Inspiration Journey Hà Giang những ngày 4 mùa
Hà Giang luôn là điểm đến trong danh sách những nơi tôi muốn ghé thăm ít nhất một lần trong đời, nhưng thời gian gần đây tôi mới có dịp đặt chân đến. Sau chuyến đi, người bạn hướng dẫn viên của tôi bảo rằng: “Không ai đến Hà Giang một lần cả”.
Trước chuyến đi, tôi lên mạng tìm hiểu về khí hậu ở Hà Giang tháng 6. Kết quả trả về là hàng loạt các từ khóa “mưa đầu mùa”, “mùa nước đổ”... khiến tôi có phần chùn bước vì dạng thời tiết này khó mà tận hưởng hết được cái đẹp của Hà Giang mà tôi thường thấy trên các trang mạng xã hội. Nhưng rồi, tôi bắt gặp cụm từ “mùa xanh” trong một bài viết review và nó trở thành động lực khiến tôi không ngần ngại, xách ba lô lên và đi.
Vậy “mùa xanh” ở Hà Giang có gì?
Là các thảm thực vật trải dài từ triền núi này sang triền núi khác, là cánh đồng ngô bất tận trên cao nguyên đá Đồng Văn, là màu xanh ngọc bích của lòng sông Nho Quế đầu tháng 6. Tất cả gói gọn trong chuyến đi của tôi dưới thời tiết bốn mùa trong ngày. Trái tim tôi không ngừng thổn thức trước vẻ đẹp mà mẹ thiên nhiên đã ưu ái dành tặng cho mảnh đất này.
Hà Giang tựa như một cô gái kiều diễm không dễ chinh phục. Bản thân tôi cũng muốn cảm nhận Hà Giang ở một góc nhìn khác. Tôi dành thời gian tìm hiểu nhiều tour trải nghiệm mang tính chuyên sâu, dành cho những ai yêu khám phá pha chút mạo hiểm, để quan sát “cô gái” ấy rõ hơn. Và tôi tìm được một đơn vị chuyên cung cấp các trải nghiệm độc đáo, đáp ứng những tiêu chí tôi cần cho chuyến hành trình đến Hà Giang.
Kỳ vọng là thế nhưng khi tới ngày khởi hành, trời bắt đầu mưa từ sáng sớm. Đoàn chúng tôi đành di chuyển tới các địa điểm phù hợp hơn để tránh rủi ro không đáng có. Bạn đồng hành cùng tôi trong chuyến đi này là Tùng, người gốc Hà Giang và là tay lái siêu vững chắc trong 3 ngày 2 đêm của tôi tại nơi đây. Cậu bạn đưa tôi qua những cung đường chạy xuyên đồng lúa, qua thành phố rồi lên các ngọn đèo mây phủ trắng xóa. Cả hành trình, đôi khi tôi cảm tưởng mình như đang trải qua tiết trời đông giữa mùa hè tháng 6.
Khó mà không trầm trồ trước vẻ đẹp hoang dã của những nơi mà Tùng đưa tôi đi qua, nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là sự khô cằn mà các cao nguyên đá mang lại. Chưa bao giờ tôi thấy cánh đồng ngô trải dài bất tận đến vậy, nơi nào có đất nơi đó có ngô bà con vun trồng. Và cũng không khỏi thắc mắc vì sao trong vài mảnh đất nhỏ len lỏi trong hốc đá vẫn có một vài cây ngô lấp ló vươn mình? Tùng bảo rằng nơi này địa hình chủ yếu là đá nên đất trồng trọt rất hiếm, bà con tận dụng từng khoanh đất nhỏ để trồng cây. Trồng nhiều là vậy nhưng không phải cây nào cũng có trái, nhưng nếu không trồng thì chắc chắn mùa đó thất thu.
Tôi liền hỏi, không còn loại cây nào khác có kinh tế tốt hơn hay dễ trồng hơn sao? Tùng cười và đáp, ở đây nước cho người dân sinh hoạt còn hiếm, nói gì tới cây, chỉ có ngô là loại bền bỉ, chịu hạn tốt nên người dân mới canh tác nhiều như vậy. Nghe xong, tôi đưa mắt nhìn những con người nhỏ bé bên triền núi đang lom khom rẫy cỏ, bón phân cho từng gốc ngô mà lòng không tránh khỏi bồi hồi. Thiên nhiên nơi đây hùng vĩ, nhưng cũng khắc nghiệt vô cùng.
Theo dự tính, tôi sẽ được tham quan thác Khau Làn và hang Túng Sán nhưng vì mưa mà Tùng chủ động đổi lịch trình. Chúng tôi di chuyển tới các điểm đến quen thuộc như cây cô đơn, dốc Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh và check-in ở một địa điểm nhìn vào khu làng thuộc xã Phố Cáo đầy thơ mộng.
