share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

W Coffee Talk Phạm Minh: Đem cả mùa hè “giấu” trong ảnh film


ADVERTISEMENT

Mỗi lần ghé thăm tài khoản Instagram @phamminh1305 của Phạm Minh, chúng ta đều sẽ phải nán lại hồi lâu, để đắm chìm vào những điều rất đỗi bình bình yên từ cuộc sống thường nhật.

Phạm Minh (tên đầy đủ là Phạm Văn Minh, hiện sinh sống tại TP. Hải Phòng) là một 10x đam mê chụp ảnh film. Tình cờ biết đến dòng máy này từ cuối năm 2019, Minh bắt đầu tìm hiểu các kiến thức nhiếp ảnh trên mạng, đến khi tích lũy được vốn lý thuyết nhất định thì xách máy lên và đi chụp thực tế. Tính đến nay, anh đã theo đuổi bộ môn này được 4, 5 năm với một “gia tài” ảnh film “xịn sò”.

Trong chuyên mục W Coffee Talk tuần này, WOWWEEKEND đã có cơ hội lắng nghe Phạm Minh chia sẻ nhiều hơn về tình yêu dành cho ảnh film của mình.

Xin chào Phạm Minh! Trước hết, bạn có thể giới thiệu về những dòng máy film mình thường dùng?

Chiếc máy film đầu tiên mình dùng là của một người bạn cho mượn (Minolta Himatic 7s). Đây là chiếc thuộc dòng Rangefinder. Chiếc máy tiếp theo - Pentax Spotmatic (dòng SLR) thì mình tự mua, đây cũng là chiếc máy mà mình ưng nhất.

Hiện tại, mình đang sử dụng một máy chính để chụp là Nikon FM2n. Nó thực sự là một chiếc máy full cơ bền bỉ, có đầy đủ chức năng để thỏa sức sáng tạo nên mình khá hài lòng. Ngoài ra, mình còn có một chiếc máy chụp film khổ lớn (Medium Format) là Rolleiflex 3.5F. Ảnh chụp từ máy cho mình một cảm giác hoàn toàn khác với những chiếc máy chụp film 135 mà mình thường sử dụng.

Chia sẻ thêm một chút, là mình từng đi làm kín các buổi tối trong tuần chỉ để mua được một chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Nhưng sau khi biết đến nhiếp ảnh film, mình nghĩ đây mới thật sự là “chân ái” đời mình. Và thế là quyết định bán luôn máy ảnh kỹ thuật số vào thời điểm đó để dành hết tiền mua film. Giờ nghĩ lại, bản thân vẫn thấy điều này khá liều lĩnh nhưng lại vô cùng đúng đắn.

Hỏi vui một chút, bao nhiêu tấm ảnh đã… hỏng khi Minh mới “tập tành” bộ môn này?

Để nói về những lần chụp hỏng thì nhiều lắm, không đếm được trên đầu ngón tay đâu (cười).

Mình xuất phát điểm là người thích chụp lại những khoảnh khắc đời thường bằng điện thoại. Rồi khi có cơ hội tiếp xúc với máy ảnh film, xung quanh cũng không có ai cùng đam mê để học hỏi, nên phải tự mày mò trên mạng. Mình nhớ những ngày đầu tiên cầm máy, do chưa hiểu rõ về thông số hay hệ thống đo sáng, những bức ảnh chụp ra toàn mờ nhoè, thiếu sáng và sai bố cục căn bản. Mình nghĩ bạn trẻ nào khi bước chân vào một bộ môn mới, cũng phải trải qua không ít lần “hỏng” như vậy.

Với Minh, cái khó nhất của việc chụp ảnh film là gì?

Đến thời điểm hiện tại, việc chụp được một bức ảnh film đẹp không quá khó đối với mình. Nhưng để chụp được bức ảnh có hồn hay khiến bản thân yêu thích, và rồi khiến người xem cảm nhận được điều gì đó thông qua chúng mới là khó.

Bạn thấy đấy, không khó để bắt gặp những bức ảnh đẹp trên mạng xã hội. Từ màu sắc, ánh sáng, bố cục ảnh... tất cả mọi thứ gần như hoàn hảo. Nhưng nếu thiếu đi nội dung cũng như tính khơi gợi cảm xúc người xem thì nó chỉ mới dừng lại ở yếu tố đẹp. Mà với mình, đẹp thôi chưa đủ. Nhiếp ảnh film hay nghệ thuật chụp ảnh nói chung sẽ trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều nếu bức ảnh chứa đựng một câu chuyện hoặc thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.

