Top 3 đầu sách khơi gợi cảm hứng cho những tâm hồn đam mê du lịch
“Bạn càng đọc nhiều, bạn sẽ càng biết nhiều điều. Bạn càng học được nhiều, bạn sẽ đi được nhiều nơi hơn.”
– Tiến sĩ Seuss –
Lời nói và con chữ ẩn chứa sức mạnh. Những câu chuyện nếu được viết ra có thể đưa chúng ta đến những nơi xa xôi hoặc thậm chí, tham gia vào chuyến hành trình cùng với tác giả. Những quyển sách cũng có thể truyền cảm hứng cho người đọc bước ra khỏi cánh cửa an toàn của mình để khám phá vẻ đẹp của thế giới.
Dưới đây là top 3 đầu sách về du lịch mà WOWWEEKEND muốn giới thiệu đến các bạn có niềm đam mê dịch chuyển, được viết lên bởi các tác giả đã từng là khách du lịch. Họ bị quyến rũ bởi nét đẹp, bởi cảnh quan, bởi sức hút của những con người và vùng đất mà họ đã có dịp đặt chân đến.
Đường mây qua xứ tuyết
The Way of the White Clouds, (tạm dịch: Đường mây qua xứ tuyết) là một tập sách mà Lạt Ma Anagarika Govinda ghi nhận lại suốt hành trình đặt chân đến Tây Tạng.
Có thể nói, Tây Tạng là vùng đất của những bí ẩn, gần như kác biệt so với thế giới ngoài kia. Cũng chính nhờ vậy mà nơi đây vẫn lưu giữ và tồn tại những nền văn minh cổ, những triết lý và kiến thức huyền bí, mang sức hấp dẫn mãnh liệt mà thế giới luôn không ngừng tò mò, tìm kiếm.
Khung cảnh hùng vĩ của núi tuyết Tây Tạng, những triết lý, kiến thức cuộc sống thông qua Phật pháp cũng như những chia sẻ gần gũi của Lạt Ma Govinda. Đường mây qua xứ tuyết sẽ dẫn dắt bạn đến những tò mò, trải qua những cảm xúc thư thái và rút ra những chiêm nghiệm cho riêng bản thân mình.
Ảnh: Veera
Bắt đầu từ những cuộc gặp gỡ với các tu sĩ Tây Tạng, học những kiến thức đầu tiên về Phật giáo Tây Tạng và cơ duyên với Lạt Ma Tomo Geshe Rinpoche – người sau này trở thành sư phụ của tác giả. Govinda còn mở ra con đường tìm hiểu về văn hóa Tây Tạng, điển hình là cơ hội tiếp xúc với kịch nghệ Tây Tạng. Ngoài ra còn có chuyến du hành đến xứ Guge, xứ Poo đầy thử thách.
Những lời văn uyển chuyển, cách dùng từ uyên thâm của dịch giả Nguyên Phong sẽ đưa các bạn trải nghiệm đầy đủ những cảm xúc khi “đồng hành” cùng tác giả Govinda. Tại sao Tây Tạng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với thế giới ngày nay như vậy? Và tác giả Anagarika Govinda đã khám phá được những gì trong suốt hành trình của mình?
Ảnh: Dharma audiobooks
Thông tin:
Tên tác phẩm: Đường mây qua xứ tuyết
Tác giả: Lama Anagarika Govinda: tên thật là Ernst Lothar Hoffman. Ông là nhà nghiên cứu triết học, tu sĩ Phật giáo, họa sĩ, giáo sư Phật học người Đức. Ông là một học giả uyên thâm về Pāli, với mười hai cuốn sách viết về Phật giáo Nam Tông. Ông còn là một thành viên trong Ban Quản trị Hội Phật giáo Thế giới.
Dịch giả: Nguyên Phong: tên thật là Vũ Văn Du, sinh năm 1950 tại Hà Nội. Ông rời Việt Nam du học ở Mỹ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán. Nguyên Phong còn là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Carnergie Mellon và Đại học Seattle. Ông còn giảng dạy tại một số đại học quốc tế tại Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ về lĩnh vực công nghệ phần mềm. Song song với vai trò một nhà khoa học, Nguyên Phong còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông.
Sáu người đi khắp thế gian (tập 1 và 2)
Một đầu sách đầy hấp dẫn, khơi gợi cảm hứng du ngoạn cho các bạn trẻ từng có khao khát “chinh phục thế giới”. Sáu người đi khắp thế gian (The Drifters) là cuốn tiểu thuyết của tác giả James Albert Michener, người được biết đến với khả năng “đặc biệt thấu hiểu giới trẻ”.
Tác phẩm theo chân sáu người trẻ tuổi đến từ những nơi khác nhau và bánh xe định mệnh đã giúp họ có cơ hội gặp nhau, cùng nhau đồng hành. Cái tôi thích nổi loạn luôn chực chờ được ‘bùng cháy’ trong trái tim của họ. Đi cùng với đó là sự tò mò, ước vọng muốn khám phá thế giới to lớn bên ngoài kia. Tuổi trẻ cho họ một đặc ân, đó chình là thời gian.
“Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, có một cảm giác về Thời gian Vô tận đền bù cho chúng ta mọi thứ. Là người trẻ tuổi thì giống như được là một trong những Thánh nhân Bất tử.” – Hazlitt.
