share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Về Bạc Liêu thăm nhà Công tử Ba Huy và “checkin” cánh đồng điện gió


ADVERTISEMENT

Từ điểm cuối đất nước, nơi Mũi Cà Mau, xe chúng tôi bắt đầu hành trình ngược trở về TP. Hồ Chí Minh. Thấy thời gian cũng còn kha khá, chúng tôi liền rủ nhau ghé thăm “xứ cơ cầu” Bạc Liêu. Bạc Liêu vốn có lịch sử lâu đời, nổi tiếng là vùng đất trù phú, sầm uất, phát triển sớm nhất vùng Đồng Bằng sông Cửu Long. Cho tới bây giờ, Bạc Liêu vẫn giữ được độ “nổi tiếng” của mình trên diễn đàn du lịch với nhiều điểm tham quan thú vị. Vì là điểm đến không có trong lịch trình trước đó, nên chúng tôi chỉ có thể chọn tham quan hai điểm đặc sắc “xưa và nay” ở quê hương của bài Dạ cổ hoài lang. Đó là thăm nhà công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy để “ôn lại giấc ngủ vàng son” và check-in cánh đồng điện gió, nơi các bạn trẻ ai cũng muốn một lần ghé qua.

Tham quan nhà công tử Bạc Liêu

Nhà công tử Bạc Liêu là địa điểm nổi tiếng không chỉ ở Bạc Liêu mà còn cả miền Tây Nam bộ nói chung. Nếu để so sánh với những ngôi biệt thự thời nay thì chẳng có gì để nói, nhưng những năm 1917 thì đây quả là một biệt phủ hoành tráng thể hiện mức độ giàu có, sang trọng bậc nhất lục tỉnh Nam kỳ thời bấy giờ.

Hình 1: Ngôi nhà nổi tiếng của công tử Bạc Liêu

Ngôi nhà tọa lạc ở đường Điện Biên Phủ, với ba cổng vào. Cổng chính hướng ra phía bờ sông mát mẻ. Phía sau ngôi nhà hiện tại là khu nhà hàng, quán cà phê phục vụ khách tham quan. Nhà bếp là gian nhà kế bên căn nhà chính được sử dụng làm nơi bán vé tham quan. Tôi chỉ đi dạo qua không gian bên ngoài, vì mục đích chính là muốn được ngắm nghía ngôi nhà chính của công tử Ba Huy.

Hình 2: Khuôn viên phía cổng sau của ngôi nhà

Có tuổi đời hơn 100 năm, nhưng ngôi nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Kiến trúc của ngôi nhà theo kiểu Pháp và do kỹ sư người Pháp thiết kế. Các vật liệu xây dựng cũng hầu hết được mang về từ Paris. Ngay cả những nét vẽ hoa văn trang trí nhà cũng do họa sĩ người Pháp vẽ, và những nét vẽ này cũng vẫn còn khá nguyên vẹn.

Hình 3: Ngôi nhà xây theo kiến trúc của Pháp, được bảo tồn nguyên vẹn

Ngôi nhà có hai tầng và một sân thượng. Cầu thang lên tầng hai được làm bằng đá cẩm thạch, chia làm 3 đoạn, mỗi đoạn 9 bậc tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Cầu thang gỗ dẫn lên sân thượng trước đây là nơi ông hội đồng Trạch, cha của công tử Bạc Liêu dùng để phơi tiền. Hiện nay, cầu thang gỗ dẫn lối lên sân thượng đã được đóng kín. Mọi đồ đạc trong nhà, từ cái tivi, bộ ấm chén, đĩa hát, cho tới chiếc xe hơi, những chiếc sập, giường gắn liền với cuộc đời công tử Bạc Liêu đều được giữ nguyên vẹn thể hiện được độ giàu sang của người chủ nổi tiếng “đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”.

Hình 4: Các đồ vật trong nhà đều quý hiếm, được chạm trổ tinh xảo thể hiện mức độ giàu sang của gia chủ

Đặc biệt, đồ vật nổi tiếng nhất trong ngôi nhà chính là là hai chiếc giường ở trong hai phòng ngủ. Một chiếc giường có tên là giường lạnh, trời nắng nóng nằm sẽ rất mát mẻ. Chiếc giường được thiết kế từ gỗ sưa và đính cẩm thạch quý hiếm. Hơi lạnh từ cẩm thạch tỏa ra mát và dễ chịu vào mùa hè. Còn chiếc giường nóng được làm hoàn toàn từ gỗ sưa, khi nằm lại ấm áp nên được dùng vào mùa đông. Cả hai chiếc giường đều được chạm trổ, điêu khắc tinh tế, trở thành một tác phẩm nghệ thuật vô giá.

Hình 5: Chiếc giường lạnh nổi tiếng trong nhà công tử Bạc Liêu

Checkin nơi của những chiếc “cối xay gió” khổng lồ

Sau khi tham quan nhà công tử Bạc Liêu, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình về Vĩnh Trạch Đông để tham quan cánh đồng điện gió duy nhất trên biển ở Việt Nam. Tôi vẫn chưa thoát khỏi hình ảnh những món đồ tinh xảo trong nhà công tử Bạc Liêu, nên ngồi trên xe mà vẫn lấy máy ảnh ra coi lại cho đến khi bóng dáng của những chiếc “cối xay gió” dần hiện ra.

Hình 6: Cánh đồng điện gió trên biển ở Bạc Liêu

Tôi chẳng còn trẻ trung như các nam thanh nữ tú đến đây để chụp ảnh đăng Facebook check-in. Nhưng đã đến Bạc Liêu thì cũng muốn một lần tham quan công trình tạo điện bằng năng lượng thiên nhiên trên biển ở nước ta để thấy được công sức và sự đầu tư của nước nhà. Gần trưa, nắng khá gắt, nhưng bù lại trời rất trong xanh, ngắm ở ngoài đã đẹp chứ chưa nói đến chụp hình.

Hình 7: Những cây “chong chóng” khổng lồ nổi bật giữa trời biển

Tôi tranh thủ bấm máy lưu giữ lại những hình ảnh của ngày hôm ấy và cũng nhờ cậu bạn đi cùng bấm cho vài kiểu với background là trời xanh, mây trắng và những tuabin điện gió màu trắng khổng lồ nổi bật giữa trời biển. Cho đến khi về nhà xem lại, thấy mình cũng chụp hình ảo ảo, cũng vẫn trẻ trung chứ chẳng thua kém các bạn gái nào!

Hình: Đã đến cánh đồng điện gió, cũng nên chụp vài tấm ảnh để lưu giữ kỷ niệm

Vậy là chuyến đi ấy cũng có kỷ niệm với Bạc Liêu để lưu giữ lại. Một ngày trôi đi nhanh lắm. Thôi thì hẹn nhau lần gần nhất, sẽ ở lâu hơn, khám phá nhiều hơn nhé, Bạc Liêu!


ADVERTISEMENT