share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner F1 - khi Fomular One trở thành văn hoá đại chúng


ADVERTISEMENT

Chỉ vừa mới ra mắt được vài ngày, nhưng F1 đang chứng tỏ sức nóng của mình với doanh thu ra mắt toàn cầu phá vỡ kỷ lục. Tính đến ngày hôm nay, F1 thu về 144 triệu USD, mang đến cho Apple Original Films cú hit phòng vé cho bộ phim được chiếu ở rạp đầu tiên của mình, và nhanh chóng trở thành tác phẩm điện ảnh thành công nhất từ trước đến nay của Apple Original. Ngôi sao nổi tiếng Brad Pitt cũng được hưởng lợi trực tiếp bởi F1 đã chính thức trở thành bộ phim ra mắt thành công nhất trong sự nghiệp của nam tài tử, đánh bại World War Z (thu về 112 triệu USD vào năm 2013). 

Đáp ứng những kỳ vọng

Sau những cú "flop" với nhiều bộ phim, không quá khi nói rằng Apple thực sự đặt cược vào F1 khi bỏ ra ngân sách lên tới 300 triệu USD. Kỳ vọng của người hâm mộ điện ảnh, fan của Brad Pitt, và người hâm mộ giải đua Công thức 1 không chỉ đến từ kinh phí hoành tráng khiến F1 trở thành bộ phim đắt nhất từng được sản xuất trong lịch sử điện ảnh. Sau thành công của Top Gun: Maverick (2022), mọi con mắt đổ dồn vào đạo diễn Joseph Kosinski cùng nhà biên kịch Ehren Kruger. Và, họ mang đến cho người hâm mộ tất cả những gì khiến họ được yêu mến từ Maverick: Sự kịch tính, những cảnh quay “siêu thực”, một cốt truyện giải trí, một ngôi sao danh tiếng nhất nhì Hollywood, và “bệ đỡ” khó tin nhưng có thật từ chính FIA - Liên đoàn ô tô quốc tế và Cơ quan quản lý của F1. 

Giải vô địch thế giới Công thức 1 được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1950. Sau nhiều thập kỷ phát triển, F1 từ một cuộc tranh tài giữa các nhà sản xuất xe trên thế giới trở thành môn thể thao hấp dẫn nhất nhì thế giới, đặc biệt gắn với sự sang trọng và văn hoá người nổi tiếng. Với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, F1 là nơi vận tốc và công nghệ là hai bệ đỡ nâng những tay đua tài năng lên tầm ngôi sao. 750 triệu người hâm mộ trên thế giới khiến mỗi Grand Prix diễn ra hàng năm là một sự kiện thể thao quan trọng chẳng kém gì bóng đá. 

Trong loạt phim tài liệu Formula 1: Drive to Survive, một nhà bình luận đã nói rằng bản thân kết quả của Mùa giải 2024 cũng chính là một “box office” - một bộ phim. Ví von thú vị này được Joseph Kosinski hiện thực hóa bằng quy mô chưa từng có, đặc biệt với sự tham gia sản xuất của Nhà vô địch thế giới 7 lần - Lewis Hamilton, với những chiếc xe đua đích thực được Mercedes thiết kế, hệ thống camera trong xe đua được Apple thiết kế, hay nhà vô địch thế giới Max Verstappen trong những cảnh quay đua xe “nửa thật nửa không”. Ngoài Verstappen, khán giả xem phim chắc chắn sẽ phấn khích khi hai nhân vật chính Sonny Hayes (do Brad Pitt thủ vai) và Joshua Pearce (Damson Idris) bước vào một chặng đua bên cạnh những cái tên tay đua quen mặt suốt hai mùa giải 2023 - 2024 như Lando Norris (McLaren), Charles Leclerc (Ferrari) hay George Russell (Mercedes)... 

"Ảo diệu" ở chỗ, Joseph Kosinski có thể tận dụng bầu không khí và bối cảnh thực tế của các giải Grand Prix trong hai mùa giải để đưa vào bộ phim của mình. Khả năng lồng ghép tinh vi giữa những cuộc thua đời thực, với cảnh quay đua xe của hai nhân vật chính là điểm cộng lớn của F1 trong việc mang đến cảm nhận thực tế về tốc độ của các nhà vô địch thế giới, những tiếng hò reo của người hâm mộ. Cùng với những bản nhạc nền pha trộn giữa nhạc điện tử và cổ điển của Hans Zimmer, không quá khi nói rằng F1 đã “điện ảnh hoá” thành công môn thể thao thú vị này. 

