Nghệ thuật công cộng - Hơi thở đương đại của các đô thị
Cloud Gate cao 33 feet, rộng 42 feet và dài 66 feet
Chicago là một thành phố đặc biệt, Landmark của nó không đơn thuần là chỉ là những tòa nhà chọc trời, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật ngay giữa Millennium Park. “Cloud Gate" của nhà điêu khắc người Anh gốc Ấn Anish Kapoor kể từ khi ra mắt cho đến nay đã trở thành biểu tượng của thành phố, là điểm đến không thể bỏ lỡ chỉ để chụp một tấm hình “check-in". Tác phẩm có hình hạt đậu khổng lồ nặng đến 110 tấn bằng thép không gỉ có chi phí xây dựng lên tới 23 triệu USD mang đến tất cả những gì người yêu nghệ thuật kỳ vọng ở nghệ sĩ tên tuổi này: sự phi vật chất và tinh thần, khi người xem tác phẩm được đẩy vào trạng thái lơ lửng, ở giữa. Đó là nơi thời gian ngưng đọng, và không gian chẳng dừng lại ở trạng thái ba chiều.
Cloud Gate nặng khoảng 110 tấn – tương đương với 15 con voi trưởng thành
Anish Kapoor vốn nổi tiếng với những tác phẩm ngoạn mục trong bối cảnh đô thị, và Cloud Gate cũng không phải ngoại lệ khi mang đầy tính biểu tượng với đa tầng nghĩa. Có người sẽ chỉ thấy một hình thái diễn tả buổi hoàng hôn, có người thấy một tấm gương phản chiếu méo mó. Nhưng, cũng có người thấy bản thân tác phẩm dù rắn chắc và nặng nề đến thế lại có khả năng biến đổi tuỳ theo thời điểm trong ngày khi họ bước qua và bắt gặp nó. Đây, cũng chính là điển hình của một tác phẩm nghệ thuật công cộng thành công.
Tượng nghệ thuật trước trung tâm thương mại Standard Chartered Hong Kong và IFC tại quận Central
Đã xa xôi thời nghệ thuật công cộng là những bức tượng điêu khắc đực đặt ở những vị trí công cộng khắp từ thời Cổ đại đến Phục Hưng, khi người nghệ sĩ chỉ tập trung vào mệnh lệnh duy nhất là khắc họa những nhân vật có tầm ảnh hưởng theo thời đại. Ý niệm duy nhất ở đây là hướng đến sự tôn sùng những đấng tối cao và trị vì, và nghệ thuật thường đơn thuần chỉ là công cụ truyền đạt.
Loạt tượng "không nguyên vẹn" có tên Les Voyageurs ở Marseilles, Pháp
Giờ đây, nghệ thuật công cộng không chỉ dừng lại ở một mục đích duy nhất. Bạn tìm thấy những tác phẩm này ở mọi nơi, mọi kích thước, mọi chất liệu, mọi phong cách. Chúng có thể hòa nhập với môi trường xung quanh hoặc hoàn toàn tương phản. Chúng có thể là một tác phẩm trừu tượng, hay có ý nghĩa trực diện. Nghệ thuật công cộng chỉ có thể được định hình trong bối cảnh hiện đại khi gắn nó với những đô thị nơi nó thuộc về, bởi một lẽ giản đơn, rằng chúng được tạo ra cho tất cả mọi người.
Nếu như việc ghé thăm phòng tranh hay bảo tàng là cách tiếp cận nghệ thuật có chủ ý, nghệ thuật công cộng đôi lúc đẩy người xem vào thế vô tình. Vì thế, cách tiếp cận và diễn giải của những người không ở trong tâm thế thẩm thấu các tác phẩm nghệ thuật là một phần giá trị của nghệ thuật công cộng. Với bản chất mang tính cộng đồng và tập thể, nghệ thuật công cộng phản ánh những giá trị chung, những cảm xúc chung, thay vì cố gắng truyền đạt một ý niệm cá nhân.
Yayoi Kusama (2024) bên ngoài ga Liverpool Street (tuyến Elizabeth)
Và bởi các tác phẩm này được đặt ở những không gian mở, đồng nghĩa với việc chúng đẹp xấu hay sao phụ thuộc rất nhiều vào tương quan với môi trường xung quanh, sự biến đổi cảnh quan và tương phản thẩm mỹ với kiến trúc đô thị. Ví dụ, “Cloud Gate" với hình dạng trái đậu có màu xám kim loại nổi bật giữa tấm phông nền của những tòa nhà cao ốc nâu đỏ ở thành phố Chicago là đại diện tuyệt vời cho nền công nghiệp khởi sắc của thành phố này, nơi nét cổ kính và hiện đại luôn đan cài và nâng đỡ nhau.
