Những lễ hội văn hóa hàng đầu châu Á cho du khách cuối năm
Cuối năm là thời điểm ai cũng muốn dành cho mình một kì nghỉ để lấy lại năng lượng sau một năm bận rộn, và đây cũng là mùa sôi động của nhiều lễ hội. Nói đến dịp cuối năm, nhiều người sẽ nghĩ đến lễ Giáng sinh hay Năm mới, cũng là hai dịp lễ lớn nhất đến cùng bầu không khí tiệc tùng hấp dẫn. Tuy nhiên, với những du khách đang tìm kiếm trải nghiệm du lịch đặc biệt hơn trước khi 2024 qua đi, nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda mang đến một danh sách khác, gồm những lễ hội văn hoá độc đáo bậc nhất châu Á.
Đây là những lễ hội địa phương không chỉ giàu yếu tố truyền thống, văn hoá, mà còn đậm bản sắc bản địa nơi du khách ghé thăm. Ngoài ra, điểm đến hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và ẩm thực phong phú cũng là một phần không thể thiếu góp phần nâng tầm trải nghiệm tại các sự kiện đặc biệt này.
Theo Andrew Smith, Phó chủ tịch cấp cao về Cung ứng tại Agoda: “Các lễ hội văn hóa không chỉ là sự kiện đơn thuần, chúng là những lễ kỷ niệm tôn vinh tính di sản và cộng đồng. Trải nghiệm này mang đến cho du khách cơ hội đắm mình vào nền văn hoá và phong tục địa phương, từ đó tạo nên những kết nối và khiến du khách trân trọng những nền văn hoá khác biệt...” Từ lễ hội Ánh sáng ở Thái Lan đến lễ hội Mùa đông ở Hàn Quốc, cùng WOWWEEKEND khám phá 5 lễ hội văn hoá đặc sắc nhất châu Á dịp cuối năm 2024.
Seoul Winter Festa (Hàn Quốc)
Lễ hội Mùa đông Seoul Winter Festa diễn ra từ ngày 13/12/2024 đến 5/1/2025 là chuỗi nhiều lễ hội diễn ra ở thành phố Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), đồng thời là lễ hội mùa đông lớn nhất nước này. Một loạt 10 sự kiện và lễ hội khác nhau theo chủ đề ánh sáng kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại sẽ được tổ chức ở nhiều địa điểm quan trọng như Gwanghwamun, Quảng trường Gwanghwamun, Dongdaemun Design Plaza (DDP), Bosingak, Seoul Plaza, Cheonggyecheon và Open Songhyeon Green Plaza, mang đến cho du khách cơ hội khám phá thành phố Seoul theo cách đầy khác biệt, thay vì những địa điểm du lịch thông thường.
Với các hoạt động đa dạng như Triển lãm nghệ thuật truyền thông ánh sáng Seoul, Lễ hội đèn lồng Seoul và chợ Giáng sinh, du khách có thể thưởng thức các màn trình diễn ánh sáng, buổi hòa nhạc trực tiếp, triển lãm điêu khắc ánh sáng, khu trượt băng nhân tạo và sự kiện đếm ngược chào năm mới.
Bon Om Touk (Campuchia)
Lễ hội Bon Om Touk còn được gọi là Lễ hội nước hay Lễ hội đua thuyền có nguồn gốc lịch sử lâu đời được ghi chép lại trên các bức tường ở Angkor, được tổ chức hàng năm vào dịp nước sông Mê Kông bắt đầu chu kỳ cạn (năm nay lễ hội diễn ra từ ngày 14-16/11/2024). Dù nhiều nơi ở Campuchia đều tổ chức ngày hội này, nhưng phiên bản lớn nhất diễn ra ở thủ đô Phnom Penh trên sông Tonle Sap ngay trước Cung điện Hoàng gia Campuchia.
Đây là dịp để người Khmer thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống cũng như tôn vinh những đức tính quý báu và thiên hướng với nghệ thuật, niềm hạnh phúc, sự yêu chuộng hòa bình, sự đoàn kết cộng đồng, niềm tự hào dân tộc và trên hết là lòng yêu nước. Lễ hội này cũng là dịp để người dân Khmer thể hiện sự phát triển rất đa dạng của nền nông nghiệp lúa nước với rất nhiều sản vật làm ra từ những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ. Có nhiều hoạt động diễn ra trong suốt lễ hội gồm đua thuyền, đốt pháo hoa, trình diễn hoa đăng… đây chắc chắn là dịp tuyệt vời để du khách tìm hiểu về nền văn hóa Khmer và người dân Campuchia.
