Sydney Opera House - 50 năm biểu tượng của kiến trúc bền vững
Một trong những biểu tượng gắn với nước Úc, chắc chắn phải là kỳ quan kiến trúc - Nhà hát Opera Sydney, và là một biểu tượng của văn hoá nghệ thuật thế kỷ 20. 2025 đánh dấu dịp kỷ niệm 50 năm của công trình này, một dịp có ý nghĩa đặc biệt để những người yêu thích kiến trúc và nghệ thuật nhìn ngắm lại và chìm đắm trong những câu chuyện Sydney Opera House có thể kể về lịch sử của mình.
Từ một cuộc thi thiết kế vào tháng 6/1955 với những quy định đặc biệt: phải ở Bennelong Point tại bến Cảng Sydney, có sức chứa ít nhất 3.000 người và một phòng hòa nhạc nhỏ hơn có sức chứa 1.200 người, đặc biệt, đây sẽ phải là một biểu tượng giúp định hình Sydney trở thành thủ đô nghệ thuật của thế giới. Trong 233 bài dự thi từ các kiến trúc sư ở 32 quốc gia, cái tên thắng cuộc là Jørn Utzon - kiến trúc sư người Đan Mạch và thiết kế hiện đại của mình. Một thiết kế được những người đương thời đánh giá “hoà nhập và đối thoại” với cảnh quan xung quanh.
Bản thân cảnh quan này đã ghi dấu những tài nguyên văn hoá lịch sử quan trọng của nước Úc. Bennelong Point có ý nghĩa truyền thống của người dân địa phương lúc bấy giờ như “nơi các dòng nước tri thức gặp nhau”, đây cũng là nơi tụ họp và tổ chức các nghi lễ văn hóa trong hàng ngàn năm của người dân bản địa và được biết đến bởi tài nguyên tự nhiên phong phú…
Sydney Opera House được khởi công xây dựng vào năm 1959 với tinh thần đó, và chính thức hoàn thành vào năm 1973. Hiện ra ở mũi Bennelong là một công trình tầm vóc có mái hình vỏ sò và sự hoà nhập liền mạch với cảnh quan thiên nhiên và biển cả cũng như nắm bắt được vẻ đẹp tự nhiên của Cảng Sydney. Kiến trúc sư Utzon tiếp cận dự án này với việc sử dụng hình học từ một phần hình cầu để tạo nên thiết kế mái tái hiện những cánh buồm/vỏ sò, đây được coi là một trong những đột phá về kiến trúc ở thời điểm đó.
Ngoài tự nhiên, cảm hứng nghệ thuật cũng đóng góp không nhỏ vào thiết kế toàn diện của Sydney Opera House. Sự kết hợp độc đáo giữa kỹ thuật và kiến trúc được thể hiện xuyên suốt cả ở bên ngoài và trong nhà hát. Phần quan trọng nhất là mái vòm bê tông mô phỏng cánh buồm/vỏ sò kết hợp giữa bê tông và 1.056.006 viên gạch men màu trắng kem mờ được sản xuất tại Thuỵ Điển. Vật liệu này tạo ra hiệu ứng lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời và ánh trăng, mang đến tương tác trực quan ấn tượng với mặt nước ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Kỹ thuật hiện đại được áp dụng để biến những sáng tạo trên các khối bê tông đúc sẵn trở thành tiêu chuẩn mới cho khả năng tiềm ẩn của kiến trúc thế kỷ 20. Cấu trúc không chỉ giúp định hình công trình mà còn tạo nên những ấn tượng hấp dẫn về thị giác. Các khối bê tông kết cấu lộ thiên cũng là đặc điểm kiến trúc chính phía trong sảnh đợi. Bằng cạch kết hợp các kỹ thuật kết cấu tấm gấp, không gian sảnh trở nên rộng rãi, vững chắc dù không cần các cột trụ.
Ảnh: Sydney Opera House
Các bức tường kính của Nhà hát Opera bao quanh khoảng hở giữa mái che và kết cấu bục. Kính nhiều lớp cũng là một trong những điểm nhấn của thiết kế công trình, nhờ có độ bền và khả năng định hình tại chỗ. Chính những kỹ thuật và thiết kế mang tính đột phá của công trình này, cộng hưởng với quy mô tầm cỡ của một dự án xây dựng giữa thế kỷ 20 đã khiến Sydney Opera House trở thành một di sản sáng tạo đầy sức sống và là biểu tượng kiến trúc không chỉ của nước Úc mà cả trên thế giới.
Nhưng, ít ai biết rằng, sau 50 năm thành hình, Sydney Opera House vẫn là một trong những ví dụ điển hình của kiến trúc bền vững. Ngay từ giai đoạn thiết kế, kiến trúc sư Jørn Utzon đã luôn đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu. Từ hệ thống làm mát bằng nước biển tiên tiến của tòa nhà (sử dụng nước biển để làm mát tòa nhà một cách hiệu quả), gạch tự làm sạch (nước mưa rửa trôi gạch) cho đến phương pháp làm sạch xanh (kỹ thuật lâu đời là sử dụng dầu ô liu để đánh bóng đồng thau)... Ngay từ thời điểm khởi công, Sydney Opera House đã là một ví dụ về khái niệm kiến trúc bền vững, dù khái niệm này mới chỉ chính thức được quan tâm ở thế kỷ 21.
Ảnh: Sydney Opera House
Với ý thức tiếp tục kế thừa di sản “bền vững” này, Sydney Opera House tiếp tục tìm ra các giải pháp sáng tạo để biến công trình trở nên xanh hơn, giảm lượng khí thải carbon. Tháng 5/20234, Nhà hát Opera Sydney đã được Hội đồng Công trình Xanh của Úc (GBCA) trao tặng xếp hạng hiệu suất Green Star 6, cấp bậc cao nhất thế giới về hoạt động bền vững về môi trường và xã hội. Những thành tựu bền vững chính của công trình bao gồm giảm 26% lượng khí thải, chuyển sang 100% năng lượng tái tạo và chuyển hướng hơn 90% chất thải sự kiện khỏi bãi chôn lấp. Năm 2014, Sydney Opera House thay thế bóng đèn trong phòng hòa nhạc bằng đèn LED tùy chỉnh, giúp giảm 75 % mức tiêu thụ năng lượng. Năm 2016, Sydney Opera House mở rộng hoạt động tái chế giấy và nhựa sang điện thoại di động, đèn huỳnh quang, hộp mực và pin.
Sydney Opera ngoài vẻ đẹp kiến trúc cũng góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy bối cảnh văn hoá nghệ thuật Úc như một điểm biểu diễn nghệ thuật hoàn hảo, nơi tổ chức hàng nghìn buổi biểu diễn opera, nhạc đương đại, sân khấu kịch… hàng năm. Công trình này phản ánh tính linh hoạt về mặt chức năng, với nhiều không gian biểu diễn khác nhau được trang bị và tối ưu hoá về âm thanh cho những phong cách nghệ thuật cụ thể như Phòng hòa nhạc, Nhà hát Kịch, Nhà hát Joan Sutherland.
Ảnh: Sydney Opera House
Di sản Thế giới của UNESCO - Sydney Opera House giờ đây tiếp tục là nguồn cảm hứng dồi dào cho nghệ sĩ, kiến trúc sư, những nhà sáng tạo, và cả thế giới nơi tính bền vững vẫn còn là một thách thức lớn cần những ý tưởng táo bạo giúp giải đáp.
>>Xem thêm: Kiến trúc và giác quan trong đối thoại không gian