share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Khám phá vẻ đẹp Việt Nam qua những bộ phim điện ảnh cũ


ADVERTISEMENT

Từ những thước phim đen trắng hay phim màu, những bộ phim về Việt Nam ra đời vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 mang đến cho người xem những xúc cảm lắng đọng về không chỉ vẻ đẹp thiên nhiên mà còn ở vẻ đẹp nhân văn của nhiều thế hệ người Việt. Dưới ngôn ngữ nghệ thuật thứ bảy, từ mũi Cà Mau đến vùng núi Hà Giang, từ một đô thị rộng lớn như Sài Gòn cho đến vùng làng chài miền Trung… tất cả đều là những khắc họa đầy chất thơ về thiên nhiên, lịch sử, hay con người Việt Nam.

Đời Cát

Bộ phim dựa trên truyện ngắn “Ba người trên sân ga" của nhà văn Hữu Phương, lể về câu chuyện đời của một cựu chiến binh sau khi trở về từ chiến tranh. Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đưa người xem đến những không gian làng chài ven biển miền Trung, tái hiện đời sống làng chài với những đồi cát khô cằn, nắng gió vùng biển đan cài trong những mảnh đời hậu chiến. Để tái hiện làng Cát mơ trong truyện ngắn, các nhà làm phim thiết lập không gian ven biển ở những địa điểm khác nhau như Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… Tuy là phim phản chiến, nhưng Đời cát nhìn về cuộc chiến và những cuộc đời hậu chiến từ điểm nhìn đầy tính nhân văn và hy vọng, với diễn xuất của dàn diễn viên điện ảnh tài năng như Đơn Dương, Mai Hoa, Công Ninh hay Hồng Ánh. Bộ phim nhận được giải thưởng Bông sen vàng vào Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13, cũng như giải Phim hay nhất Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2000.

Điện ảnh Việt Nam, Khám phá Việt Nam, Vẻ đẹp du lịch, phim Đời cát

Mùa len trâu

Bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh dựa trên tác phẩm Mùa len trâu trong tập truyện “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam. Tựa đề bộ phim đã nói lên tất cả, từ bối cảnh miền sông nước Cà Mau, cho đến một phần đời đầy chân thực của người nông dân xứ này. Mùa len trâu kể về chuyện đời nhân vật Kìm (diễn viên Lê Thế Lữ thủ vai), một anh nông dân sinh ra từ sông nước vào những năm đầu thế kỷ 20, gắn bó cùng sông nước ở những giai đoạn biến động của lịch sử Việt Nam. Nếu như trước đây, đời sống người dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long chủ yếu chỉ được khắc họa qua các tác phẩm văn học, Mùa len trâu đã tái hiện thành công vẻ đẹp choáng ngợp của vùng đất này, trong tương quan với sự bền bỉ và giàu tình người của những con người sinh ra và lớn lên ở đây. Nội dung và nghệ thuật trong phim là yếu tố góp phần khiến Mùa len trâu giành được nhiều giải thưởng quốc tế như Giải đặc biệt ở LHP Locarno (Thụy Sĩ), Giải đạo diễn xuất sắc ở LHP Chicago (Mỹ), Giải Kỳ Lân Vàng của LHP Amiens (Pháp)...

Điện ảnh Việt Nam, Khám phá Việt Nam, Vẻ đẹp du lịch, Mùa len trâu

Cyclo

Cyclo -  một trong những bộ phim góp phần khẳng định tên tuổi đạo diễn Trần Anh Hùng, và cũng là một bộ phim điện ảnh hiếm hoi của đạo diễn lấy bối cảnh ở Sài Gòn. Bộ phim kể về những số phận chồng chéo nhau ở thành phố đô thị nhộn nhịp như TP.Hồ Chí Minh vào đầu thập niên 1990. Tiếp cận thành phố từ góc nhìn của người lao động, nhưng Cyclo vẫn mang đậm dấu ấn trữ tình thơ mộng đặc trưng của đạo diễn Trần Anh Hùng, với tuyến nhân vật trùm băng đảng như lại đam mê làm thơ, hay khung cảnh đêm giao thừa, và một thành phố Sài Gòn ở lưng chừng giữa thực tại và quá khứ, giữa cuộc sống mới và những khoảnh khắc hoài niệm… Bộ phim có sự góp mặt của dàn diễn viên độc đáo: kết hợp giữa một diễn viên ngoại đạo như Lê Văn Lộc, với tên tuổi lớn của điện ảnh Việt Nam như Trần Nữ Yên Khê hay Như Quỳnh, và đặc biệt là sự xuất hiện của ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vỹ. Nhạc phim cũng được thực hiện bởi nhạc sĩ nổi tiếng Tôn Thất Tiết. Phim đã giành giải Sư tử vàng cao quý tại Liên hoan phim Venice 1995.