Joe, Britta, Monica, Cato, Yigal và Gretchen, mỗi người một số phận, mỗi người một câu chuyện. Cuốn tiểu thuyết là quá trình bắt đầu từ mong muốn rời đi đến vùng đất mới, những hiếu kỳ băn khoăn đến khi ‘giấc mơ’ va chạm vào đời sống thật sự. Và rồi mong mỏi muốn được trở về chiếm giữ cảm xúc. Bất cứ nơi nào cũng tồn đọng những vấn đề mà chỉ khi đặt chân đến đó mới có thể hiểu hết được. Những trích dẫn từ tác phẩm khiến người đọc hiểu thấu được khó khăn, mở mang tầm mắt và thật sự chạm đến trái tim của những người trẻ tuổi.
“Ở đất nước này, chúng tôi gặp khó khăn với thuế, nhưng ở đất nước cũ, chúng tôi đã từng mắc kẹt với lưỡi lê.”
“Về người Mỹ da đen, môt câu đơn giản tóm tắt lịch sử xác đáng của đất nước chúng ta: được thuê cuối cùng, bị đuổi đầu tiên.”
“Đừng bỏ dở những gì bạn có thể làm hôm nay bởi vì nếu bạn thích nó hôm nay, bạn có thể làm lại vào ngày mai.”
Ảnh: Veera
Khối lượng kiến thức đồ sộ mà Sáu người đi khắp thế gian truyền tải sẽ khiến bạn đọc cảm thấy có chút choáng ngợp. James Albert Michener đã khéo léo lồng ghép, khắc họa nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện trong cuộc sống lại với nhau. Như những sự bất công mà người da đen phải đối mặt, nạn phân biệt chủng tộc, câu chuyện của những kẻ chạy trốn, về nhu cầu và khát khao tìm những giá trị mới mẻ trong cuộc đời.
Thông tin:
Tác phẩm: Sáu người đi khắp thế gian: được xuất bản năm 1971 và suốt sáu tháng liền được nằm trong danh sách những tác phẩm bán chạy nhất New York.
Tác giả: James Albert Michener: là nhà văn nổi tiếng người Mỹ với trên 40 đầu sách. Ông từng học và giảng dạy ở nhiều trường đại học, nhận bằng Thạc sĩ Văn chương năm 1937 và có hơn 30 học vị Tiến sĩ Danh dự về Nhân văn, Luật, Thần học, Khoa học.
Dịch giả: Nguyễn Thị Bạch Tuyết
Con đường hồi giáo
Thông qua tác phẩm Con đường Hồi giáo, tác giả Nguyễn Phương Mai đã khiến người đọc liên tục suy nghĩ và tự vấn rằng “liệu Trung Đông là một vùng đất của chiến tranh và khủng bố?”.
Con đường hồi giáo là một chuyến hành trình vén mở bức màn về một Trung Đông hoàn toàn khác những gì đa số chúng ta từng biết tới. Không chỉ có súng đạn, chiến trận mà còn có dạ vũ hoan ca, còn là một vùng đất phồn hoa với những con người thân thiện hòa nhã. Và đương nhiên, không thể thiếu nét đẹp tôn giáo của đạo Hồi. Trung Đông trong Con đường Hồi giáo không phải là một bức tranh phủ màu xám xịt mà là tấm thảm đa màu sắc.
Là Tiến sĩ ngành Giao tiếp đa văn hóa nên chuyến du lịch trải nghiệm của tác giả mang lại một cảm giác rất khác. Nguyễn Phương Mai đưa bạn đọc đến với một góc nhìn hoàn toàn mới và đầy thú vị về những vùng đất mà chúng ta luôn cho là nguy hiểm. Những câu chuyện sống động về cuộc sống, những phân tích sắc bén, giọng văn tràn đầy hứng khởi sẽ lôi cuốn bạn đọc ngay từ những trang sách đầu tiên.
Không chỉ là một quyển hồi ký đơn thuần. Con đường Hồi giáo còn cung cấp một lượng lớn kiến thức về nền văn hóa của các nước Trung Đông. Bạn đọc sẽ không kìm nổi tò mò mà lật tiếp những trang sách tiếp theo. Từng trang, từng trang sẽ mở ra những chân trời mới, ẩn chứa bề dày lịch sử cổ xưa từ 1.400 năm trước cho đến ngày biến thể. Không chỉ như vậy, tính cách mạnh mẽ của một người phụ nữ từng đặt chân đến 80 quốc gia, sự phẫn nộ cho thân phận người phụ nữ phải hứng chịu những tục lệ tàn khốc cũng được thể hiện thông qua từng con chữ:
“Những người phụ nữ không phải chủ nhân của cơ thể mình, bởi cơ thể đàn bà của họ là cội nguồn của sự sinh sôi và cũng là cội nguồn của tội lỗi.”
Khi đi đến những trang sách cuối cùng, bạn sẽ thu thập được cho bản thân những hiểu biết về con người, về tín ngưỡng, về văn hóa dưới góc nhìn sâu sắc mà tác giả muốn truyền tải.
“Bởi tôi biết còn có rất nhiều điều thiêng liêng hơn niềm tin tôn giáo, ấy là niềm tin vào sự ràng buộc cội rễ của giống loài; vào sự giống nhau giữa người với người hơn là sự khác biệt về đức tin; vào lòng tốt; vào sự đồng cảm và hướng thiện.
Tôi tin là một khi đặt chân đến Trung Đông, với trái tim này mở toang không che giấu, những người Hồi rồi cũng sẽ mở lòng với tôi – một cô gái Việt Nam vô thần.”
Tác phẩm: Con đường Hồi giáo
Tác giả: Nguyễn Phương Mai: là Phó giáo sư, Tiến sĩ công tác tại Đại học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Trước đó, tác giả đã có một thời gian dài làm nhà báo và được độc giả Việt biết đến rộng rãi qua hai tác phẩm “Tôi là một con lừa” và “Con đường Hồi giáo”.