Enjoy Flaneur - Triết lý khám phá của những người hướng nội
Khởi nguồn từ giới văn nghệ sĩ nước Pháp - flaneur giờ đây lại càng có ý nghĩa hơn với cuộc sống hiện đại đầy những bộn bề.
Trong một tập phim Emily in Paris, Emily (Lily Collins thủ vai) ngồi bên ngoài quán cafe phàn nàn với bạn về cả ngày bận rộn trước mắt. Bạn cô - Cindy tuyên bố: “Bình tĩnh đi, lười thậm chí còn được coi là một kiểu nghệ thuật ở đây. Họ gọi nó là flaneur!”
Lười biếng cũng là một nghệ thuật, nhất là giữa những dòng chảy sôi động và đôi khi chứa đựng nhiều căng thẳng như cuộc sống hiện đại thường ngày. Nhưng lười biếng khi áp vào thuật ngữ flaneur lại có một tầng ý nghĩa khác hẳn.
Khởi đầu từ động từ tiếng Pháp “Flânerie” chỉ việc đi dạo, và bao hàm nghĩa tiêu cực như sự lãng phí thời gian khi chẳng làm gì mà chỉ đi nhìn ngắm xung quanh. Flaneur nhanh chóng trở thành đề tài được giới học giả và văn nghệ sĩ Paris ưa chuộng, thậm chí với nỗ lực tái định nghĩa từ nghĩa này. Nhà văn người Pháp Victor Fournel, trong cuốn Ce qu'on voit dans les rues de Paris ( Những gì người ta thấy trên đường phố Paris, 1867), đã dành cả một chương cho "nghệ thuật flânerie". Đối với Fournel, không có gì lười biếng trong hành động flânerie. Đúng hơn, đó là một cách để tìm hiểu về sự đa dạng phong phú của cảnh quan thành phố; nó giống như "một bức ảnh di động và đầy cảm xúc" về những trải nghiệm đô thị.
Và đúng là như thế, flaneur ra đời như một cứu cánh cho những cơ thể bó buộc trong một không gian vật lý, và biến những trải nghiệm đô thị trở thành một phong cách sống, một quan sát bóng bẩy về xúc cảm cô đơn giữa cuộc sống đô thị bộn bề nhiều áp lực. Thế giới càng phát triển, nhiều thành phố mọc lên, tiến bộ khoa học kĩ thuật càng được nâng cao, tất cả đồng nghĩa với một lẽ tất yếu: con người sẽ ngày càng cảm nhận nỗi cô đơn sâu sắc hơn bao giờ hết.
Sự phức tạp của những thành phố hiện đại tạo nên những mối quan hệ xã hội mới và thái độ mới với người khác. Thành phố có thể biến đổi con người, đồng nghĩa với cảm giác nội tại về sự tự do cũng sẽ thay đổi. Đó cũng là lý do để nhiều cư dân đô thị đôi lúc cảm thấy ngột ngạt, dù họ vẫn có sự tự do nhất định trong việc di chuyển và khả năng trải nghiệm. Flaneur, ngoài đóng góp diễn giải cơ chế tâm lý, là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ danh tiếng thế giới, còn đưa ra những định hướng thực tiễn cho việc thực hành.
Nói cách khác, làm thế nào để bạn làm chủ nghệ thuật “lười". Với nhịp điệu hối hả của cuộc sống, lười biếng là một cơ chế thì trệ, không năng suất, và không mang đến hiệu quả. Nhưng nhiều nhà tâm lý học đã chỉ ra, dành cho mình khoảng thời gian “không làm gì" có thể là cách tuyệt vời để bạn kết nối với chính mình, hiểu cơ thể và tâm lý mình đang muốn gì hay cần gì.
Không làm gì nghe rất dễ dàng, nhưng để áp dụng nó trong thời đại luôn đòi hỏi bạn phải quay cuồng tiến lên phía trước, để kiếm nhiều tiền hơn, để thành đạt hơn, để được yêu quý hơn, hay để cảm thấy có ích hơn… flaneur hoá ra lại chẳng đơn giản đến vậy. Nó đòi hỏi bạn buông bỏ những ràng buộc hàng ngày, cắt đứt kết nối với thế giới bên ngoài trong một khoảng thời gian nhất định, và chỉ dạo bước với tâm trí trống rỗng. Ngoài việc đây là cách hoàn hảo để khám phá chính thành phố nơi bạn đang sống, flaneur còn cho bạn khoảng lặng cần thiết để phản chiếu những suy nghĩ của bản thân, và để tái định nghĩa đô thị bao bọc họ bằng những kỉ niệm và dấu ấn rất riêng tư. Từ chỗ cảm thấy ngột ngạt, cần một cuộc get-away, đây có thể chính là chuyến khám phá bạn cần để cảm thấy tự do ở chính thành phố nơi bạn đang sống.
Thuật ngữ này thú vị thay lại có thể là bí mật cho cách du lịch mới - du lịch chậm. Flaneur khuyến khích bạn tìm hiểu về điểm đến bằng việc không chạy theo những lịch trình gấp rút, những điểm đến cụ thể mà chậm rãi thong dong thả bộ trên những con đường, nhìn ngắm xung quanh, lắng nghe những âm thanh địa phương, hít hà mùi hương từ tiệm ăn bên đường, hay dừng lại rất lâu để hưởng thụ một ánh hoàng hôn.
Làm chủ nghệ thuật flaneur là vậy, nhưng không chỉ người Pháp mới biết “lười". Khái niệm flâneur có nguồn gốc từ danh từ tiếng Bắc Âu vào năm 1585 - flana, có nghĩa “một người lang thang”. Và người Bắc Âu, vốn nổi tiếng là những cư dân “năng suất”, lại coi việc nghỉ ngơi không làm gì như một tính cách bản địa, thậm chí là bí mật của ngai vàng “hạnh phúc”. Nếu như người Thuỵ Điển có thói quen fika, ám chỉ khoảng thời gian nghỉ ngơi, ăn bánh uống cafe giữa giờ làm việc; người Ý có dolce far niente (không làm gì thật ngọt ngào) và người Hà Lan thì có lekker niksen…
Những ví dụ này đủ để chứng minh một điều căn bản: lười biếng là một hành động có ích. Dù bạn chọn lang thang trên những con phố lạ, hay ngồi góc quán cafe phớt lờ màn hình điện thoại, hay dành hàng giờ trong công viên nhìn ngắm con người… mỗi hành động này đều đến kèm với cuộc khám phá sâu sắc hơn về bản thân và thế giới xung quanh. Lần sau khi cần một sự trốn chạy, hãy cứ thử điều này trước tiên: flaneur.
>>Xem thêm: Khám phá trung tâm mua sắm tại sân bay Tân Sơn Nhất