Cyclo, Điện ảnh Việt Nam, Khám phá Việt Nam, Vẻ đẹp du lịch

Chuyện của Pao

Dựa trên truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của nhà văn người Hà Giang Đỗ Bích Thuý, Chuyện của Pao (2006) mở ra cả một vùng trời mới. Ở nơi đó, con người và thiên nhiên dường như sống cùng và chia sẻ cùng nhau, nơi cuộc sống thường ngày gắn với từng nếp nhà, những phiên chợ vùng cao, những tập tục của đồng bào dân tộc, những câu chuyện kể tưởng như truyền thuyết. Vùng đất Đồng Văn - Hà Giang nhờ có những tài năng như Đỗ Bích Thuý đã tỏa sáng trong câu chữ, nhưng lại càng tỏa sáng hơn dưới góc nhìn điện ảnh. Đó là một vùng đất khắc nghiệt, nhưng chứa đựng những tâm hồn và cảm xúc phi thường của những con người H’Mông dám sống, dám yêu, dám hy sinh. Bối cảnh phim trải dài từ vùng cao nguyên đá Hà Giang đến sự tấp nập của vùng núi du lịch Sa Pa, từ những bờ rào đá vang vọng âm thanh đàn môi, cho đến phiên chợ vùng cao đầy sắc màu, và theo chân hành trình đi tìm mẹ của cô gái tên Pao (diễn viên Đỗ Thị Hải Yến thủ vai). Bộ phim của đạo diễn Ngô Quang Hải đã giành giải Cánh Diều Vàng năm 2005, và giải đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 51.

Điện ảnh Việt Nam, Khám phá Việt Nam, Vẻ đẹp du lịch, Chuyện của Pao

Trăng nơi đáy giếng

Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn gốc Huế Trần Thùy Mai, Trăng Nơi Đáy Giếng là câu chuyện về số phận người phụ nữ trong bối cảnh đương đại. Đặt nhân vật và câu chuyện trong bối cảnh những nếp nhà rường, con phố trong thành nội, những hồ sen và nếp ăn uống hay sinh hoạt…, sự hiện diện của một thành phố hay được miêu tả “đẹp và buồn" như Huế dường như ẩn chứa trong từng chi tiết, trong hành động và tâm trạng nhân vật. Thành phố Huế có một nhịp điệu rất riêng, và nếu không thể cảm hết nó trong những bức hình hay vài ngày khám phá, Trăng Nơi Đáy Giếng là một trong những lát cắt sinh động nhất để bạn hiểu thêm về Huế. Phim mang đến cho nữ diễn viên Hồng Ánh giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Dubai, LHP Việt Nam tại Pháp và Giải Cánh Diều Vàng 2009, bộ phim cũng giành giải Bông sen bạc và Cánh diều vàng cùng năm.

Điện ảnh Việt Nam, Khám phá Việt Nam, Vẻ đẹp du lịch, Trăng nơi đáy giếng

Mê Thảo, thời vang bóng

Phỏng theo truyện “Chùa Đàn” (1946) của Nguyễn Tuân, Mê Thảo, thời vang bóng lấy bối cảnh miền quê trung du Bắc Bộ Việt Nam chuyên nghề nuôi tằm dệt tơ thời Pháp thuộc. Bộ phim của nữ đạo diễn Việt Linh mở ra trước mắt người xem một vùng làng quê Bắc Bộ đặc trưng với bến nước, bờ sông, con đò, cây đa, những nếp nhà xưa, những câu hát xưa… Ngoài cốt chuyện để lại ấn tượng đậm nét về số phận những nhân vật trong một xã hội Việt Nam thu nhỏ và những thân phận và dư âm của tình yêu và đam mê, cung bậc cảm xúc của người xem cũng được đẩy lên cao trào nhờ thước phim đẹp ghi lại đời sống làng quê trong quá khứ. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhiều làng quê Việt giờ đã chỉ còn nằm trong ký ức, nhưng hình ảnh bến nước, cây đa.. trong âm thanh câu hát Ả đào của Mê thảo, thời vang bóng thì vẫn vang vọng trong tiềm thức nhiều người có dịp xem bộ phim này. Phim đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế và là một trong những bộ phim để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong sự nghiệp đạo diễn Việt Linh.

Điện ảnh Việt Nam, Khám phá Việt Nam, Vẻ đẹp du lịch, phim mê Thảo

>> Xem thêm: Những bộ phim tháng 10 bạn không thể bỏ lỡ

 


ADVERTISEMENT