WOWWEEKEND
Tuesday Sep 13, 2022
Explore Bảo tàng trà Cầu Đất - Nơi lưu giữ lịch sử 100 năm ngành trà
ADVERTISEMENT
Được người Pháp xây dựng vào năm 1927, tọa lạc tại thị trấn Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, rộng 1,2 ha, Sở trà Cầu Đất là nơi đầu tiên có nhà máy trà lớn nhất ở Đông Nam Á. Ngày nay, nó được cải tạo thành bảo tàng trà, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, đồng thời là điểm đến mới cho khách du lịch. Xung quanh bảo tàng là những đồi trà xanh mướt và cảnh quan hùng vĩ. Bên trong bảo tàng là không gian sắp đặt nghệ thuật và quán cà phê phục vụ du khách.
Nhà máy trà Cầu Đất ban đầu có 4 toà nhà. Những toà nhà với kiến trúc lịch sử này không chỉ truyền tải giá trị thẩm mỹ mà còn mang một ý nghĩa riêng. Chúng là mối liên kết hữu hình giữa quá khứ và hiện tại, là nhân chứng của những câu chuyện lịch sử. Chúng tạo ra cảm giác thân thuộc cho du khách. Bước vào trong những toà nhà, du khách cảm thấy dường như mình trở thành một phần của những câu chuyện lịch sử này. Nói cách khác, cấu trúc của những toà nhà này giữ cho ký ức tồn tại mãi.
Công trình được tân trang và thiết kế lại vào năm 2020, chính thức mở cửa cho khách du lịch vào năm 2021
Các kiến trúc sư của Bo Design & Construction (BODC) đã sử dụng toà nhà lâu đời nhất - xưởng sản xuất chính, và biến nó thành trung tâm văn hóa đặc sắc cho du khách cũng như những người muốn nghiên cứu văn hóa trà của Việt Nam. Trước khi được cải tạo, toà nhà này là một nhà máy điển hình được dựng nên từ ván gỗ thông và các tấm thép lợp tôn. Đây là những chất liệu có chi phí thấp và thường được cho là ít có giá trị thẩm mỹ. Thế nhưng, đội ngũ kiến trúc sư đã cải tạo cốt liệu và những phần bị hư hỏng, mang đến một không gian nghệ thuật độc đáo với ngân sách vô cùng khiêm tốn.
Thép và tôn là những vật liệu không được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ, nhưng đội ngũ KTS đã cải tạo và sơn một lớp chống rỉ mới giúp toà nhà trông bắt mắt hơn
Nhà máy cũ được cải tạo để trở thành không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật
Khu vực trưng bày nghệ thuật sắp đặt có 7 bức tranh mô phỏng các công đoạn làm trà. Màu vẽ được lấy từ đất của đồi trà và lá trà Cầu Đất
Bảo tàng được chia làm 5 phòng với những chủ đề khác nhau như chiếc hộp lịch sử, trưng bày dụng cụ làm trà, câu chuyện về người làm trà và ngành trà thế giới
Mặc dù không sở hữu bề ngoài bắt mắt, được bao bọc bởi những tấp thép lợp tôn, nhà máy cũ này lại chứa đựng không gian nội thất ấn tượng với tỷ lệ dựa trên hệ thống kết cấu được sắp xếp gọn gàng, lặp đi lặp lại theo nhịp điệu cùng vẻ đẹp đầy hoài niệm của máy móc được nhập khẩu hoàn toàn từ châu Âu năm 1931. Đây là những yếu tố tạo nên giá trị đích thực của tòa nhà, và là thứ mà các kiến trúc sư muốn giới thiệu đến du khách.
Trên trần là 100 khối trà hình vuông tạo nên từ 350kg trà Cầu Đất
Những chiếc máy sản xuất trà đã từng hoạt động gần 100 năm trước
Cách tiếp cận của các kiến trúc sư với nhà máy ban đầu khá đơn giản. Đội ngũ giữ nguyên cấu trúc ban đầu, chỉ loại bỏ các bức tường không cần thiết và sắp xếp lại các phòng sao cho phù hợp với chức năng và không gian triển lãm. Cách tiếp cận này không chỉ có thể hồi sinh tòa nhà đang phải đối mặt với việc bị phá dỡ, mà còn đáp ứng được mục đích du lịch và nghiên cứu ngắn hạn lẫn dài hạn.
Vật liệu được đội ngũ kiến trúc sư sử dụng cũng không quá cầu kỳ, chủ yếu là thép tái chế, các tấm polycarbonate, gạch thô và hỗn hợp đất-xi măng. Ngay cả những tác phẩm nghệ thuật cũng được làm từ lá trà và được vẽ bằng cách trộn đất với acrylic. Lớp sơn chống rỉ bên ngoài tòa nhà giúp nó trở nên nổi bật hơn so với những công trình khác xung quanh.
Việc bảo tồn cấu trúc ban đầu, tái sử dụng và tận dụng các vật liệu đã giúp đội ngũ KTS tiến hành tân trang lại công trình với chi phí rất thấp (chỉ khoảng $200/m2) nhưng mang lại giá trị tinh thần lớn đáng kinh ngạc. Kể từ khi khai trương, bảo tàng trà Cầu Đất đón khoảng 300 khách mới mỗi ngày. Đến với bảo tàng này, du khách có cơ hội hiểu hơn về lịch sử và con người địa phương, sự kết hợp của các thiết bị và máy móc nguyên bản, các tác phẩm nghệ thuật mô phỏng và các bước tạo nên những sản phẩm làm từ trà độc đáo. Không dừng lại ở đó, kết thúc hành trình khám phá bảo tàng, du khách còn được thưởng thức các loại trà do chính mình pha chế với sự hướng dẫn của các nghệ nhân.
Quán cà phê với không gian mở, hướng nhìn ra các đồi trà
ADVERTISEMENT