Loy Krathong và Yi Peng (Thái Lan)
Hai lễ hội thả đèn của Thái Lan gồm Loy Krathong và Yi Peng là sự kiện không thể bỏ qua dịp cuối năm này. Yi Peng là lễ hội của người Lanna từ miền Bắc Thái Lan, được biết đến nhiều nhất với những hình ảnh thả đèn tuyệt đẹp ở cố đô Chiang Mai. Trong dịp lễ này, người Thái sử dụng những chiếc đèn trời có hình dạng khác nhau gồm 3 loại đèn lồng chính là Khom Loi, Khom Lanna và Khom Khwean. Vào thời điểm diễn ra Yi Peng (cuối tháng 11 hàng năm), số lượng đèn trời được thả có thể lên tới 30 nghìn chiếc, tạo nên hiệu ứng thị giác độc đáo và những bức hình đẹp cho du khách.
Lễ hội đèn hoa đăng Loy Krathong có nguồn gốc từ Ấn Độ, diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng 12 ở Bangkok, Phuket, Pattaya, Chiang Mai hay Ayutthaya nhằm bày tỏ lòng biết ơn với thần nước và cầu phúc cho năm mới thịnh vượng. Ngoài việc thả đèn hoa đăng, người tham dự Loy Krathong cũng được xem bắn pháo hoa, diễu hành hay đua thuyền.
Dongzhi (Trung Quốc)
Còn được biết đến với tên gọi Lễ hội Đông chí, đây là dịp lễ truyền thống của Trung Quốc diễn ra từ ngày 21-23/12 hàng năm và có lịch sử từ thời nhà Chu. Lễ hội này có nguồn gốc triết lý âm dương về sự cân bằng và hài hòa trong vũ trụ. Ngày nay, lễ hội lớn này được tổ chức ở nhiều nơi tại Trung Quốc, gồm các thành phố lớn như Thượng Hải hay Bắc Kinh.
Tại Thượng Hải, du khách có thể đến Chợ vườn Dự Viên để ngắm nhìn những món đồ trang trí truyền thống và bầu không khí sôi động tràn ngập những món ngon và đồ thủ công địa phương. Tại Bắc Kinh, Đền Thiên Đường là một địa điểm thu hút khách du lịch với các buổi biểu diễn văn hóa và nghi lễ truyền thống thường diễn ra trong lễ hội. Cũng theo truyền thống Trung Quốc, Tết Đông Chí là thời điểm để gia đình quây quần, chế biến và thưởng thức bánh trôi tàu, bánh bao, món sủi cảo, hoành thánh hay món lẩu.
Giáng sinh (Philippines)
Philippines là quốc gia độc đáo ở Đông Nam Á khi đón Giáng sinh như một dịp Tết quan trọng nhất của quốc gia có đông đảo người dân theo đạo Thiên chúa này. Là một dịp lễ hội đặc biệt trang trọng và thời điểm các gia đình đoàn tụ để ăn mừng, Giáng sinh ở Philippines đến cùng với những cuộc diễu hành, những món đồ trang trí sặc sỡ và bữa tiệc đường phố lớn nhỏ ở mọi miền đất nước, bắt đầu từ tháng 9.
San Fernando (Pampanga), nơi được mệnh danh Thủ đô Giáng sinh của Philippines là điểm đến không thể bỏ qua để du khách có thể chiêm ngưỡng Lễ hội đèn lồng Ligligan Parul (14/12/2024), các cuộc triển lãm hàng đêm diễn ra cho đến ngày 1/1/ 2025. Du khách cũng có thể trải nghiệm văn hóa Philippines thông qua Simbang Gabi gồm một loạt các thánh lễ đêm dẫn đến Ngày Giáng sinh.
>> Xem thêm: Đông Nam Á có thể áp dụng chương trình thị thực theo kiểu Schengen?