Cuisine Bí mật bàn tiệc: Khám phá nghệ thuật ăn uống của các quốc gia
Ở mỗi quốc gia đều có những quy tắc ăn uống riêng, phản ánh không chỉ phong cách ẩm thực mà còn thể hiện giá trị văn hóa và triết lý sống của dân tộc đó. Từ những chiếc khăn ăn tinh tế trên bàn tiệc Pháp, sự tôn nghiêm trong từng nghi thức của ẩm thực Nhật Bản, đến những quy tắc khắt khe trên bàn ăn Trung Quốc. Tất cả đều là những bài học quý giá về sự tôn trọng và lịch thiệp. Hãy cùng khám phá những nguyên tắc ăn uống đặc sắc này để hiểu thêm về cách người dân ở các quốc gia khác nhau thể hiện văn hóa và nghệ thuật sống thông qua từng bữa ăn.
Quy tắc ăn uống của Pháp - Savoir vivre
Trong văn hóa Pháp, “Savoir vivre” là những quy tắc giao tiếp trên bàn ăn thể hiện nghệ thuật sống cũng như biểu hiện sự tinh tế và lịch thiệp của một dân tộc yêu thích sự hoàn mỹ. Sự chú trọng đến chi tiết, từ cách bày bàn, cầm dao nĩa đến thái độ khi thưởng thức món ăn, tất cả đều phải thể hiện sự tôn trọng đối với người đồng bàn và sự tỉ mỉ trong phong cách sống.
Khăn ăn dù chỉ là vật dụng nhỏ nhưng lại đóng vai trò như biểu tượng của sự lịch sự. Bạn cần đặt khăn trên đùi khi ngồi vào bàn và sử dụng nó để lau miệng nhẹ nhàng. Nếu cần đứng dậy giữa bữa, hãy gấp khăn lại và để lên ghế thay vì đặt trên bàn. Đặc biệt không được quấn khăn quanh cổ vì điều này được coi là bất lịch sự.
Ngôn ngữ dao dĩa trong văn hóa Pháp cũng vô cùng đặc biệt. Khi bạn muốn tạm dừng ăn, hãy đặt dao dĩa chéo nhau theo hình chữ X trên đĩa, với lưỡi dao hướng vào phía trong. Khi bữa ăn kết thúc, đặt dao dĩa song song với nhau theo chiều dọc trên đĩa, cán hướng về phía bạn. Nếu bạn muốn ngợi khen đầu bếp, hãy đặt dao dĩa theo hình kim đồng hồ chỉ 7 giờ kém 25 – đây là cách kín đáo nhưng đầy tinh tế để thể hiện sự hài lòng của bạn với bữa ăn.
Trong suốt bữa ăn, bạn phải duy trì tư thế ngay ngắn, tránh chống khủy tay lên bàn, nhai chóp chép hay húp xì xụp. Giao tiếp trên bàn nên nhẹ nhàng, kín đáo. Các hành vi cần tránh như sử dụng điện thoại hay hút thuốc trong bữa ăn. Đồng thời, bạn không nên để thừa thức ăn. Đặc biệt là món súp và khai vị để thể hiện sự tôn trọng đối với chủ nhà và đầu bếp.
Quy tắc ăn uống của Nhật Bản - Etiquette of Washoku
Ẩm thực Nhật Bản hay còn gọi là “Washoku” là sự hòa quyện hoàn hảo của hương vị và nguyên liệu, được xem là một nghệ thuật tinh tế trong cách thưởng thức bữa ăn. Washoku còn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vì tôn vinh sự cân bằng từ nguyên liệu đến cách thức trình bày và ăn uống.
Một trong những nguyên tắc cơ bản cần chú trọng là cách sử dụng đũa. Để cho thấy sự tôn trọng trên bàn ăn, bạn nên tránh việc xiên thức ăn hay chỉ trỏ bằng đũa. Khi rót đồ uống, hãy cầm chai sao cho nhãn hướng lên trên và luôn rót cho người khác trước.
Đặc biệt, việc húp mì sùm sụp trong văn hóa ăn uống của người Nhật được chấp nhận vì nó thể hiện sự thưởng thức trọn vẹn của hương vị món ăn. Việc ăn hết tất cả các món ăn và chia thức ăn thành những miếng vừa ăn cũng là một phần quan trọng trong phép lịch sự trên bàn ăn.
