổi thọ của chai lọ đựng sản phẩm.
Ảnh: Kiehl's
Lush
Lush là thương hiệu tiên phong trong việc giới thiệu mỹ phẩm xanh, hoàn toàn sử dụng nguyên liệu tự nhiên và hạn chế tối đa bao bì đựng mỹ phẩm. Ngoài xà phòng, bóng tắm hoàn toàn không có bao bì, những sản phẩm mỹ phẩm lỏng của thương hiệu này được đựng trong hộp màu đen được làm 100% từ nhựa tái chế. Người mua cũng có thể trả lại cho cửa hàng hộp và lọ sau khi đã dùng hết để nhận ưu đãi.
Ảnh: Lush
MAC Cosmetics
MAC Cosmetics đã giới thiệu chiến dịch Back 2 MAC nhằm khuyến khích khách hàng trả lại bao bì và vỏ mỹ phẩm sau khi đã dùng xong. Từ các loại vỏ rỗng này, MAC lấy các thành phần có thể tái chế và xử lý để tạo thành vật liệu hay bao bì mới. Đây cũng là một trong những thương hiệu mỹ phẩm cao cấp tiên phong trong việc tái chế hộp đựng mỹ phẩm.
Ảnh: MAC
Noble Panacea
Thương hiệu được biết đến với bao bì được thiết kế thời trang và sáng tạo. Noble Panacea áp dụng 12 quy tắc của hoá học xanh, gồm bao bì không chứa nhựa và cách giảm thiểu bao bì độc đáo và sang trọng. Nhiều sản phẩm của thương hiệu này được bán dưới dạng gói giấy chứa tinh bột hay mỹ phẩm lỏng, gồm 30 liều dùng hàng ngày và có thể gửi trả lại để nhận bộ sản phẩm mới.
Ảnh: Noble Panacea
Aesop
Thương hiệu mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cơ thể cao cấp Aesop gắn với tính bền vững từ việc lựa chọn nguyên liệu, bao bì sản phẩm cho đến cách thức truyền thông. Ngoài việc cam kết không thử nghiệm sản phẩm trên động vật, và không có thành phần làm đẹp có nguồn gốc động vật, các thành phần có nguồn gốc tự nhiên cũng đến từ nguồn cung ứng có trách nhiệm.
Ảnh: Aesop
Các sản phẩm của Aesop đựng trong bao bì có thiết kế tối giản được làm từ nhựa hay nhôm tái chế, và khách hàng có thể đến cửa hàng để tiếp tục “nạp” sản phẩm bằng chai lọ cũ sau khi dùng hết. Bên cạnh đó, thiết kế các cửa hàng của Aesop cũng đảm bảo tối ưu hoá việc sử dụng vật liệu, năng lượng và nước.
L’Occitane
Với các sản phẩm làm đẹp lấy cảm hứng từ thiên nhiên của L’Occitane được đảm bảo tính bền vững từ nguyên liệu, giảm thiểu chất thải bao bì, chứng nhận hữu cơ, cũng như các cam kết khí thải ròng bằng 0. L’Occitane cũng có các chương trình tái chế bao bì, bán sản phẩm dưới dạng có thể tiếp tục làm đầy để tiết kiệm chai lọ.
Ảnh: L’Occitane
>>Xem thêm: Nước hoa khô: giải pháp lý tưởng cho những chiếc túi đựng mỹ phẩm lỉnh kỉnh