“Jingle Bells” và những sự thật ít ai biết
“Jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh, what fun it is to ride
In a one-horse open sleigh, hey!”
Những giai điệu huyền thoại ấy vang lên đồng nghĩa với không khí Giáng sinh đã tràn về khắp thành phố. Có thể tượng tưởng rằng, cả người lớn lẫn trẻ con đều không kìm lòng được mà phải nhún nhảy và ngân nga theo từng nốt nhạc khi nghe thấy Jingle Bells. Thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi về câu chuyện đằng sau ca khúc kinh điển này? Bài viết dưới đây sẽ “giải mã” cho bạn 4 sự thật ít ai biết.
“Jingle Bells” không nhằm mục đích trở thành bài hát Giáng sinh
Dù được biết đến là một bài hát kinh điển trong dịp lễ Giáng sinh hằng năm, xuất phát điểm của Jingle Bells hoàn toàn không nhằm phục vụ ngày lễ này. Theo các tài liệu lịch sử để lại, nhạc sĩ James Pierpont đã viết ca khúc vào năm 1857 cho buổi lễ Tạ Ơn tại nhà thờ lớn ở Boston, nơi ông dạy trường Chúa Nhật (tên gọi của các loại hình giáo dục tôn giáo tổ chức vào ngày Chủ Nhật).
Bài hát ban đầu có tên là The One-Horse Open Sleigh với ca từ hấp dẫn và nhịp điệu vui nhộn, đến nỗi 40 em học sinh tham gia lớp học ngày hôm đó đã thuộc lòng bài hát ngay lập tức. Một người bạn của Pierpont vì quá yêu mến bài hát nên đã gọi nó là một “tiếng leng keng vui vẻ” - chính là nguồn gốc tên gọi Jingle Bells ngày nay.
Sau khi được Pierpont hỗ trợ luyện tập, những đứa trẻ trong ca đoàn nhà thờ đã đem ca khúc này đi biểu diễn. Bài hát được nhiệt liệt hoan nghênh và yêu cầu hát lại vào dịp Giáng sinh, dù phần lời có nội dung không phù hợp với nhà thờ. Dần dần, Jingle Bells đã trở thành một biểu tượng Giáng sinh thực thụ khiến ai ai cũng thích thú.
Có hai thành phố tự nhận là quê hương của “Jingle Bells”
Một tấm bảng kỷ niệm lịch sử ở vùng ngoại ô Boston (Medford, Massachusetts) khẳng định rằng Pierpont đã viết giai điệu Jingle Bells nổi tiếng khi đang thưởng thức đồ uống ở quán rượu Simpson vào năm 1850, một năm sau khi cha ông tiếp quản nhà thờ gần đó.
Cùng lúc ấy, một tấm bảng khác ở Savannah (Georgia) cho biết bài hát được viết vào cuối năm 1857, trước khi được biểu diễn lần đầu tiên trong một nhà thờ địa phương.
Về giả thiết đầu tiên, Kyna Hamill, giảng viên Đại học Boston phỏng đoán rằng Pierpont không thể viết bài hát này vào năm 1850 vì lúc đó ông còn đang bận kiếm tiền trong “cơn sốt vàng” tại California. Do đó, Hamill có vẻ nghiêng về năm sáng tác 1857 hơn, cụ thể là bài hát ra đời tại căn nhà thuê không xa nơi Pierpont sống ở trung tâm thành phố Boston.
Dẫu vậy, quê hương của Jingle Bells vẫn là một ẩn số và còn kéo dài cuộc tranh cãi đến tận ngày nay.
Pierpont không kiếm được nhiều tiền từ “Jingle Bells”
Bất chấp nguồn gốc “kỳ lạ” của mình, Jingle Bells đã trở thành một bài hát được yêu thích trên toàn cầu. Sau bản hit của Bing Crosby và The Andrew Sisters, Frank Sinatra quyết định thu âm ca khúc Jingle Bells vào những năm 40. Ông tiếp nối điều này với một phiên bản khác vào năm 1957 - năm chương trình “Giáng sinh Frank Sinatra” đầu tiên được công chiếu truyền hình - cho album A Jolly Christmas From Frank Sinatra của Capitol Records.
Jingle Bells cũng đã thu hút vô số nhạc sĩ nhạc Jazz hàng đầu, bao gồm Duke Ellington, Anita O'Day, Ella Fitzgerald, Dave Brubeck v.v. Tất cả đều thu âm phiên bản Jingles Bells của riêng họ. Thậm chí, nhạc trưởng đàn organ Jimmy Smith đã biến ca khúc này trở thành một phiên bản nhạc cụ vui nhộn cho album Christmas '64 của Verve Records.
Dẫu vậy, việc Pierpont qua đời vào năm 1893 khiến ông không kiếm được nhiều tiền từ Jingle Bells. Piermont chủ yếu kiếm sống bằng việc dạy piano. Vậy mà giờ đây, bài hát này đã trở thành một tác phẩm kinh điển của dòng nhạc đại chúng và có thể khiến ông trở thành triệu phú.
“Jingle Bells” là bài hát đầu tiên được phát sóng từ không gian
Chín ngày trước lễ Giáng sinh năm 1965, hai phi hành gia trên tàu Gemini 6 là Walter M. “Wally” Schirra Jr. và Thomas P. Stafford vừa gặp gỡ các phi hành gia tàu Gemini 7 là Frank Borman và Jim Lovell. Như một cách tạo kỷ niệm cho cuộc hẹn, họ đã đùa với đài kiểm soát dưới mặt đất rằng họ nhìn thấy một vật thể lạ trên quỹ đạo cực, giống như... ông già Noel đang lái phi thuyền. Các phi hành gia thậm chí còn báo cáo rằng vật thể bay không xác định này không hề tỏ ra đe dọa mà dường như muốn giao tiếp với họ.
Sau đó, không khí căng thẳng đã bị phá vỡ bởi giai điệu Jingle Bells vui tươi phát ra từ một chiếc kèn harmonica cộng thêm vài chiếc chuông mà các phi hành gia đã mang theo trong chuyến du hành. Vậy là ca khúc kinh điển này đã được truyền từ ngoài không gian về Trái Đất như một lời chào, một lời chúc mừng thân thương nhân dịp Giáng sinh sắp đến.
Tạm bỏ qua khía cạnh lịch sử phức tạp, Jingle Bells vẫn sống mãi cùng thời gian và dường như đã khắc thành dấu ấn thiêng liêng trong lòng những ai yêu thích dịp lễ Giáng sinh. Trải qua một năm nhiều biến động, một điều không thể thay đổi là Jingle Bells chưa bao giờ lỗi mốt và vẫn được cất lên trong bầu không khí Giáng sinh an lành để lan tỏa niềm hân hoan đến tất cả mọi người.
>> Xem thêm: Jingle Jangle: Hành trình Giáng sinh