share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Bái Đính và những kỷ lục Việt Nam, Châu Á


ADVERTISEMENT

Đứng trước ban công văn phòng sau một ngày làm việc cật lực, như thường lệ tôi tự thưởng cho mình một chút nghỉ ngơi, để những cơn gió nhẹ của tự nhiên phả vào mặt thay vì hơi mát của máy lạnh. Đưa ánh mắt nhẹ nhàng nhìn xa xa, những giọt nắng chiều sa trên mái nhà, hàng cây lá đong đưa trong gió, con đường đầy ắp tiếng còi xe và bụi mịn giờ tan làm khiến tôi bất thình lình mơ đến những cung đường xa xôi đầy nắng và gió. Tim lại bỗng nhiên rạo rực. Mùa bay và những câu chuyện du lịch lại bắt đầu!

***

Cách thành phố Ninh Bình khoảng 15km, chúng tôi bon bon trên con đường đầy rêu phong để đến công viên Phật Giáo thu nhỏ - Bái Đính. Vì đường khá trơn trượt nên chúng tôi đi chậm nhất có thể, cũng hay, như vậy có thể vừa đi vừa ngắm nhìn thật kỹ phong cảnh xung quanh. 

Sau khoảng gần 1 tiếng chạy xe, khuôn viên quần thể Bái Đính đã dần hiện ra trước mặt. Chúng tôi tiếp tục đi bộ một đoạn khá xa để vào đến khu vực đền thờ bên trong. 

Đường đến Bái Đính có rất nhiều bảng biển ghi chép những câu nói trong Kinh Pháp Cú, tổng hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng ý nghĩa của Đức Phật Thích Ca 

Xa xa ngọn Bảo Tháp của Bái Đính vút cao xe toạc màn sương mù

Ninh Bình có 3 triều đại vua nối tiếp nhau ra đời là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và Lý. Ba triều đại rất quan tâm đến đạo Phật và xem nó là Quốc Giáo nên vì thế mà việc xây dựng Bái Đính rất được coi trọng. Với tuổi đời hơn 1000 năm, nơi đây lưu giữ nhiều chứng tích về thời kỳ phát triển của Phật giáo Việt Nam cũng như ẵm lấy nhiều kỷ lục như Hành lang La Hán dài nhất Châu Á, Chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, Bảo tháp cao nhất châu Á, Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, Tượng Phật dát vàng lớn nhất châu Á, Giếng ngọc lớn nhất Việt Nam,…

Với tổng thể quần thể gồm các điện, tháp, sông, núi bao quanh rộng 539 ha, Bái Đính được xác nhận là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á

Điểm tham quan tôi thích nhất là Tượng Di Lặc bằng đồng cao 10m, nặng 80 tấn sừng sững trên ngọn đồi cao, bao quanh bốn bề là thiên nhiên xanh mát. Mặc dù đoạn đường leo khá dài nhưng tôi chẳng cảm thấy mệt mỏi chút nào, một phần vì được ngắm cảnh Bái Đính từ trên cao, một phần vì không khí quá trong lành. Bức tượng này cũng được xác lập là Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.

Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á

Hành lang La Hán dài 3km cũng là một trong những niềm tự hào của Bái Đính khi được xác lập là Hành lang La Hán dài nhất Châu Á. Với 500 pho tượng La Hán, đây cũng là ngôi chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam. Những pho tượng La Hán này có chiều cao trung bình hơn 2m được làm bằng đá xanh nguyên khối. Theo người dẫn tour giới thiệu cho chúng tôi biết, đây là 500 vị đệ tử đầu tiên của nhà Phật, mỗi người được tạc một tư thế khác nhau, không ai giống ai.

Hành lang La Hán dài nhất châu Á tại Bái Đính

Kế tiếp, chúng tôi được dẫn đến một địa điểm cũng thú vị không kém là Tháp chuông bát giác 3 tầng, mỗi tầng có 8 mái che. Bên trong tháp chuông treo chiếc chuông đồng nặng 36 tấn, đây là "Đại hồng chuông lớn nhất Việt Nam" và cũng là quả chuông lớn nhất Châu Á. Tiếng chuông vào buổi sáng mang ý nghĩa để cảnh tỉnh và buổi chiều là thu không. Theo quan niệm nhà Phật, nếu người nào đang mắc tội lỗi nghe tiếng chuông sẽ được sạch tội. Tiếng chuông chùa càng ngân xa thì từ bi Đức Phật sẽ được lan xa đi bấy nhiêu, tiếng chuông của Bái Đính có thể lan xa được 10 cây số.

Tháp chuông bát giác 3 tầng nhìn từ bên ngoài

"Đại hồng chuông lớn nhất Việt Nam" và cũng là quả chuông lớn nhất Châu Á

Bên dưới quả chuông là chiếc trống đồng nặng 70 tấn bằng đồng. Hình ảnh “trên chuông dưới trống” có nghĩa là “trên trời dưới đất, âm dương hòa hợp”

Tôi tiếp tục hành trình trải nghiệm bằng “tour” thăm quan các “Điện" của Bái Đính. Đầu tiên là Điện Quan Thế Âm Bồ Tát với bức tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Tượng cao 9,57m nặng gần 100 tấn mang ý nghĩa đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Phật Bà mọc gần 1000 cánh tay để có thể vươn đến được nhiều người đói khổ và giúp đỡ họ. Phía trước có 42 cánh tay lớn và phía sau có 958 cánh tay nhỏ, cộng lại là đủ 1000 cánh tay.

Tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay bằng đồng

Mon men phía sau Điện Quan Thế Âm, tôi đến được Điện Pháp Chủ vốn nổi tiếng với Pho tượng Đức bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật bằng đồng nguyên khối cao và nặng nhất Việt Nam. Với chiều cao 9,5m và nặng 100 tấn, bức tượng cũng hiện là tượng đồng dát vàng lớn nhất châu Á. Tôi thật sự trầm trồ và thán phục về công nghệ đúc đồng của ông cha ta ngày xưa, họ đã làm được những điều đáng tự hào để mang cái tên Việt Nam cho bạn bè quốc tế biết đến.  

Điện Pháp Chủ sở hữu Pho tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á

Người ta nói “Save the best for last" quả thật không sai. Phía cuối của hành trình khám phá bộ sưu tập các điện, tôi đến với “Điện Tam Thế”, đây là điện thờ Phật lớn nhất Việt Nam. Nơi đây lưu giữ kỷ lục “Bộ tượng Tam Thế” bằng đồng lớn nhất Việt Nam với chiều cao 7,2m, nặng 50 tấn mỗi bức tượng.

Điện Tam Thế trong màn sương mù

Phía trước điện có một bức phù điêu đá hình vuông 10m x 10m, được ghép bằng nhiều phiến đá nhỏ khác nhau. Bốn góc của phù điêu chạm khắc hình phượng chầu, rùa và ly, ở giữa là hình mặt nguyệt bên trong có hình rồng uốn lượn, tức tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng)

Ba pho t­ượng Tam Thế Phật theo thứ tự từ trái sang phải thể hiện quá khứ, hiện tại và tương lai. Tam Thế Phật có ý nghĩa Phật luôn tồn tại kỳ diệu ở mọi lúc mọi nơi

Nhưng tất cả trên chưa phải là một trong những điều tuyệt vời nhất của Bái Đính. Nếu chịu khó tìm tòi và đi bộ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một trong những bức tượng độc đáo của khu vực Châu Á. Khác hẳn những bức tượng được đúc bằng đồng hay dát vàng tại Bái Đính, Đại Thế Chí Bồ Tát được làm hoàn toàn từ cây gỗ hoàng dương nguyên khối, do một người hút cát ở sông Hồng hút được và cung tiến cho nhà chùa, cao 11m và nặng 5 tấn bằng gỗ, cây gỗ này đã nằm dưới đáy sông Hồng 1000 năm nay, nên để nói về giá trị là vô giá. 

Bức tượng Đại Thế Chí Bồ Tát được làm hoàn toàn bằng gỗ nguyên khối, từ trên xuống dưới là
một thân cây

Ra khỏi hành trình các điện, chúng tôi đến viên ngọc của Bái Đính - Đại Bảo Tháp cao 99m, 13 tầng với 72 bậc cầu thang, đây được xem là đại bảo tháp cao nhất Đông Nam Á, lưu giữ Xá lợi Phật đưa từ Ấn Độ về. Bên ngoài tầng cao nhất của Bảo Tháp, phóng tầm mắt nhìn ra xa, có thể quan sát được toàn cảnh chùa Bái Đính từ trên cao. Hôm ấy là một ngày trời mù sương, nhưng những gì tôi thu vào tầm mắt cũng đẹp tựa như một bức tranh sơn thủy hữu tình rồi.

Đại Bảo Tháp, một trong những “signature" của Bái Đính

Vừa đến tầng 1 của Bảo Tháp, tôi thật sự bị ấn tượng bởi bức tượng Phật ngồi dát vàng to lớn tỏa hào quang lấp lánh cho toàn bộ khoảng không gian bên trong

Sau khi leo 72 bậc thang, chúng tôi đến được tầng cao nhất của Bảo tháp, nơi thờ xá lợi Phật được cung nghinh từ Ấn Độ. Tôi được mọi người bảo tịnh tâm và di chuyển hình vòng tròn quanh tượng phật theo chiều kim đồng hồ. Tôi làm theo nhưng cũng không tiện hỏi lý do, vì ở đây mọi thứ rất yên tĩnh và          trang nghiêm

Phù điêu trần bảo tháp với các bức tượng nhỏ liên quan đến Phật pháp

Khung cảnh ngắm nhìn từ tầng cao nhất của Bảo Tháp

Hành trình đoạn về, tôi dành chút thời gian ghé ngang khu vườn Bồ Đề và hồ Phóng Sinh. Vì nơi đây cũng lưu giữ một trong những kỷ lục của Bái Đính: “Ngôi chùa trồng nhiều bồ đề nhất Việt Nam”. 100 cây Bồ đề được chiết từ Ấn Độ đưa về trồng tại đây.

Mỗi cây bồ đề đều được một lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng và gắn bảng tên vào bia đá

Hồ Phóng Sinh với diện tích 5.000 m2, được các Phật tử trong chùa dùng để phóng sinh cá chép vào 70 ngày đại lễ

Hành trình khám phá Bái Đính khép lại bằng một bữa cơm no say chất lượng được phục vụ tại các quán ăn trong quần thể Chùa, khiến tôi không ngại ngùng chấm điểm 10 xuất sắc cho tất cả. 

Thiên nhiên tạo hóa đã ban tặng cho Ninh Bình phong cảnh "sơn kỳ thủy tú", nhưng cũng chính bàn tay con người đã góp phần tôn vinh và làm đẹp thêm nét đẹp của tạo hóa. Tất cả những điều đó làm Ninh Bình thành viên ngọc lấp lánh và đa sắc màu không ngừng thu hút du khách đến tham quan và ghé lại dừng chân.

 


ADVERTISEMENT