share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Bèo dạt hoa trôi ở Côn Minh


ADVERTISEMENT

Nếu như cứ được đi mãi đến tận cùng thế giới này, tôi vẫn muốn điểm đến cuối cùng chính là Vân Nam. Hành trình đến Vân Nam của tôi không hề dễ dàng. Khi mua vé tàu lửa ở Thượng Hải, trong một lúc bốc đồng, tôi đã chọn vé tàu đứng để đến Côn Minh, thành phố trung tâm của tỉnh Vân Nam. Hơn 40 tiếng đồng hồ trên tàu lửa, thứ làm tôi vui nhất chính là ngắm nhìn dãy núi hùng vĩ qua khung cửa sổ, và nhất là những cánh đồng hoa hướng dương trải dài đến tít tắt. Những bất đồng ngôn ngữ giữa tôi và người dân địa phương cũng được xóa nhòa bởi nụ cười, cậu bé nhỏ trên tàu còn xòe tay mời tôi mấy quả nhãn thay cho lời chào thăm hỏi.


Khi đặt chân đến Côn Minh, tôi mới thấu hiểu tại sao địa danh này lại nổi tiếng với khách du lịch quốc tế như vậy. Đặc biệt đây gần như là nơi hiếm hoi tôi gặp được khá nhiều khách du lịch Châu Á ở đây. Được mệnh danh là thành phố mùa xuân, khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm, rất dễ chịu so với các tỉnh khác mà tôi đã đi qua. Kề cận Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, ẩm thực của Vân Nam rất đa dạng, chủ yếu là cay nồng bởi khí hậu lạnh giá. Thi thoảng tôi còn bắt gặp vài biển quảng cáo các món ăn vặt Việt Nam ở quán bar làm tôi cứ cười suốt, ngần ngại không dám thử, nhưng lòng thì vui sướng trơn. Người dân ở vùng đất này cũng cực kỳ thú vị. Người dân ở đây khá tân thời, diện toàn Nike đến cả Louis Vuiton, thậm chí các cụ già cũng tập tành đội mũ slogan “Comme de fuck down” trông rất ngầu làm tôi cười cả ngày. 


Điều làm tôi yêu thích nhất ở Côn Minh chính là sự hòa nhập gần gũi của cộng đồng. Chọn một khách sạn quốc tế dành cho giới trẻ gần trung tâm Côn Minh, tôi thả bước dọc quanh chiếc hồ nổi tiếng trong lịch sử thành phố này: Green Lake. Được xây dựng từ thời nhà Thanh, hồ Green Lake mang đậm kiến trúc truyền thống của Trung Hoa, được chia thành bốn hồ nhỏ Đông – Tây – Nam – Bắc với tửu lầu, hồ sen và đầm thiên nhiên với hoa cỏ rực rỡ. Đây là cũng là nơi tề tụ của người dân Côn Minh mỗi dịp lễ hội, hoặc tập dưỡng sinh, đàn ca mỗi buổi chiều tà. Ngồi một mình bên ly trà ấm và ngắm nhìn các cô gái tập múa truyền thống bên bờ hồ, xa xa là các anh chàng thanh niên ngực cởi trần tập khí đạo trong rừng trúc, tôi như bị lạc vào thế giới nửa hư nửa thực, như Alice lạc vào Trung Hoa một thời xa xưa. 


Vốn đam mê lịch sử và văn hóa Trung Quốc từ lâu, tôi đã lặng người khi viếng thăm rừng đá Thạch Lâm, một phong cảnh thần tiên của đá và nước từng được tái hiện nhiều lần trong phim “Tây Du Kí”. Có thể nói, Trung Quốc trong trí tưởng tượng của tôi từ bấy lâu nay chính là những dãy núi sừng sững, hiên ngang giữa nước non và trời xanh cao vời vợi, khiến bạn ngỡ như thật sự lạc vào tiên cảnh. Tôi đến Đại Thạch Lâm vào một ngày mưa rào, chỉ trong một khoảng khắc ngắn ngủi thôi, cả rừng núi đá đang u buồn trong màu sắc tro xám dưới ánh nắng bỗng đột nhiên chuyển thành màu đen sẫm khi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, rồi lại chuyển dần về màu tro xám nguyên thủy khi nắng lên. Dưới cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ ấy, tôi cảm giác mình như cũng vừa hồi sinh, và may mắn biết bao khi được tồn tại trên cõi đời này và chứng kiến những hiện tượng như thế. Có lẽ, Côn Minh chính là giấc mộng dài mà tôi không hề muốn tỉnh lại trong suốt chuyến du hành suốt miền đất Trung Hoa đầy những điều kì diệu.


ADVERTISEMENT