Tiềm năng tăng trưởng ấn tượng của khách sạn wellness
Khách sạn và khu nghỉ dưỡng có yếu tố “wellness" chứng kiến doanh thu vượt trội trong năm 2023, và sẽ tiếp tục là điểm đến được lựa chọn trong tương lai.
Không gian ngoài trời là nơi lý tưởng để thư giãn và tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên.
Từ khóa hot nhất và kéo dài nhất kể từ thời điểm đại dịch - wellness đã len lỏi vào phân khúc khách sạn, khu nghỉ dưỡng đầy tiềm năng và ngay lập tức thu về những tín hiệu đáng mừng về doanh thu. Số lượng các khách sạn hay khu nghỉ dưỡng hướng đến chăm sóc sức khỏe khách lưu trú ngày càng tăng mạnh, khẳng định nhu cầu lớn từ thị trường nói chung và từ bản thân khách du lịch nói riêng.
Trải nghiệm không gian nghỉ dưỡng giữa lòng thiên nhiên tuyệt đẹp.
Mới đây, RLA Global vừa công bố báo cáo Wellness Real Estate Report, với những chỉ dấu đầy ấn tượng của phân khúc khách sạn, khu nghỉ dưỡng hướng đến thân-tâm-trí. Theo đó, trong năm 2023, thị trường khách sạn wellness có giá trị 13.300 triệu USD và được dự đoán sẽ chạm mốc 23.140 triệu USD trong năm 2030 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 8,3%.
Báo cáo về thị trường chăm sóc sức khỏe cung cấp những phân tích mang tính toàn diện về thị trường, dựa trên dữ liệu thu thập về quy mô và tiềm năng phát triển từ nhiều thị trường khác nhau như Mỹ, châu Âu, Đông Á, Đông Nam Á, châu Mỹ La Tinh hay Trung Đông và châu Phi. Trong đó, châu Âu là thị trường lớn nhất với 25% đóng góp doanh thu. Về mặt sản phẩm, các dịch vụ wellness cung cấp trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng hay khách sạn chiếm hơn 50% thị phần.
Các thương hiệu dẫn đầu thị trường khách sạn chăm sóc sức khỏe toàn cầu, không khó hiểu, là những “ông lớn" của ngành dịch vụ khách sạn. Chỉ riêng Marriott International, Hilton và Hyatt đã chiếm giữ 55% thị phần, 45% còn lại đến từ những cái tên như Shangri-La Hotels and Resorts, Four Seasons, Healing Hotels of the World (HHOW), IHG, New Beacon International Hotel, v.v.
Marriott International - Đẳng cấp dịch vụ nghỉ dưỡng hàng đầu.
Khách sạn chăm sóc sức khỏe mang đến cho khách hàng những trải nghiệm toàn diện: cơ thể, tâm trí và tinh thần. Ngoài cơ sở lưu trú, các hoạt động, dịch vụ ăn uống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các cơ sở vật chất cũng là những yếu tố chính các thương hiệu khách sạn hướng đến. Tuy nhiên, cũng có những điểm trọng tâm nổi bật và chiến lược để các thương hiệu này định vị tên tuổi trong thị trường đang ngày càng nở rộ: có thương hiệu tập trung vào những trải nghiệm hướng đến nuôi dưỡng tâm trí khách hàng, nhưng cũng có nơi mang trải nghiệm tích hợp các dịch vụ ăn uống, mát-xa và, lớp học yoga, vv.
Các hoạt động thư giãn, thanh lọc cơ thể cũng nhận nhiều sự quan tâm.
Xu hướng mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay xây dựng các cơ sở lưu trú hướng đến đối tượng khách cụ thể có nhu cầu cân bằng thân-tâm-trí cũng đang thịnh hành ở thị trường Việt Nam. Những khu nghỉ dưỡng này thường được xây dựng ở khu vực biệt lập, gắn với thiên nhiên nhằm mang đến không gian yên tĩnh và những dịch vụ trọn gói cho khách hàng. Những thương hiệu như Four Seasons Resort Nam Hai, Regent Phu Quoc, TIA Wellness Resort, Six Senses Con Dao, Amanoi hay Alba Wellness Valley đều cung cấp những trải nghiệm chăm sóc sức khoẻ như dịch vụ spa, lớp học yoga có giáo viên hướng dẫn, phòng trị liệu hay các workshop hướng dẫn thiền, vv.
Khu nghỉ dưỡng Four Seasons Resort Nam Hai sang trọng với thiết kế tinh tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đẳng cấp, mang đến trải nghiệm thư giãn tuyệt vời.
Alba Wellness Resort cũng là điểm đến hàng đầu cho hành trình thanh lọc cơ thể toàn diện.
Với cung và cầu tương đồng, các khu nghỉ dưỡng và khách sạn chăm sóc sức khoẻ được dự đoán sẽ tiếp tục mang về khoản doanh thu khổng lồ trong tương lai.