Những ngày rong ruổi khắp miền đông Java
Sự quyến rũ của mảnh đất cằn cỗi
Nếu Bali nổi tiếng với những bãi biển nên thơ mang màu xanh ngọc bích và những khu nghỉ dưỡng thuộc hàng nhất nhì Đông Nam Á, thì Đông Java ngược lại, hiện lên đầy ấn tượng với những miệng núi lửa vẫn còn đang hoạt động và những chuyến đi “hành xác”, đòi hỏi sức chịu đựng cao của những kẻ muốn chinh phục.
Sau 24 giờ liên tục di chuyển, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi trước khi tiếp tục đi đến địa phận Vườn Quốc gia Bromo Tengger Semeru để chuẩn bị bước vào hành trình thật sự. Vậy là cả đoàn lại tiêu tốn thêm 6 giờ đi xe. Xe đưa đoàn chúng tôi cách xa thành phố Surabaya 100km về phía Nam. Càng đi xa, cảm giác không khí lạnh ngày càng rõ rệt. Cứ vào buổi chiều, sương sẽ tràn xuống khắp mọi ngóc ngách, che mờ đỉnh của những ngọn đồi, ngọn núi nơi đây, mặc cho sáng đó trời có trong đến thế nào. 1 giờ sáng, tôi được gọi dậy và lên xe jeep để di chuyển đến núi Penanjakan - nơi có thể ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của rặng Tengger nói chung và núi lửa Bromo nói riêng.
Tôi nghe nói, vào những đêm trăng mờ, trời quang, có thể ngắm được cả dãy ngân hà. Khi đêm tối đến, thi thoảng có vài ánh sao băng “lén lút” chạy ngang bầu trời.
Càng gần đến sáng, khu cắm trại càng đông. Lúc này không chỉ có du khách mà còn có người dân bản địa. Khác với mục đích chiêm ngưỡng bình minh của khách du lịch, người dân địa phương đến đây vì lý do tâm linh. Họ đến để cầu nguyện. Khi hừng đông bắt đầu ló dạng, mọi người đều đứng dậy, chọn cho mình một chỗ để dễ dàng quan sát. Tôi lén thấy có vài cái đầu cúi xuống, tay chắp lại và tiếng rì rầm cầu nguyện phát ra đều đều.
Mặt trời buông những tia nắng đầu tiên. Dãy Tengger và ngọn núi Bromo lúc này mới hiện ra rõ ràng. Tôi lặng người và cảm thấy có đôi chút xúc động. Bởi tôi đã hiểu vì sao người ta lại mất một quãng đường đi dài đằng đẵng, tìm đến mảnh đất khô cằn với toàn bụi dung nham này chỉ để ngắm nhìn một khoảnh khắc ngắn ngủi.
Dãy Tengger hiện ra với 3 đỉnh núi lửa: núi Batok cao 2.240m đã không còn hoạt động, núi Bromo cao 2.329m vẫn còn hoạt động và xa hơn về phía Nam, bên ngoài bức tường miệng núi lửa là Gunung Semeru cao 3.676m hùng vĩ. Đây cũng là ngọn núi lửa cao nhất vẫn còn hoạt động tại Đông Java. Khói từ miệng núi bốc lên trắng xóa, trông như một đám bông bồng bềnh. Mây mù lúc này vẫn còn quấn quanh chân núi như một dải lụa trắng dịu dàng. Lúc mặt trời lên cao, mây mù tan đi cũng là lúc sa mạc “Biển Cát” dần hiện ra. Đây là sa mạc được hình thành bởi bụi nham thạch. Băng qua sa mạc này mới đến được chân núi Bromo.
