Inspiration Journey Bạch Mã “không thực”
Ngồi bên ô cửa sổ ở Sài Gòn những ngày mưa, tâm trí tôi không khỏi bị kéo về những ngày tháng 5 rong chơi trên dải đất miền Trung. Tôi có chuyến đi Huế kéo dài một tháng, nhưng quá bận rộn với công việc mà phần lớn thời gian chỉ lê la khắp các quán cà phê. Những ngày cuối cùng, tôi quyết tâm phải đi khám phá, tiếng nói bên trong gào thét rằng tôi cần ra thiên nhiên để… tỉnh người.
Hai ngày sau, tôi khăn gói đồ đạc lên đường đi thẳng từ Huế đến Vườn quốc gia Bạch Mã, quãng đường dài 40 cây số. Dọc đường đi, tôi ghé vào cửa tiệm ngang đường mua thức ăn và nước uống cần thiết, sẵn sàng cho một ngày “mất sóng”. Vì quyết định đi gấp gáp, chưa kịp tìm hiểu gì về nơi này, tôi đánh liều cứ tới nơi rồi tham khảo thông tin từ cán bộ bán vé. Càng đi nhiều, tôi càng thấy đôi khi những chuyến đi không lịch trình lại mang đến những trải nghiệm bất ngờ và thú vị, cho phép bản thân được chầm chậm trôi theo dòng chảy mà tận hưởng hành trình.
Bạch Mã như cuốn sách chờ được mở ra
Một ngày trekking ở Bạch Mã như đọc cuốn sách có ba chương: Hải Vọng Đài, Ngũ Hồ và thác Đỗ Quyên. Đoạn đường trekking tương đối dễ chịu, chỉ dài khoảng 7-8km. Thế nhưng, từng phần của hành trình mang một sắc thái riêng. Và từ đó, tôi cũng có những rung cảm rất riêng cho mỗi chặng đường.
Sau khi xe trung chuyển đưa chúng tôi lên đến đỉnh Bạch Mã ở độ cao khoảng 1.450m, điểm dừng chân đầu tiên là Hải Vọng Đài. Trên con đường mòn dẫn lên tháp canh, chúng tôi đi qua một địa đạo còn sót lại từ thời kháng chiến. Địa đạo dài khoảng 200m, bên trong ẩm thấp, tối tăm. Chạm vào bức tường đất lạnh, tưởng tượng đến những người lính năm xưa từng nấp mình trong lớp đất đá này, tôi bất giác lặng đi vài giây, trong lòng dấy lên cảm giác vừa biết ơn, vừa khâm phục.
Lối vào địa đạo
Ra khỏi địa đạo, đi bộ tiếp một đoạn theo đường mòn sẽ thấy một tháp canh hiện ra giữa trời mây. Đúng như tên gọi Hải Vọng Đài - nơi ngắm biển từ trên cao, từ đây, có thể phóng tầm mắt thấy cảnh đèo Hải Vân, đầm Cầu Hai, cửa Từ Hiền… và Lăng Cô phía xa nếu trời trong. Điều thú vị là, mặc cho suốt đoạn đường đi có nắng nóng bao nhiêu, khi chúng tôi đặt chân vào trong Hải Vọng Đài cũng đều tan biến hết. Cảm giác đứng giữa đất trời, mây trôi ngang tầm mắt khiến tôi thấy mình như đang ở một nơi nào đó không thực. Không phải Huế nữa. Không phải vùng duyên hải miền Trung. Mà là một vùng biên giữa đất và trời.
Tạm biệt Hải Vọng Đài, hành trình thực sự bắt đầu khi chúng tôi quay lại đi bộ vào cung đường Ngũ Hồ, rừng nguyên sinh với hệ sinh thái phong phú bậc nhất của dãy Bạch Mã.
Điều đầu tiên tôi cảm nhận được là mùi của rừng. Thứ mùi ngai ngái, ẩm ướt nhưng dễ chịu đến lạ, là hỗn hợp của đất, lá mục, hoa cỏ, nhựa cây phả ra. Xung quanh là các loài thực vật, dương xỉ, địa lan, dây leo, và cả những thân cây mọc rêu phủ kín từ gốc lên ngọn.
Tiếng nước bắt đầu vang lên, đó là lúc tôi biết mình đã đến hồ đầu tiên của Ngũ Hồ – hệ thống năm hồ nhỏ liên kết với nhau bằng các dòng suối, nằm rải rác giữa khu rừng. Chúng tôi men theo lối đi phủ đầy lá khô, băng qua hai hồ đầu tiên và đến hồ thứ ba để dừng chân ăn trưa. Lúc này, mỗi người có một không gian riêng để thoả thích đắm chìm vào thiên nhiên.