Nghệ thuật đường phố - Cậu bé đi xe máy của Ernest Zacharevic
Cũng do công chúng của nghệ thuật công cộng là tất cả chẳng trừ một ai, nên chắc chắn những tác phẩm này sẽ được cảm nhận theo cách rất riêng, thậm chí gây tranh cãi. Quá trình thực hiện nghệ thuật công cộng là một diễn tiến tương tác từ khi ý tưởng hình thành cho đến … mãi mãi giữa nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà hoạch định thành phố, cho đến cư dân cộng đồng. Một khi tác phẩm còn ở đó, quá trình này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, vẫn sẽ thôi thúc người xem phải suy nghĩ, khuấy động họ vào một diễn cảnh thưởng thức và suy ngẫm về nghệ thuật. Người dân dù đã đi qua bãi biển ở Đảo Naoshima của Nhật Bản và thấy quả bí ngô vàng khổng lồ với những đốm đen của nghệ sĩ bán chạy nhất thế giới người Nhật Yayoi Kusuma, có lẽ cũng sẽ không khỏi chùng chừng muốn dừng lại tự hỏi về ý nghĩa tác phẩm hay thán phục tác phẩm biểu tượng của nghệ sĩ kỳ lạ này.
Tác phẩm quả bí ngô của nghệ sỹ Yayoi Kusama
Tác phẩm điêu khắc này đã trở thành biểu tượng của hòn đảo tập trung vào nghệ thuật hiện đại này, nơi cũng có quả bí ngô đỏ của cùng một nghệ sĩ và một số tác phẩm sắp đặt và triển lãm khác. Tác phẩm của bà khẳng định không chỉ tính soi chiếu của tác phẩm, mà còn tác động của tác phẩm đến cảnh quan xung quanh. Sinh ra trong thời đại và dành cho thời đại, nghệ thuật công cộng là hệ soi chiếu phản ánh cách người nghệ sĩ - đại diện của cộng đồng khi nhìn thế giới, cách chúng ta phản ứng với những sự kiện thời đại. Đó là tổ hợp của những khía cạnh khác nhau: từ không gian, cho đến ý thức. Từ vật chất, cho đến tinh thần.
Tượng Nữ thần Tự do ở Vịnh Thượng, Thành phố New York
Nhưng, nghệ thuật công cộng cũng là sân chơi ngầm cho những nghệ sĩ chưa có tên tuổi hay không được biết đến. Đó là những nghệ sĩ graffiti vẫn đang miệt mài vẽ và ẩn mình trong bóng tối để chiêm ngưỡng cộng đồng khám phá các tác phẩm của mình. Với những thành phố như Paris, London, hay New York, những tác phẩm này ra đời liên tục và dày đặc. Bởi thay vì cần những chất liệu nặng nề, những kế hoạch quy hoạch tỉ mỉ, tất cả những gì họ cần chỉ là màu vẽ và một mảng tường.
Tượng Chúa Kitô cứu thế tại Brazil
Trong lịch sử của mình, nghệ thuật công cộng âm thầm vượt qua những cảnh giới hạn hữu trong phòng tranh hay bảo tàng, để trở thành một phần không thể thiếu của ý thức tập thể và của không gian đô thị. Thậm chí, một số tác phẩm như vậy còn là biểu tượng của cả một thành phố. Từ Tượng thần Tự do ở New York, Bức tượng chúa Christ the Redeemer ở thành phố Rio de Janeiro (Brazil), tượng Sư tử của Singapore, cho đến chú chó bằng hoa của Jeff Koons of Bilbao (Tây Ban Nha)... Và còn nhiều hơn nữa những tác phẩm đang ngày ngày tỏa sáng với đám đông chiêm ngưỡng. Trải nghiệm công cộng nhờ có những tác phẩm nghệ thuật trở thành duy mỹ và trầm tư hơn. Lịch sử công cộng nhờ chúng có thêm sắc màu và thêm những đối thoại. Nền văn hoá nhờ chúng mà được kế thừa và được phát triển. Nhờ những tác phẩm này, khuôn diện đô thị khoác thêm trên mình tấm canvas đầy màu sắc, nơi tiếng nói và hình ảnh cộng hưởng trong một hệ thức chung của thị dân. Đó cũng là cách nghệ thuật công cộng hình thành và phát triển: sinh ra cho cộng đồng.
Asphalt Art Initiative, London. Nghệ sĩ: Yinka Ilori
>> Xem thêm: Dư vị nghệ thuật: Những triển lãm đặc sắc tháng 9