Trời bắt đầu rảo nắng, sau bữa trưa chắc bụng, chúng tôi lên đường để đến với hoang mạc đá Sảng Tủng. Chính nơi này, tôi như thấy rõ được sự chia rẽ sâu sắc giữa địa hình đá và đất canh tác của bà con, tạo thành lằn ranh được phân biệt bởi màu xanh của ngô và màu xám của đá. Xuôi theo con đường dẫn vào làng có nhà làm bạc nổi tiếng nhất vùng, tôi gần như choáng ngợp bởi độ công phu của các thợ bạc nơi đây.
Ngôi nhà nhỏ nằm trên triền núi, bên trong là các thợ bạc lành nghề, chuyên đúc chế trang sức từ các đồng bạc Đông Dương từ thời Pháp thuộc, hơn 100 năm trước. Tôi không kiềm được mà sắm cho mình một chiếc nhẫn, phần vì kỷ niệm, phần bởi câu chuyện đằng sau tác phẩm. Tại đây, tôi còn được chiêm ngưỡng bộ trang sức vòng cổ trị giá 23 triệu đồng, hoàn toàn từ bạc Đông Dương đúc chế thành. Người bán nói với tôi rằng, sản phẩm này thường là của hồi môn cho con gái với quan niệm là biểu tượng của sự bảo hộ, thể hiện tình yêu thương và gắn bó gia đình. Ngoài ra, chiếc vòng còn thể hiện sự giàu có và vị thế của nhà gái trong ngày lễ trọng đại.
Trong tiết trời mát mẻ tựa thu xuân, Tùng đưa tôi về điểm dừng chân nghỉ ngơi vào buổi tối và dưỡng sức cho hành trình tham quan sông Nho Quế vào ngày hôm sau. Dù đã nghe danh từ trước nhưng tôi vẫn không khỏi choáng ngợp, cảm thán trước vẻ đẹp khó nói thành lời. Những vách đá sừng sững, dựng đứng như ép tim tôi hẫng một nhịp, lặng nghe tiếng gió rì rào bên tai, tôi thấy mình nhỏ bé đến nhường nào.
Hành trình lý thú không dừng lại ở đó, tôi còn cả một chặng đường hiking dài 6km đang chờ ở phía trước. Chúng tôi tiếp tục lên khu tưởng niệm của con đường Hạnh Phúc, nơi có tượng đài tri ân các thanh niên đã anh dũng ngã xuống để mở ra con đường thay đổi, không chỉ là đời sống mà còn là kinh tế của đồng bào nơi cực Bắc Tổ Quốc. Từ đây, tôi đi bộ xuyên qua bản làng của người dân, ven triền núi, dọc vách đá trắng nổi tiếng tại Hà Giang, và phóng tầm mắt xuống sông Nho Quế mà lòng thổn thức. Tôi tự hỏi, liệu còn vị trí nào đẹp hơn để có thể ngắm nhìn dòng sông uốn lượn khắp các chân núi nữa không? Và sau những lần thở dốc vì đi bộ nhiều, tôi thấy mình như được đền đáp bởi vẻ đẹp mà thật khó tìm thấy ở một nơi nào khác.
Cứ thế, hành trình của tôi dần khép lại với điểm đến cuối cùng là hố sụt Mèo Vạt, một trong những hố sụt lớn nhất Hà Giang với thảm thực vật vô cùng đặc sắc. Theo lời Tùng, người dân thường bắt dây rất nguy hiểm trèo vào lòng hố để tìm những loại cây thuốc quý và cậu vừa cười vừa nói với tôi rằng không khuyến khích du khách trải nghiệm mô hình này.
Suốt chuyến đi, tôi hỏi nhiều, Tùng cũng nhiệt tình kể chuyện. Cậu hỏi tôi đã từng thực hiện hành trình như thế này bao giờ chưa? Tôi nhớ lại những nơi mình đã đi qua và nhận ra đây có lẽ là chuyến đi đặc biệt nhất từng thực hiện, cùng người bạn đồng hành mới quen. Những giây phút cuối của chuyến đi, tôi cảm thấy tim mình như bị níu lại, muốn thu gọn cảnh quan vào trong ánh mắt thêm lần nữa. Nhưng như Tùng có nói, “không ai đến Hà Giang một lần cả”, tôi sẽ quay lại Hà Giang, đắm mình vào thiên nhiên lần nữa để được ôm ấp và hít căng lồng ngực mùi của mùa xanh giữa ngày hè tháng 6.
Xem thêm: >> Istanbul: Trải nghiệm một ngày sống ở cả châu Âu lẫn châu Á >> Bạch Mã “không thực”