Tôi chọn cho mình một góc, hướng mặt ra hồ, nhắm mắt, tĩnh tâm, tập trung vào hơi thở. Lát sau, cầm miếng bánh mì và chai nước mang theo, tôi thấy hạnh phúc đến lạ. Chỉ đơn giản là vì được ngồi giữa rừng, ăn một bữa trưa giản dị, lắng nghe tiếng nước, và không cần phải hối hả vì công việc.
Lắng nghe thiên nhiên
Sau khi nghỉ ngơi ở Ngũ Hồ, chúng tôi tiếp tục đi thêm khoảng 2km nữa để đến với điểm cuối cùng, thác Đỗ Quyên. Thác có độ cao gần 400m, để xuống chân thác, phải đi bộ gần 700 bậc đá, đây là đoạn yêu cầu thể lực nhất. Tuy nhiên, ngày hôm ấy trời mưa, đường ẩm dễ trơn trượt nên chúng tôi được khuyến cáo chỉ nên dừng ở ngọn thác thay vì đi xuống.
Dù vậy, khung cảnh ở đỉnh thác vẫn khiến tôi thấy xao xuyến. Lúc ấy, trời mưa phùn, một lớp sương mỏng bao phủ lấy cây cối, lấy dòng suối, lấy cây cầu gỗ đỏ bắc ngang. Tôi ngỡ như mình đang lạc vào một cuộc phiêu lưu trong cuốn truyện cổ tích nào đó đã được đọc từ ngày bé thơ.
Cả nhóm mỗi người đứng cách nhau vài bước, chầm chậm thưởng thức bức tranh tuyệt đẹp đang có mình ở trong. Có người nhắm mắt, có người quay video, có người ngồi xuống tảng đá ven đường, ngửa mặt lên trời, lắng tai nghe âm thanh của núi rừng.
Tôi đứng yên, máy ảnh vẫn trên tay, chụp lại vài tấm hình, rồi dừng bấm máy. Vì có những khoảnh khắc mà hình ảnh không thể tái hiện được trọn vẹn, chỉ có thể dùng các giác quan, cảm xúc của mình mà lưu lại.
“Đóng lại cuốn sách” về Bạch Mã, nếu chương đầu là cảm giác bay bổng, chương thứ hai là khoảng trời tĩnh tâm thì chương cuối lại gợi lên sự hùng vĩ, không thực, nhưng lại rất thực.
Một số gợi ý khi trekking Bạch Mã
Nếu bạn là người thích tự do, đã từng trekking hoặc đi rừng, và muốn chủ động lịch trình, đi tự túc sẽ hợp hơn. Tuy nhiên, bạn cần lên kế hoạch kỹ, từ việc thuê xe, đăng ký vào vườn, chuẩn bị bữa trưa, nước uống, đến mang theo đầy đủ các vật dụng cần thiết. Đồng thời, nhớ rằng bạn sẽ không có người hướng dẫn, nên cần đọc kỹ bản đồ tuyến đường hoặc lưu GPS trước khi đi. Đừng quên liên hệ trước với ban quản lý Vườn quốc gia Bạch Mã để hỏi về tình trạng đường đi, thời tiết và đặt xe lên đỉnh núi.
Nếu bạn không muốn lo nhiều về logistics, hoặc đi nhóm nhỏ ít người, thì đi tour ghép 1 ngày là lựa chọn đáng cân nhắc. Các tour phổ biến khởi hành từ Huế, Đà Nẵng hoặc Hội An, thường bao gồm: Xe đưa đón, vé vào cổng, hướng dẫn viên, ăn trưa. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký tour ghép ngay tại địa điểm mua vé ở Vườn.
Mỗi mùa, Bạch Mã có một vẻ đẹp riêng, nhưng thời gian lý tưởng nhất để trekking Bạch Mã là từ tháng 2 đến tháng 8. Lúc này thời tiết khô ráo, trời trong, ít mưa nên đường đi an toàn và dễ quan sát cảnh quan.
Cần chuẩn bị quần dài, áo tay dài thấm mồ hôi, áo khoác mỏng (vì trên núi có thể lạnh), nón, giày thể thao hoặc giày leo núi có độ bám tốt, thức ăn, nước uống, thuốc chống côn trùng.
Xem thêm: >> Trekking Hàm Lợn - nơi từng được mệnh danh là "nóc nhà thủ đô" >> Istanbul: Trải nghiệm một ngày sống ở cả châu Âu lẫn châu Á