Thứ 6 đi cafe nghe nhạc Trịnh
- Cậu có thích Hà Nội không?
- Điều gì khiến cậu nhớ về Hà Nội?
- Hà Nội có điều gì đặc biệt hơn so với nơi khác chứ?
Tớ thích Hà Nội lắm, thích nhất trong những nơi tớ từng đặt chân đến trên dải đất chữ S này. Phần vì Hà Nội thân quen, phần vì thành phố ấy có nhiều điều để yêu và nhớ. Nếu cậu là kẻ “ở trọ” Hà Nội như tớ nhưng chưa đủ lâu để biết một vài ngõ ngách hay ho của nơi này thì để tớ chỉ cậu một quán cafe rất ư là Hà Nội nhé.
Tìm Hà Nội ở Cuối Ngõ
Quán cafe ấy, à mà cũng không hẳn là một quán cafe, ngôi nhà Hà Nội ấy tên là Cuối Ngõ – một ngôi nhà Hà Nội thực sự, giữa phố xá Hà Nội hôm nay.
Tớ đến Cuối Ngõ lần đầu tiên có lẽ cũng bốn năm rồi, khi ấy tớ vẫn còn trẻ, tất nhiên giờ tớ vẫn trẻ, chỉ già đời hơn. Nhưng dù sống thêm ở Hà Nội vài năm, biết thêm vài quán xá hay ho kỳ lạ, tớ vẫn thích nơi ấy, vẫn nhớ những đêm nhạc Trịnh đem lòng thoai thoải trôi về những miền tình ái diết da.
Hà Nội chẳng lẫn vào đâu
Hồi ấy, khi nghe những thanh âm hòa tấu nhạc Trịnh đầu tiên vào buổi tối mùa hè thứ sáu nọ, tớ chợt khóc. Đúng thực sự là tớ đã khóc vì trong không gian ấy, trong tiếng nhạc ấy, có điều gì đó đã chạm vào lòng. Hà Nội lạ lùng, cứ làm người ta trở nên mềm lại như thế.
Những hôm không hòa tấu như thứ sáu, nhân viên ở đây vẫn mở list nhạc Trịnh quen thuộc của nhà. Âm thanh vọng lên, rè rè, nhòe nhòe mà vang, mà tha thiết. Chao ôi đến là nặng lòng với Trịnh. Nghe Trịnh người ta như thấy mình già đi, đằm lại và tình hơn hẳn.
Nơi cũ kỹ mà tình
Một dạo, tớ gặp anh chủ Cuối Ngõ. Anh bảo, nơi ấy là nhà của anh, thực sự là ngôi nhà của những làng quê Hà Nội nơi anh đã lớn. Ở ngôi nhà ngói ấy, kỷ niệm tuổi thơ, tuổi thiếu thời của người đàn ông Hà Nội vẫn còn rõ lắm. Vậy nên, thay vì dỡ nó ra, xây thành những khu nhà trọ giống người ta vẫn làm, anh mở cafe, giữ lại không gian cho chính mình và cho những người mến Hà Nội, mến những gì xưa cũ.
Ở Cuối Ngõ, tớ thích khoảng sân lấp ló nắng, tớ thích chiếc cổng thấp tè mà có lẽ rằng chỉ trai gái Việt mới đi qua mà không bị đụng đầu, thích luôn cả mấy bức tranh cổ động theo kiểu này xưa. Cuối Ngõ treo nhiều tranh, nhiều hình, đủ để ngồi nghiên cứu từ buổi cafe này đến buổi chanh muối khác.
Nắng chiếu một góc nhà
Nói về đồ uống, phải thú thực rằng ở Cuối Ngõ toàn đồ bình dân, đơn giản, có thể tìm thấy trong bất kỳ quán cafe bình thường nào, lắm khi còn hơi ngọt quá so với khẩu vị của tớ. Nhưng nếu không quá mong đợi về một quán cafe thức uống mới mẻ và đặc sắc thì có thể đến đây ngân nga một buổi sáng cuối tuần cùng ai đó. Đông hay không đông, Cuối Ngõ đều yên ắng, dễ chịu. Quán cũ, bàn ghế, tranh ảnh cũng cũ mèm, mùa ẩm ướt còn thoang thoảng mùi tường mốc. Thế mà lại duyên, duyên lắm.
Mỗi sớm, mỗi tối, mỗi chiều, tớ đến đây đều có hoa, mùa nào hoa ấy, tươi rói như nắng của mùa hè. Có những buổi tớ nghĩ, làm sao để ngày nào cũng có hoa mới như vậy nhỉ? Sẽ có người mang hoa đến đây hay sẽ có người ra chợ lựa từng khóm, từng khóm. Chăm chút cho Hà Nội nhỏ này hẳn là cần nhiều yêu thương. Tớ không biết người Hà Nội xưa thực sự sống thế nào, cũng không rõ người Hà Nội nay còn mơ mộng trong những khoảng không gian ấy không. Nhưng cái sự lãng đãng của Hà Nội ấy không phải nơi nào cũng có và cũng chẳng nơi nào giống nổi. Hà Nội là Hà Nội, là những thân quen không thành hình thế mà người ta liền nhận ra trong thoáng chốc.
Hôm nay có hoa gì?
Quán xá nhiều, Hà Nội đông đúc hơn, nhịp sống gấp gáp hơn. Tuy vậy, người ta vẫn không quên nổi những thói quen cũ, cảm giác cũ. Bản năng con người là thế, chúng ta già đi, lớn lên, trưởng thành và gai góc cũng chỉ để đứng vững giữa dòng đời. Nhưng một lúc nào đó được rũ mình trong chốn bình yên, ta lại như chim sẻ giữa khoảng sân có nắng.
Tớ chợt lẩm nhẩm trong đầu. Thứ sáu này mình có hẹn. Ở Cuối Ngõ.