W Coffee Talk Khi Maestro Honna Tetsuji nói về âm nhạc
Giám đốc nghệ thuật và chỉ huy của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam Maestro Honna Tetsuji dường như có thể truyền cảm hứng âm nhạc đến bất cứ ai có dịp trò chuyện với ông. Trong suốt 25 năm gắn bó với bối cảnh âm nhạc cổ điển Việt Nam, Nhạc trưởng Honna Tetsuji có thể nhớ từng bản nhạc, từng khoảnh khắc gắn với những chương trình biểu diễn mà ông tâm đắc, thậm chí nghệ sĩ solo hôm đó là ai? Họ chơi bản gì? Và của nhà soạn nhạc nào, dù danh sách những thành tựu ông đã đạt được trong sự nghiệp âm nhạc của mình không hề ngắn.
Maestro Honna từng là nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Osaka (1995 – 2001), chỉ huy chính của Dàn nhạc thính phòng Nhật Bản (1993 – 1997).. ông cũng đã chỉ huy hầu hết các dàn nhạc lớn ở Nhật Bản và nhiều dàn nhạc trên toàn thế giới như Philharmonica della Scala ở Milano, Dàn nhạc Mozarteum Salzburg, Philharmonia London, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Hungary, Budapest Philharmonic... và làm việc với những nghệ sĩ độc tấu lớn của thế giới như Martha Argerich, Elisabeth Leonskaja, Cyprien Katsaris, Peter Resel, Đặng Thái Sơn, Philippe Entremont, Cecil Licad hay Reiner Honek.
Gắn bó với nhạc cổ điển ngay từ những ngày đầu, nhưng Maestro Honna Tetsuji chẳng ngại việc hiện đại hoá nghệ thuật trình diễn hay thử nghiệm pha trộn nhạc cổ điển với nhạc cổ truyền Việt Nam, hoặc âm nhạc điện tử. Bởi với ông, ngay cả âm thanh thường ngày cũng có thể trở thành những giai điệu đẹp.
Từ khi nào ông biết mình muốn trở thành một nhạc trưởng?
Năm 12 tuổi, tôi là thành viên của câu lạc bộ orchestra ở trường cấp 2 và bắt đầu chơi trombone. Ở nhà tôi cũng thỉnh thoảng chơi cả piano và guitar nữa, nhưng đó là lần đầu tiên tôi được chơi nhạc trong một dàn nhạc. Khi chơi trombone, vị trí của tôi là ở dưới cùng và chính giữa, tôi luôn rất thích quan sát nhạc trưởng của mình. Đó có lẽ là lúc tôi bắt đầu có hứng thú với vị trí chỉ huy dàn nhạc.
Thành phố nơi tôi lớn lên ở phía Bắc Nhật Bản và rất hiếm khi có dàn nhạc thực sự đến đó biểu diễn, nên tôi thường rất thích các chương trình phát sóng trên TV. Một lần, tôi có dịp xem đài NHK trình chiếu dàn nhạc Moscow Radio Symphony (giờ đổi tên thành Tchaikovsky Symphony Orchestra) biểu diễn. Tôi còn nhớ cảm giác ngạc nhiên của mình lúc đó và hoàn toàn bị thu hút bởi cách nhạc trưởng Fedoseyev chỉ huy dàn nhạc. Đó là lúc tôi biết mình thực sự muốn trở thành một nhạc trưởng.
Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của ông?
Seiji Ozawa là một trong những nhạc trưởng nổi tiếng nhất của thế kỷ và đã chỉ huy nhiều dàn nhạc nổi tiếng nhất thế giới như Berlin, Vienna, New York hay Boston. Cũng vì ông là người Nhật nên điều này là động lực rất lớn với sự nghiệp của tôi. Năm 1986, tôi có cơ hội trở thành trợ lý của Seiji Ozawa, đây là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất tôi từng có, và cũng là nền tảng để tôi bắt đầu sự nghiệp.
Ông đã chỉ huy nhiều dàn nhạc lớn trên thế giới và làm việc với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực này như Martha Argerich, Philippe Entremont hay Đặng Thái Sơn..., và vô số buổi biểu diễn tại Việt Nam. Có màn trình diễn đặc biệt nào giữ một vị trí đặc biệt trong ký ức của ông không?
Năm 1988, tôi là nhạc trưởng khách mời của Mozarteum Orchestra Salzburg, và nghệ sĩ độc tấu ngày hôm đó là nghệ sĩ piano người Việt Nam - Đặng Thái Sơn (chơi bản Concerto số 1 của Chopin). Tôi nghĩ đó là định mệnh, bởi đến năm 2001, tôi đến Việt Nam và bắt đầu gắn bó với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Đó là kỉ niệm rất đáng nhớ với tôi.
