share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Thương yêu Tết ba miền


ADVERTISEMENT

Chẳng mấy mà Tết! Thế mà thật, tôi thấy cái “chẳng mấy” ấy đến nhanh lắm, chả thế mà mới quanh đi quẩn lại, việc nọ xọ việc kia một xíu thôi đã thấy Tết ở gần kề. Tôi sống ở Hà Nội, nhưng quê miền Trung, lại thêm đôi chân không chịu ở yên một chỗ, nên Tết chỗ nào cũng có có dịp hưởng chút không khí xem rằng chúng khác biệt như thế nào với nơi mình sống.

 Nhìn cành đào Nhật Tân đang đua nhau nở rộ là lòng tôi cảm thấy Tết đã về với Hà Nội đây rồi...

 ...và khi lá cây bàng chuyển dần thành màu đỏ, tức là chẳng mấy mà Tết rồi 

Không nói dài rộng, chỉ nội ngồi nói xem Bắc - Trung - Nam ăn Tết như thế nào cũng có thể kể lể cả ngày. Đành hầu chuyện các bạn bằng đôi dòng này thôi.

Tết miền Bắc

Tất nhiên, tôi muốn kể về vùng đất quê mình đầu tiên nhưng nói gì thì nói, Tết miền Bắc giống như một quy chuẩn để tiện so sánh với hai miền còn lại. Đầu tiên là ẩm thực, chắc không ai không biết đến hình ảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, những buổi đêm trông bánh, trở củi, vùi khoai… đã ăn sâu vào ký ức của đám trẻ ngày ấy. 

Bánh chưng - tượng trưng cho Đất, bên cạnh bánh giầy - tượng trưng cho Trời trong tín ngưỡng của người Việt - món ăn nhất định phải có trong mâm cỗ ngày Tết, bên cạnh thịt mỡ, dưa hành, thịt đông, canh xương hầm, và một chú gà trống thiến được luộc nguyên con ngậm bông hồng đỏ chót.

 Tết thắm màu đào của miền Bắc

Mâm ngũ quả - đúng như tên gọi sẽ có ít nhất năm loại quả, trong đó không thể thiếu Bưởi (hoặc phật thủ), chuối, cam. Gọi là “ngũ quả”, nhưng các bà các mẹ thời nay vẫn thích cho thêm vài loại quả nữa cho đẹp mắt, miễn sao số quả bày trên mâm là số lẻ. Người Bắc mà, cầu kỳ lắm, mâm quả càng lớn càng thể hiện mong muốn về một năm mới sung túc, ấm êm của gia chủ.

Các phong tục truyền thống như 23 tháng Chạp tiễn ông Táo về Trời (Chương trình Táo Quân hàng năm cũng lấy cảm hứng từ phong tục này) mà người ta nô nức mua cá chép về phóng sinh, lễ tảo mộ, bữa cơm tất niên thịnh soạn trước giờ khắc giao thừa, lên chùa hái lộc đầu xuân, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ, hay tục chọn tuổi hợp mệnh gia chủ để xông nhà ngày đầu năm, kiêng quét nhà ngày mồng Một… là những nét rất riêng thể hiện sự kỹ càng, tỉ mỉ đối với việc đón năm mới của người miền Bắc.

 Một gánh hàng rong vội vã ngày cuối năm 

Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến sắc hoa đào bừng nở mỗi độ xuân về. Dù có hàng trăm thứ hoa nhập đắt tiền, thì Tết của người Bắc cũng không thể thiếu cành đào. To cũng được, bonsai cũng được, đào rừng, đào thế, hay thậm chí một nhánh đào nhỏ cắm trong lọ trên bàn thờ tổ tiên cũng được. 

 Cận Tết, những con đường ngập sắc đào 

Ở Hà Nội, vì thế mà tôi cũng “được lợi” theo, khi mà có thể mỗi dịp cận Tết ghé vườn đào Nhật Tân để thấy sắc hồng bao trùm cả một vùng rộng lớn, cầu kỳ hơn thì sắp xếp thời gian lên những vùng núi phía Bắc để tận hưởng tiết xuân của núi rừng, đào mận ngập lối trước khi trở về quê sum vầy với Mẹ Cha.

 Sắc mận của Tết vùng cao 

Tết miền Trung

Là nơi giao thoa giữa hai miền, nên ta có thể bắt gặp rất nhiều các phong tục giống của miền Nam, miền Bắc tại các tỉnh miền Trung. Nếu để ý ta sẽ thấy rằng chỉ cách nhau một con đèo Hải Vân, nhưng giọng nói, nếp sống của hai khu vực cùng dải đất miền Trung rất khác nhau. 

 Tết miền Trung cũng có những con đường hoa 

Bởi thế, trừ việc “chung nhau" món bánh tét, Tết Bắc Trung Bộ sẽ gần giống với miền Bắc, cũng cành đào, cây quất, cũng các nghi lễ xông đất, cúng giao thừa, tảo mộ,… Riêng mâm cơm cúng sẽ rất cầu kỳ, cẩn thận, và nhất định mồng một sẽ cúng chay. Không thể không nhắc đến món bò rim, món mà dù đã nhiều lần cố gắng làm thử nhưng không thể ngon bằng người miền Trung tự tay làm. Đĩa bò màu trầm, khi ăn thái lát mỏng, cay thơm, ăn cùng cơm, bánh tét hay ăn vã đều ngon.