Những tấm ảnh film của Minh đem lại một cảm giác rất... mùa hè, nhưng cũng dịu dàng và bình yên. Mọi người thường nhận xét gì về ảnh bạn chụp?

Đa phần những bức ảnh mình chụp đều có nắng, và công nhận film rất hợp khi chụp có nắng. Vì thế mà những người yêu vẻ đẹp hoài cổ như mình luôn nhủ rằng: “Đợi ngày nắng đi chụp film cho đẹp!”. Cảm hứng của mình cũng luôn đến vào những ngày nắng đẹp, đặc biệt là mùa hè. Thêm nữa, nắng khiến cho những bức ảnh của mình được phủ một “lớp filter rực rỡ”. Đó là lí do mà mọi người luôn có cảm giác mùa hè đang ở đâu đó rất gần mỗi khi xem ảnh mình chụp.

Nhiều bạn nhắn tin cho mình và chia sẻ rằng họ thích cách mình “chơi đùa” với ánh sáng, bố cục ảnh cũng như cách mình kể chuyện thông qua hình ảnh. Có người thì thắc mắc không hiểu sao ảnh mình chụp ra rất trong, có người thì thấy được cái hồn ảnh trong đó. Mình đều rất vui và vô cùng biết ơn những lời nhận xét ấy.

Đa số chủ thể trong những bức ảnh thường rất gần gũi, như chiếc mắc áo, rổ trái cây, một góc bếp... Minh có chủ đích gì khi lựa chọn “mẫu ảnh” như thế?

Vẻ đẹp luôn nằm ở rất gần chúng ta. Đó cũng là lý do vì sao mình chọn chụp những thứ đơn giản chung quanh. Từ góc bếp, sân phơi đồ, vườn cây và những hoạt động thường ngày... mỗi thứ đều có một vẻ đẹp rất riêng. Nếu muốn chụp gì đó đẹp, hãy bắt đầu với những thứ đơn giản nhất, thả hồn vào nó và rồi sẽ cảm nhận được điều mình muốn. Đó cũng là bài học đầu tiên của mình trong nhiếp ảnh.

Cảm giác mà chụp máy film mang lại khác gì so với chụp máy ảnh kỹ thuật số hay điện thoại?

Chụp film đem lại cho mình nhiều cảm giác lạ, từ việc tưởng chừng đơn giản như chọn cuộn film muốn chụp (cũng phải đắn đo rất nhiều, vì mỗi cuộn film sẽ có những đặc điểm khác nhau) cho đến lắp film sao cho đúng để không bị tuột film trong quá trình chụp, tìm địa điểm, kiểm soát ánh sáng, gửi film đi tráng và dành cả ngày chỉ để đợi mail từ lab... Tất cả những bước đó đều rất cầu kỳ và đòi hỏi sự cẩn thận và tính kiên nhẫn.

Nếu như máy ảnh kỹ thuật số có thể cho ra hàng trăm bức ảnh trong một buổi chụp, thì với film, bạn chỉ có 24 hoặc 36 kiểu, thậm chí là 12 kiểu. Nên việc nắn nót, căn chỉnh và tỉ mỉ trong từng công đoạn thôi cũng đã đem lại rất nhiều cảm xúc cho người chụp rồi.

Mình chưa bàn đến kết quả giữa máy film và máy số ra sao, vì mỗi thiết bị đều có ưu, nhược điểm riêng. Nhưng với film, mỗi lần lắp một cuộn film để chụp, rồi tua film để gửi đi tráng, hồi hộp đợi mail từ lab lại cho mình cảm giác “lần nào cũng như lần đầu chụp film”. Cũng vẫn từng ấy rung cảm và câu hỏi trong đầu: “Ảnh mình chụp có đẹp không?”, “Ảnh có bị thiếu sáng, cháy sáng hay rung lắc không?”...  

“Lần nào cũng như lần đầu chụp film.”

Vượt ra khỏi một sở thích, chụp ảnh film còn mang những ý nghĩa nào khác đối với cuộc sống của Minh?

Mình phải cảm ơn chiếc máy film rất nhiều! Vốn dĩ là một người ngại giao tiếp và kết bạn, nhưng khi cầm trên tay một chiếc máy film và đi chụp thì mình lại cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Cũng nhờ nhiếp ảnh film mà mình có thể dễ dàng kết nối với những người bạn có cùng đam mê khắp mọi nơi.