Hành động kịch tính, ngôi sao sáng giá, truyện phim tươi sáng, và chi phí khổng lồ cho hậu kỳ đỉnh cao… đây chính là công thức đảm bảo thành công của F1. Quả thực, cảm nhận chung của khán giả thế giới đều tích cực (Rotten Tomatoes cho bộ phim 83%), và vài ngày sau khi bộ phim ra mắt, F1 vẫn là đề tài được bàn tán sôi nổi trên các nền tảng. 

Sự hờ hững của thế giới đua xe 

Hàng loạt ngôi sao F1 góp mặt ở sự kiện công chiếu cũng không thể khiến F1 trở nên hấp dẫn hơn với thế giới đua xe thể thao, đặc biệt là các nhà phê bình. Dù ca ngợi chất lượng sản xuất và nhạc phim, cốt truyện thoát ly thực tế của bộ phim khiến những người hâm mộ giải đua không hài lòng bởi nhiều lý do. 

Sự trở lại của một “người hùng” của quá khứ đã được đạo diễn Joseph Kosinski tận dụng một lần với Maverick. Thay vì một cựu phi công thiên tài, F1 có một tay đua xe Công thức 1 bỏ nghề 30 năm trước. Thay vì lái máy bay chiến đấu tân tiến, F1 có những bộ máy ô tô tân tiến nhất. Thay vì thực hiện nhiệm vụ của quân đội, nhân vật Sonny Hayes của F1 lại đóng vai trò cứu Đội đua F1 hư cấu APXGP trong một mùa giải ảm đạm. Tóm lại, F1 chính là Top Gun: Maverick phiên bản đua xe. 

Dù có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi ngoài đời thực đóng vai chính mình, truyện phim vẫn bị đánh giá thiếu tính thuyết phục bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên và quan trọng nhất: Brad Pitt ở độ tuổi 60 là quá già để đóng vai một tay F1 đua dù đã hết thời. Việc một tay đua đã nghỉ hưu 3 thập kỷ được mời quay về đua xe là điều chỉ điện ảnh mới có thể hư cấu. Diễn xuất của Pitt cũng chỉ dừng lại ở việc tròn vai, cũng chính những gì đã đóng khung nam tài tử với vẻ đẹp và phong thái cao bồi kiểu Mỹ và vai diễn đo ni đóng giày cho những “ngôi sao”. Nhưng cũng vì được định vị như ngôi sao, các nhân vật xung quanh Pitt trở nên mờ nhạt, thậm chí vai diễn đồng đội cùng team của Damson Idris cũng không có đất để phát triển một cách quá rõ ràng hay liền mạch.

Điều thú vị là, người hâm mộ giải đua và cộng đồng chuyên gia môn thể thao này không ghét F1. Họ vẫn ca ngợi những cảnh đua xe đẹp đến tráng lệ cũng như tính giải trí (nhất là khi xem phim ở rạp chiếu), sự sát thực trong việc tái hiện quá trình vận hành của một đội đua, hay tiểu tiết như việc các thương hiệu tài trợ sẽ xuất hiện trên đồng phục tay đua và trên xe đua thế nào… Tuy nhiên, làm phim về bộ môn phức tạp như Công thức 1 không phải điều dễ dàng, đặc biệt để truyền tải đúng các chi tiết kỹ thuật và cách thức hoạt động của một mùa giải, đơn giản như việc sẽ chẳng người hâm mộ giải đua nào đồng tình với việc một mùa giải trong phim chỉ có 9 chặng đua Grand Prix (trong khi trên thực tế có thể lên tới 24 chặng) hay cách bộ phim nói về cách F1 khắc hoạ các nhân vật nữ trong thế giới đua xe Công thức 1… 

F1 vẫn là một trong những phim bom tấn đáng xem nhất năm 2025, nhưng với mục đích đơn thuần giải trí, thay vì để nhấn mạnh bất cứ thực tế nào về Giải đua huyền thoại này. Từ nhạc phim, quay phim và dựng phim, tất cả đều là yếu tố tạo nên một “siêu phẩm” điện ảnh đúng nghĩa của mùa hè, và sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu bộ phim tiếp tục phá vỡ kỷ lục phòng vé khi chỉ tính riêng vài ngày ra mắt, F1 đã thu về nhiều hơn các phim về Công thức 1 như Rush (100 triệu USD), hay Ford V Ferrari (52 triệu USD). Dù không hoàn toàn thuyết phục, nhưng với sự khoa trương, lộng lẫy, ồn ào cả về hiệu ứng truyền thông và mối “liên quan” trực tiếp với FIA, suy cho cùng, F1 cũng đã vẽ lên được phần long lanh nhất của Công thức 1.


ADVERTISEMENT