share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Xuyên các tầng rừng tới nóc Bạch Mộc


ADVERTISEMENT

Kỳ Quan San 3046m hay Bạch Mộc, là đỉnh núi cao nhất của cả dãy Kỳ Quan San, giáp ranh giữa Phong Thổ, Lai Châu và Bát Xát, Lào Cai. Thế đủ để hiểu chạm tới nóc Bạch Mộc là cả hành trình xuyên qua các ngọn núi khác nhau của dãy Kỳ Quan San. Một lần để thấy mà một lần cũng để thấu, với những kẻ vì yêu thiên nhiên tươi đẹp của dải đất miền nhiệt đới mà dám leo một lần cũng thấy đáng đời.

Sớm thức dậy trên đỉnh núi Muối, trạm dừng chân trước khi leo tới nóc Bạch Mộc

Cung đường lên Bạch Mộc không men suối mà trùng điệp qua các rặng núi. Đi hướng lên bò giữa sống khủng long mà dốc xuống thì xuyên các tầng rừng. Mỗi độ cao đặc trưng một kiểu rừng cây khác nhau. Cái thú là ở đó. Qua được con dốc mà độ cao và độ dốc cứ tăng dần đều, tai này nghe tim đập bình bịch, tai kia hứng những tiếng thở hắt ra. Khi ngước được mắt lên thì hơi thở cũng lặng tắt giữa bốn bề rừng núi. Mắt còn chưa kịp trong lại nên cũng chẳng đếm nổi lớp nào là mây, lớp nào núi ẩn mây. Khi này thì chân không bảo tim cũng muốn dừng. Đứng khựng lại mà thưởng lãm, mà ghi dấu cho bằng hết thiên nhiên mây trời.

Khi ngước được mắt lên thì hơi thở cũng lặng tắt giữa bốn bề rừng núi

Cứ thế mải miết những quãng dài đi giữa sống núi

Cứ vậy, tới nhịp xuống lại luồn qua tán rừng mà đi. Len lỏi giữa cội rừng già. Rễ cây đan thành lối cho bước chân được êm. Lúc như giữa đỉnh trời đến là chênh vênh, thấy mình nhỏ bé tí ti. Khi xuống bỗng thật gần, như chạm được rồi, những cội cây trăm tuổi thân rêu phủ thành tầng thành lớp. Người trẻ lặng lẽ cúi đầu thầm tri ân, rừng thiêng vẫn còn đây.

Tầng thấp nhất là trúc mà tầng cùng trên đỉnh cao vẫn là trúc. Sau quãng dốc đầu tiên là vào tới rừng trúc ở tầng thấp, thân trúc to bằng cổ tay, có khi bằng bắp tay vươn thẳng vút lên tới trời. Bạt cả một sườn núi là trúc, hàng ngàn, hàng vạn thân trúc song song dệt nên thứ màu xanh mãnh liệt đậm hồn Việt. Sức sống của loài cây tinh thần dân tộc này còn lên tới đỉnh cao, kết thành cả lớp thảm dày kịt. Bởi lên cao, thân trúc bé như ống sậy, cuộn mình lại cứ thế dập dờn giữa mây trời.

Porter bảo: “Xuyên qua cụm rừng già này thì mới được ăn cơm tối”

Qua tiếp nữa là gặp rừng dẻ, trước khi băng sườn qua bên kia là núi Muối để nghỉ đêm tại lán. Độ 4h chiều, mây kéo về khiến khu rừng già càng trở nên liêu trai. Thân dẻ trăm tuổi lừng lững từng khối, chưa kịp ngước mắt bóng tối đã đâm sầm trước mặt.

Tới được lán ở núi Muối, 9km nửa ngày đầu tiên đã thấy thỏa mãn lắm rồi. Toàn thân rã rời thả rơi tới bịch xuống nệm cỏ, tay chân đu lên với với mà bắt sao trời. Có lì lợm thì săn mây ở đỉnh núi Muối là quá đủ, mây bồng bốn phía, mây luồn qua các khe núi, đổ vào thung lũng cho tới khi hừng đông bừng lên thì như tràn tới từng cọng cỏ nhành hoa.

Hừng đông trên đỉnh núi Muối

Hồ trên núi Muối

Đón bình minh dưới chân mây nên cũng chẳng kịp lên tới đỉnh Bạch Mộc khi còn sương sớm. Anh em thong thả chuẩn bị hành trang lên đỉnh và 16km cả đi lẫn về ở ngày thứ 2 này. Bởi lên đây khá cao rồi nên tầng rừng lúc này đặc thù là những thân cây mảnh hoặc cội già, nhưng tán thấp. Rừng màng tang tiềm tàng cả nguồn sống bất diệt, chờ xuân sang mà tung chồi. Rừng chè san tuyết vẫn đứng bóng như vậy hàng trăm năm, khó mà đo đếm được cái cựa mình của chồi non. Và tới lớp gần đỉnh là rừng đỗ quyên, búp hoa đang rần rần động cựa, độ tháng 3 thôi là đỏ rực một miền trời.

Rừng màng tang tiềm tàng cả nguồn sống bất diệt, chờ xuân sang mà tung chồi

Càng lên cao càng thỏa cái chân đi, mãn nhãn mắt nhìn. Hằng 2 - 3 cây số chạy dọc sống khủng long, từ đỉnh nọ hú nhau sang đỉnh kia, cứ vậy trải dài bốn bề mây núi.  Dẫu có lúc để băng qua vách đá thì chân trượt dọc thẳng đứng cũng không vừa một bước nhảy, khi ấy thì lại nhờ tới sức đẩy của anh em mà tiến thôi. Tim đập chân run nhưng rồi một tràng cười xòa là tiêu tan hết cả, đủ năng lượng để bò tiếp sang đỉnh bên kia. Mà thực khi ấy chỉ muốn hát “núi cao chi lắm núi ơi”, mải miết vẫn chưa tới đỉnh của đỉnh. Lắm khi hổn hển còn chưa kịp kéo nhịp thở lên, nhìn sang bên kia em cún đang lè lưỡi mà thấy đồng cảnh ngộ. Em ấy theo anh porter dẫn đoàn lên tới đỉnh, thi thoảng vui chân chạy trước xong ngoái đầu dừng lại nhìn anh em ra bộ chờ đợi, thế lại được thưởng vài cây xúc xích.

Ra chào em cún, hai đứa đã tới đỉnh Kỳ Quan San

Khi xuống gặp phong như thấy nở hoa

Ô thôi, sà vào vườn hồng chắc quên lối về

Kể cả là kẻ lần đầu được leo núi còn đầy mộng mơ, hay người mê núi mê rừng, cứ đến mùa lại về thì Bạch Mộc vẫn là đẹp nhất mà khó thì cũng số 1. Núi cao rừng sâu quả là thế. Nhưng giữa chốn phiêu bồng được một phen đứng giữa đỉnh cao mà thưởng lãm núi non trùng điệp thì cũng đáng lắm chứ!


ADVERTISEMENT