Hospitality Business News Báo cáo của Traveloka: 59% khách du lịch Việt Nam thích các điểm đến và resort gần biển
Nền tảng cung cấp giải pháp du lịch điện tử Traveloka vừa công bố báo cáo chi tiết về xu hướng và hành vi của khách du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), với những hé lộ thú vị về sự dịch chuyển trong nhận thức và nhu cầu của tệp khách hàng này.
Khảo sát Traveloka uỷ quyền YouGov thực hiện trên 12.000 người ở chín quốc gia trong khu vực, nhấn mạnh vào cả những thói quen hiện có và xu hướng dịch chuyển trong tương lai gần, đặc biệt là những thay đổi đáng kể trong hành vi của người đi du lịch, động lực cho các chuyến đi, và sở thích được hình thành dựa trên các bối cảnh đương đại. Đặc biệt, khảo sát cũng hé lộ những thói quen du lịch khác nhau của những tệp khách du lịch khác nhau, cho thấy sự đa dạng trong văn hoá và nhu cầu của từng quốc gia cụ thể ở APAC.
Lý do đi du lịch
Trong khi 26% người được khảo sát chọn du lịch như cách nghỉ ngơi và nạp năng lượng, 23% coi đây là dịp để khám phá những điểm đến thu hút du khách. 13 % xuất phát từ tình yêu và nhu cầu kết nối với thiên nhiên, chỉ 10% coi du lịch là cơ hội để trải nghiệm những nền văn hoá khác nhau.
Điểm đến ưa thích
Phản hồi khảo sát cho thấy mỗi tệp khách du lịch có những nhu cầu về điểm đến khác nhau. Những sở thích riêng biệt này góp phần định vị tiềm năng phát triển du lịch của từng quốc gia, đồng thời cung cấp giải pháp khuyến khích du lịch cho đối tượng khách cụ thể. Ví dụ, có tới 75% người khảo sát đến từ Indonesia chọn những hoạt động khám phá ngoài trời như leo núi hay đến các khu bảo tồn; 62% người khảo sát từ Nhật Bản thích đến những di tích lịch sử và văn hoá như bảo tàng hay thành phố cổ. Trong khi đó, 59% khách du lịch Việt Nam thích các chuyến đi nghỉ dưỡng thoát khỏi nhịp sống thành phố, đặc biệt ở các bãi biển hay khu nghỉ dưỡng ven biển.
Du lịch trong nước tăng cao
Ngoài yếu tố chính là giá cả, khách du lịch khu vực cũng đặc biệt quan tâm đến tính an toàn, tiện lợi, tương đồng văn hoá khi lựa chọn giữa điểm đến trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, lựa chọn những địa danh trong nước hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả, đặc biệt ở Indonesia, Nhật Bản và Thái Lan với 70% người được khảo sát thích đi du lịch ở chính quốc gia mình sinh sống, thay vì đi nước ngoài. Trái lại, Ấn Độ (51%), Việt Nam (49%) hay Malaysia (37%) có cách tiếp cận cân bằng hơn, dù phần nhiều vẫn thích đi du lịch trong nước hơn. Đây là điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ lưu trú và du lịch trong nước tiếp cận mạnh mẽ hơn tệp khách du lịch của quốc gia mình.
Nền tảng du lịch trực tuyến đóng vai trò quan trọng
Tác động của công nghệ với thói quen và xu hướng du lịch được khẳng định một lần nữa, dựa trên kết quả khảo sát. Có tới 83% khách du lịch tin tưởng lựa chọn các nền tảng du lịch trực tuyến để đặt vé máy bay, phòng khách sạn, các tour tham quan… Nền tảng trực tuyến cũng hữu ích trong việc tìm kiếm khuyến mãi, xem nhận xét về điểm đến hay trả tiền trước cho các dịch vụ.
Du lịch bền vững được quan tâm
Có tới 85% khách du lịch Việt Nam, Thái Lan và Indonesia ưu tiên các chuyến đi bền vững, và tìm kiếm lựa chọn này trước khi bắt đầu lên kế hoạch chuyến đi, trong khi với Úc, Singapore hay Nhật Bản, con số này ở mức 60%. Điều này cũng cho thấy khách du lịch Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến du lịch bền vững, một tín hiệu cho thấy xu hướng bền vững sẽ tiếp tục tăng trưởng ở thị trường này.