Hơn thế nữa, việc đứng sau ống kính máy film cho phép mình nhìn ngắm cuộc sống một cách chậm rãi hơn. Và mình nhìn thấy một thế giới nhỏ khác của riêng mình, một thế giới có thể thỏa sức sáng tạo và thả hồn vào mọi thứ theo cách tự nhiên nhất. Chẳng phải, đây là cách thư giãn và xoa dịu tâm hồn sao?

Chụp ảnh còn là cách người cầm máy kể chuyện thông qua lăng kính rất riêng. Có kỷ niệm nào khiến bạn ấn tượng nhất?

Mình cũng thường tự hỏi: Làm thế nào để những bức ảnh sẽ tự cất lời và kể câu chuyện của chính nó, mà không cần quá nhiều ngôn từ để diễn tả?

Câu chuyện mình nhớ mãi gắn liền với bức ảnh chụp một chậu hoa hướng mua ở chợ cây. Lúc đem về, cây vẫn còn tươi tốt nhưng không hiểu sao hoa bắt đầu có dấu hiệu tàn. Vì vậy, mình quyết định chụp một vài kiểu ảnh để giữ lại khoảnh khắc đẹp nhất của nó, dù sự thật là hoa vẫn sẽ tàn và không còn hiện diện trong vườn nữa.

Lúc này, mình mới nhận ra sự kỳ diệu của nhiếp ảnh. Nó cho phép ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của một sự vật, sự việc. Mà (có thể) đó sẽ là lần cuối cùng mình nhìn thấy chúng ở ngoài đời thật. Như vậy, mình vừa là người được ngắm bông hoa vào thời điểm nó nở đẹp nhất, cũng là người đã lưu lại khoảnh khắc nó nở đẹp nhất trong những thước film âm bản. Hơn cả, mình có thể dễ dàng chia sẻ tấm hình lên mạng xã hội để bạn bè cùng ngắm, điều nỳ lại càng ý nghĩa hơn.

“Nhiếp ảnh cho phép mình ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của một sự vật, sự việc. Mà (có thể) đó sẽ là lần cuối cùng mình nhìn thấy chúng ở ngoài đời thật.”

Cho đến nay, Minh nuôi dưỡng đam mê này bằng cách nào?

Việc theo đuổi một môn khó, cầu kỳ và đòi hỏi sự tỉ mẩn nhiếp ảnh film cần rất nhiều nỗ lực và tài chính.

Mình vẫn thường xuyên lướt các trang mạng xã hội, các hội nhóm chụp film trên mạng xã hội xem ảnh mọi người chụp. Xem càng nhiều, càng thấy được cách mọi người ghi lại khoảnh khắc đời sống và mở mang tầm mắt. Đặc biệt, mình theo dõi những nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Vivian Maier, Diane Arbus, Fan Ho, Mary Ellen Mark... Vừa được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, vừa đọc quotes liên quan mà họ chia sẻ, mình cũng học được rất nhiều điều như bố cục, ánh sáng, các góc nhìn trong nhiếp ảnh... Và dần dần, có thể định hình phong cách nhiếp ảnh của riêng mình.

Nhiều người trẻ hiện đại chọn tìm về những giá trị xưa cũ, sự “hồi sinh” của máy ảnh film là một trong những minh chứng rõ ràng nhất. Minh có suy nghĩ gì về xu hướng hoài niệm như vậy?

Điều này rất tốt, vì nó chứng minh rằng những chiếc máy dù đã được sản xuất từ rất lâu rồi nhưng không hề bị mai một hay mất đi giá trị. Một bài báo gần đây có viết: “Mặc dù các công ty như Kodak, Fuji và Polaroid đã mất rất nhiều vốn khi nhiếp ảnh kỹ thuật số bắt đầu thay thế film, nhưng họ vẫn chưa bao giờ ngừng sản xuất”. Vì thế, mình tin rằng chỉ cần còn người theo đuổi, thì film sẽ không bao giờ mất đi.

Thế hệ trẻ ngày nay đang làm rất tốt trong việc phát huy nhiếp ảnh film nói riêng hay những bộ môn truyền thống nói riêng. Giữa thời kỳ hiện đại và công nghệ áp đảo, thì đâu đó vẫn những người yêu thích và tìm về các giá trị xưa.


ADVERTISEMENT