Thiên đường cho những kẻ thích chinh phục
Banyuwangi là nơi có hồ axit Ijen, đây được xem là hồ axit lớn nhất thế giới và cũng là nơi tập hợp rất nhiều kẻ ưa mạo hiểm. Tôi cùng cả đoàn phải trekking một đoạn đường hơn 3km với đầy những con dốc từ 40 đến 60 độ, trong cái lạnh 10 ̊C. Suốt hành trình, nếu ngoảnh đầu nhìn lại, bạn sẽ thấy đầy những ánh đèn, sáng rực cả quãng đường đi. Thiếu ngủ, cộng với đoạn đường dốc nên không ít lần tôi cùng cả đoàn phải dừng lại nghỉ chân. Những chiếc “taxi kéo” luôn chực chờ khách đuối sức để chào mời. Tôi vì muốn thử thách bản thân mình nên quyết định trekking lên đến đỉnh. Thế nhưng, một vấn đề khác lại xuất hiện - ngọn lửa xanh nổi tiếng chỉ xuất hiện từ 4 giờ sáng và tắt rất nhanh trước bình minh. Để đến đó kịp lúc, tôi cùng cả đoàn phải tăng tốc.
Sau một hồi trầy trật, tôi chạm chân xuống lòng núi. Trong làn khói mờ ảo, tôi nhìn thấy đám người tụ lại một điểm. Đó chính là nơi có ngọn lửa xanh được hình thành bởi lưu huỳnh đốt cháy.
Trên tảng lưu huỳnh dạng rắn đang nứt ra, ngọn lửa xanh len lỏi giữa khe hở như những con rắn phát sáng. Vì đến gần ngọn lửa nên việc hít phải khí lưu huỳnh dioxit là điều không tránh khỏi. Những cột khói lưu huỳnh bất ngờ bốc lên, xộc vào mũi, rát buốt, nên sau khi tận mục sở thị ngọn lửa, tôi cũng nhanh chóng rời đi. Phía trên cao, bầu trời cũng đang sáng dần. Trời càng sáng cũng là lúc lửa xanh bắt đầu tắt. Khi tắt đi, nó để lại một cột khói nghi ngút, tỏa khắp mọi nơi và kéo dài cho đến lúc mặt trời mọc. Những ai không kịp leo lên khỏi miệng núi sẽ bị đám khói nuốt chửng và hô hấp vô cùng nặng nhọc.
Để thấy được mặt trời ló dạng và chiếu ánh sáng vào hồ, tôi phải di chuyển lên một nơi cao hơn. Theo như lời của hướng dẫn viên, dù cho thời tiết đẹp đến đâu nhưng không phải ngày nào hồ axit cũng hiện ra rõ rệt để du khách ngắm nhìn, vì lượng khói lưu huỳnh vẫn luôn ở đó, tạo ra cảnh tượng mù mịt. Phía trên địa điểm có thể quan sát toàn bộ khung cảnh là một dải dài những cây bụi thấp. Do ảnh hưởng của không khí có chứa lưu huỳnh, những bụi cây này mang nhiều đặc điểm để tồn tại với môi trường như bản lá nhỏ, thân cây thấp... Nhiều cây do không chịu được sự khắc nghiệt đã chết khô. Những cây thân cao hơn thì không thể phát triển được tán lá. Mặt trời lên cao, rọi thẳng những tia nắng vào quặng lưu huỳnh tạo nên một luồng sáng vô cùng chói chang, giúp tôi có thể nhìn rõ ràng hơn quãng đường dốc. Hóa ra, khung cảnh phía sườn núi lại nên thơ như thế. Khi bước lên xe cũng là lúc kết thúc chuyến hành trình dài của mình tại Đông Java. Những khoảnh khắc ngắm nhìn diễn ra rất nhanh nhưng để đến được đó, tôi và những du khách khác đã phải mất rất nhiều thời gian cũng như thể lực.
Chinh phục Đông Java thật sự không phải là chuyến đi dễ dàng, nhưng cái giá cho những gì bỏ ra theo tôi là vô cùng xứng đáng.
>>Xem thêm: Tây Tạng: Những ngày sống chậm lại giữa cao nguyên