share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Mâm Cỗ Bát Tràng: gìn giữ hương vị truyền thống trong tâm hồn Việt


ADVERTISEMENT

Nhắc về Bát Tràng, người ta thường nghĩ ngay đến những chiếc bình hoa men rạn, những ấm chén thanh tao hay những bức phù điêu gốm đầy nghệ thuật. Thế nhưng, ít ai biết rằng bên cạnh gốm sứ, nơi đây còn lưu giữ một nét đẹp văn hóa ẩm thực độc đáo và giàu bản sắc – đó chính là mâm cỗ Bát Tràng.

Không ồn ào, không phô trương, nhưng mâm cỗ quê này lại ghi dấu trong lòng thực khách bởi sự tinh tế, hài hòa và mộc mạc. Mỗi món ăn, mỗi cách bày biện đều toát lên sự chỉn chu phản ánh nét đẹp của một vùng đất truyền thống lâu đời.

Ảnh: Hà Trang

Một mâm cỗ tiêu biểu thường bao gồm sự kết hợp hài hòa giữa các món nước (canh), món khô (xào, rán), món thịt, rau xanh và món ngọt tráng miệng, tạo nên một bức tranh hương vị vừa cân đối, vừa trọn vẹn.

Món chủ đạo – “Linh hồn” của mâm cỗ

Trong mâm cỗ truyền thống Bát Tràng, canh măng mực được xem là món chủ đạo, không thể thiếu, đặc biệt là vào dịp 30 Tết. Măng khô được tước sợi thật nhỏ, sau đó luộc nhiều lần bằng nước mưa để khử chát và giữ cho nước canh trong, thanh. Mực khô nướng thơm, thái mỏng rồi xào qua cho săn, sau đó ninh cùng nước hầm xương. Tất cả hòa quyện tạo nên một món canh có vị ngọt dịu thơm nhẹ hương mực.

Ảnh: Bùi Thuỷ

Từ hai nguyên liệu chính là măng và mực, người Bát Tràng còn sáng tạo ra món mực khô xào su hào. Su hào được thái sợi mảnh, đem phơi héo để giữ độ giòn rồi xào cùng mực khô đã nướng. Món ăn không cầu kỳ nhưng lại có vị giòn, ngọt tự nhiên của rau củ, kết hợp với vị dai dai, thơm nồng của mực, khiến người ăn nhớ mãi.

Ảnh: Bùi Thuỷ

Các món ăn phổ biến khác trong mâm cỗ

Gà luộc là món không thể thiếu mâm cỗ Bát Tràng. Gà thường được luộc nguyên con, giữ nguyên hình dáng. Sau đó, khi ăn, gà được chặt khéo léo, xếp lại thành hình dáng ban đầu trên đĩa, tạo nên vẻ đẹp đủ đầy và thành kính.

Ảnh: Bùi Thuỷ

Một món quen thuộc khác là nem rán, nhưng ở Bát Tràng, cách làm lại rất tỉ mỉ. Nhân nem gồm thịt lợn, miến, mộc nhĩ, cà rốt, trứng và rau củ. Đặc biệt, rau củ sẽ được bào sợi, chần sơ qua nước nóng rồi vắt khô trước khi trộn, giúp nem khi rán giòn lâu, không bị ướt hay ngấm dầu. Nem rán Bát Tràng có lớp vỏ giòn tan, nhân bên trong thơm ngon, đậm vị, ăn kèm nước mắm chua ngọt rất hấp dẫn.

Ngoài nem rán truyền thống, người Bát Tràng còn sáng tạo ra món nem chim bồ câu.Thay vì dùng thịt lợn, nhân nem được làm từ thịt chim bồ câu non băm nhỏ, trộn với nấm hương, miến, hành khô và các nguyên liệu quen thuộc khác. Sau đó, nem được cuốn và rán vàng. Món này có vị béo ngậy, thơm mùi thịt chim, mang đến cảm giác lạ miệng và sang trọng hơn cho mâm cỗ.

Ảnh: Bùi Thuỷ

Một món cuốn đặc biệt trong mâm cỗ Bát Tràng là chả tôm cuốn lá lốt. Tôm sông tươi, thường được lấy từ Nghệ An, được bóc vỏ, băm nhuyễn rồi trộn cùng mỡ phần và gia vị cho đậm đà. Hỗn hợp này được gói trong lá lốt và nướng trên than hoa. Khi chín, món ăn tỏa hương thơm hấp dẫn từ lá lốt cháy xém nhẹ, hòa cùng vị ngọt tự nhiên, béo ngậy của tôm.

Những món canh 

Canh bóng là một món canh truyền thống nổi tiếng trong dịp lễ Tết. Món canh này cầu kỳ với khoảng 12 loại nguyên liệu: bóng bì, tôm khô Thanh Hóa, thịt thăn heo, nấm hương, củ đậu, su hào, cà rốt… Tất cả được xào sơ rồi chan nước dùng xương. Món canh này yêu cầu kỹ thuật nấu cao để nước canh không bị váng mỡ, các nguyên liệu chín vừa, giữ được màu sắc và vị ngọt nguyên bản.

Ảnh: Bùi Thuỷ

Không thể không nhắc đến chim bồ câu hầm thuốc bắc hoặc hầm cốm. Đây là món ăn bổ dưỡng, thường xuất hiện trong những dịp quan trọng. Chim được nhồi các nguyên liệu như cốm làng Vòng, hạt sen, ý dĩ, nấm hương, rồi đem hầm trong ba tiếng. Món ăn có vị ngọt thanh, thơm dịu, thịt mềm, rất thích hợp để làm món chính trong bữa cỗ trọng đại.

Món tráng miệng 

Trong mâm cỗ Bát Tràng, món tráng miệng thường là xôi vò ăn kèm chè đậu xanh vào mùa hè, hoặc chè kho vào mùa đông. Xôi vò được nấu từ nếp cái hoa vàng, hạt xôi tơi đều, vàng óng. Chè kho thì được nấu khá công phu: đỗ xanh được đãi sạch, hấp chín, sau đó quấy đều tay với đường liên tục trong 5–6 tiếng. Nhờ đó, chè có độ sánh mịn, vị ngọt thanh, thơm lâu mà không bị gắt.

Ảnh: Ngọc Trâm

Bánh chưng cũng thường được xếp vào cuối mâm cỗ như một món ăn kết thúc bữa. Phần nhân bánh gồm đỗ xanh và thịt mỡ tạo nên hương vị béo bùi. Bánh chưng có thể ăn kèm với dưa hành hoặc chè kho.


>>Xem thêm: 4 món bún trứ danh in đậm bản sắc Huế


ADVERTISEMENT