 Nam Trung Bộ cũng sẽ trưng mai vàng như Tết miền Nam 

Còn Nam Trung Bộ sẽ trưng mai vàng, bữa cơm ngoài dưa món, nem chua, tré,… sẽ có thêm các món cá đặc trưng vùng biển. Bị ảnh hưởng bởi miền Nam nên Nam Trung Bộ cũng không cầu kỳ về cỗ Tết hay ngũ quả, đặc biệt miền biển hiền lành, chân phương lại càng không câu nệ. Tôi vẫn nhớ căn nhà cũ của họ hàng một người bạn, trước nhà chỉ có độc chậu cúc vàng, nhưng trong nhà ngập tràn tiếng cười nói, hỏi han của gia đình với một vị khách phương xa đến đây khi vẫn còn chút “mồng” của Tết. Giản dị, hiền hậu mà thân thương vô cùng.

 Đơn giản một chậu cúc vàng, thế cũng thành Tết

 Vẫn là lễ tảo mộ để tưởng nhớ về tổ tiên, những người đã khuất 

Nhiều khi cũng ước ngoài bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… Tết của miền ngoài sẽ thay đổi, sẽ tối giản để cái Tết bớt cầu kỳ, bớt tốn kém. Nhưng nói vui là vậy, biết đâu thiếu đi việc cặm cụi chuẩn bị cho Tết lại bớt đi một niềm vui nho nhỏ của Mẹ, của Cha, của đám trẻ nhỏ tíu tít bên quần áo mới thì sao?

Tết sắp về thật rồi, năm nào cũng tự hỏi 365 ngày qua mình đã làm được gì chưa, kế hoạch năm tới của mình thế nào, năm sau sẽ khác ra sao, duy có một điều, chẳng bao giờ quên đặt vé xe về quê, về với đống việc nhà đang chờ, về với câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?” quen thuộc, với ly rượu chúc nhau đêm giao thừa của gia đình. Tôi nghĩ, điều này thì miền nào cũng giống nhau cả, phải không?

Tết miền Nam

Đáng tiếc là tôi chưa được hưởng nhiều không khí Tết của miền Nam, ngoại trừ các con đường hoa nhộn nhịp những bóng áo dài tạo nên một bức tranh nhộn nhịp đúng chất Sài Gòn. Thế nhưng, cũng đủ để tôi thấy sắc mai vàng đặc trưng trong bộ tứ “Mai - Lan - Cúc - Trúc”, với năm cánh tượng trưng cho “Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh” và cũng là biểu tượng của trường thọ khoe sắc ở miền Nam quanh năm nắng nóng.

 Tết của miền Nam - những con đường hoa nhộn nhịp 

Mâm ngũ quả của miền Nam lại khiến tôi bật cười khi nhớ lại, bởi tôi đã vô cùng khó hiểu khi thấy bốn loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài cùng xuất hiện với cặp dưa hấu trên bàn thờ ngày Tết của người miền Nam. Hỏi ra mới biết, đọc chệch đi thì bốn loại quả mang ý nghĩa “cầu vừa đủ xài”, thể hiện tâm ý của người miền Nam rất rõ, không cầu cao sang thịnh vượng, miễn sao “đủ” là hạnh phúc rồi.

 Tết là dịp để nghỉ ngơi, để nhìn lại một năm cũ đã qua 

Cỗ miền Nam cũng có phần đơn giản hơn chỉ với ba món cơ bản: bánh tét, bánh tráng và thịt kho tàu. Tương tự như bánh chưng, bánh tét là món bánh đại diện cho ẩm thực Tết miền Nam tượng trưng cho sự no ấm, đặc biệt là bánh tét lá cẩm tím rất bắt mắt trong mâm cỗ. Món này tôi đã ăn không ít lần, rất thơm ngon, và phải thừa nhận món này chẳng tìm đâu khác ngoài miền Nam dịp Tết.

Đơn giản, nên có lẽ vì thế người miền Nam có thể đổi món các ngày sau khá dễ, thịt gà, thịt bò, nem gỏi cuốn, hay như người Nam Bộ có món cháo cá ám và cá lóc nướng cũng ăn vào dịp Tết. Ngay cả phong tục của người Nam cũng không rườm rà, bên cạnh những nghi lễ truyền thống thì không kiêng kị quá nhiều, họ dành trọn niềm vui, lời hay ý đẹp cho nhau trong mấy ngày Tết.

 Và Tết cũng là hạnh phúc, đoàn viên đón một năm mới an khang 

Một điều tôi thấy khá thú vị là dường như người miền Nam không quá quan trọng việc phải ở nhà trọn dịp Tết, rất nhiều người hoàn tất các nghi thức sớm để cùng gia đình đi du lịch. Có lẽ với họ, không quan trọng là ở đâu mà là đi cùng ai, và ngày Tết là ngày để thực sự nghỉ ngơi chứ không có một quy tắc nào bắt buộc phải làm thế này thế kia. Thói quen này đến bây giờ vẫn gây ra khá nhiều tranh cãi, nhưng dù sao hãy để ngày Tết có được ý nghĩa như nó vẫn từng, đó là hạnh phúc, đoàn viên đón một năm mới an khang.

 

 


ADVERTISEMENT