Quy tắc ăn uống của Ý - Galateo
Ẩm thực Ý nổi tiếng với pizza, cà phê hay vang và đặc biệt là về những quy tắc ăn uống thể hiện văn hóa và lối sống của người dân ở đây. Khi đến Ý, du khách cần nắm vững những “quy tắc ngầm” để trải nghiệm trọn vẹn văn hóa ẩm thực nơi này.
Người Ý rất coi trọng giờ ăn. Họ thường bắt đầu ngày mới bằng một bữa sáng đơn giản gồm bánh và cà phê, trong khi bữa trưa lại hoành tráng nhất trong ngày. Đừng ngạc nhiên nếu các nhà hàng đóng cửa sau giờ trưa và chỉ mở cửa trở lại vào khoảng 19h - bởi người Ý rất ít khi ăn tối trước khung giờ này. Những nhà hàng mở cửa sớm hơn thường chỉ phục vụ khách du lịch và thường không ngon bằng những quán chỉ mở sau 19h.
Một điểm đặc biệt khác là phí phục vụ, gọi là "coperto", thường được áp dụng ở hầu hết các nhà hàng. Đây là phí bao gồm bánh mì và dụng cụ ăn uống, dù bạn có ăn bánh mì hay không. Ngoài ra, bồi bàn tại Ý thường giữ khoảng cách và chỉ xuất hiện khi cần thiết để tạo không gian riêng tư cho thực khách.
Việc đặt bàn trước cũng là một quy tắc nên tuân thủ, vì không phải nhà hàng nào cũng sẵn sàng đón khách vào mọi giờ hoạt động. Nếu bạn thích ngồi ngoài trời, hãy chuẩn bị cho việc phải ngửi khói thuốc, bởi việc hút thuốc ngoài trời khá phổ biến ở Ý.
Quy tắc ăn uống của Trung Quốc - Chinese dining etiquette
Trong văn hóa Trung Quốc, việc ăn uống rất được coi trọng. Vì thế, họ có thói quen tiếp đãi khách trên bàn ăn và mức độ phong phú của thực đơn thường phản ánh tầm quan trọng của khách mời. Thông thường, người mời sẽ là người trả tiền cho bữa ăn và việc tranh giành trả tiền có thể bị xem là hành động xúc phạm và không tôn trọng người mời.
Vị trí ngồi trong bữa ăn cũng mang nhiều ý nghĩa. Ghế chủ tọa thường là ghế đối diện lối vào hoặc ở phía Đông. Vị trí này dành cho người có địa vị cao nhất, được xác định theo độ tuổi, địa vị xã hội, hoặc nghề nghiệp. Người lớn tuổi nhất trong bàn ăn sẽ ngồi ở vị trí trung tâm, và những người trẻ hơn cần tuân thủ các phép tắc như mời bề trên ăn trước, ăn uống không phát ra tiếng động, và khi gắp đồ ăn nên gắp ít một để tránh bất lịch sự.
Trong các món ăn Trung Quốc, mì là biểu tượng của sự trường thọ. Vì thế khi ăn món này, bạn không nên cắn đứt sợi mì mà hãy ăn hết cả sợi dài. Đũa - dụng cụ ăn uống chính cũng có nhiều quy tắc sử dụng riêng. Đũa không được cắm thẳng vào bát cơm vì điều này gợi nhớ đến hình ảnh trong đám tang. Ngoài ra, không nên dùng đũa để chỉ trỏ vào người khác hoặc xoay tròn đũa trong không khí.
Thông qua những nguyên tắc nhỏ nhặt trên, chúng ta có cơ hội hiểu sâu hơn về cách mà các dân tộc khác nhau trân trọng cuộc sống. Những bữa ăn không chỉ là khoảnh khắc thưởng thức hương vị mà còn là cơ hội để kết nối và biểu đạt sự tôn trọng phong tục từng quốc gia. Hãy để mỗi bữa ăn trở thành một cuộc hành trình khám phá văn hóa thú vị!
>> Xem thêm: Những bộ sưu tập bánh trung thu nổi bật mùa Tết Đoàn viên 2024 (Phần 4)