Ngoài ra, một sự kiện đặc biệt khác với tôi là buổi hòa nhạc diễn ra vào ngày 23/10/2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày hôm đó, chúng tôi biểu diễn Bản giao hưởng số 8 của Gustav Mahler, một bản nhạc ca ngợi hoà bình, với quy mô lớn chưa từng có: 600 ca đoàn từ Việt Nam và quốc tế, 150 thành viên dàn nhạc từ nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Na Uy, Nhật Bản hay Việt Nam và 100 người của hợp xướng. Kỷ niệm này cũng có ý nghĩa rất quan trọng với tôi.
Đến Việt Nam từ năm 2001 để trở thành Giám đốc nghệ thuật và chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, thời điểm âm nhạc cổ điển được coi là khá “khó tiếp cận” với khán giả Việt Nam, ông có thấy đây là thử thách không?
Đúng là tôi có nghe nói về điều này, nhưng tôi cũng nhận ra rằng người Việt Nam rất yêu âm nhạc. Nếu có 10 người Việt Nam trước mặt tôi, ít nhất 8 hoặc 9 người có thể hát một bài hát Việt Nam nào đó. Với tư cách Giám đốc nghệ thuật và chỉ huy dàn nhạc, tôi cần phải cân bằng giữa việc xây dựng một dàn nhạc vững mạnh mà vẫn có thể thu hút khán thính giả.
Tôi đưa vào chương trình biểu diễn các nhạc phẩm của Tchaikovsky, Beethoven hay Dvorak. Ban đầu, tất nhiên một số khán giả có thể cảm thấy chúng không quen thuộc, với người nghệ sĩ cũng không phải dễ chơi, nhưng tôi tin rằng cuối cùng điều này sẽ có ích nếu dàn nhạc muốn trở thành một dàn nhạc giao hưởng đẳng cấp thế giới. Tôi cũng xây dựng các chương trình đa dạng, kết hợp nhiều tác phẩm và loại nhạc khác nhau để nghệ sĩ sẽ có nhiều vai trò và nền tảng hơn. Dần dần, khán thính giả cũng sẽ quen và cảm thụ nhiều hơn.
Trong 25 năm làm việc với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, tôi chắc chắn rằng ông đã chứng kiến rất nhiều thay đổi trong bối cảnh âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Những thay đổi đó là gì?
25 năm trước và bây giờ rất khác, điển hình ở việc rất nhiều bạn trẻ giờ đây đến tham dự buổi hòa nhạc. Đây là bối cảnh rất khác so với nhiều nền âm nhạc khác trên thế giới. Khán giả ngày càng trẻ hơn, tạo nên sự cân bằng. Ngay cả số lượng nghệ sĩ nhạc cổ điển trẻ tuổi được đào tạo bài bản cũng đang tăng lên. Đồng thời, opera cổ điển cũng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.
Ông đã chỉ huy nhiều tác phẩm, các vở opera của Mozart và tác phẩm hiện đại như “Cô Sao” của Đỗ Nhuận hay “Lá Đỏ” của Đỗ Hồng Quân. Khi chỉ huy một tác phẩm của một nhạc sĩ Việt Nam dành cho khán giả Việt Nam, nguyên tắc và quy trình của ông là gì? Chúng có khác biệt so với khi ông làm việc cùng các tác phẩm cổ điển không?
Đối với tôi, âm nhạc nào cũng đòi hỏi việc học. Dù có là Mahler, Beethoven, Mozart, Schubert, Đỗ Nhuận, Đỗ Hồng Quân… quá trình này là như nhau. Mặt khác, tôi cảm thấy Việt Nam giống như một kho báu của những giai điệu đẹp, đầy chất thơ, điều này truyền cảm hứng nhiều cho tôi.
Ông được biết đến với các dự án thử nghiệm hiện đại hóa âm nhạc cổ điển. Có vẻ như nhạc cổ điển không phải thể loại duy nhất mà ông nghe?
Tôi thích nghe rất nhiều thể loại nhạc, và coi đó như là cách để tiếp tục học hỏi về âm nhạc. Ngoài nhạc cổ điển, tôi sẽ nghe jazz, đôi khi folk, ca khúc tiếng Việt, hay các tác phẩm thể nghiệm…
Đã sống ở Hà Nội trong 25 năm qua, ông sẽ mô tả thành phố này như thế nào?
Hầu như mọi cảnh quan trước mắt đều khiến tôi hạnh phúc. Hà Nội mang đến cảm giác sống động, không rập khuôn. Tôi cũng có nhiều địa điểm yêu thích ở Hà Nội như Nhà hát Lớn, hay bên trong khách sạn Metropole, nơi tôi vừa mới có concert mùa lễ hội vào cuối năm 2024.
Một số chương trình được mong đợi nhất của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam năm nay mà khán thính giả không thể bỏ lỡ?
Tất nhiên là tôi sẽ gợi ý tất cả các buổi trình diễn rồi Năm nay, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ có nhiều chương trình, khởi đầu với Tết Nguyên đán, sau đó là các chương trình ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Nhật Bản, với sự góp mặt của các chỉ huy khách mời từ Việt Nam và quốc tế. Ông thích chỉ huy dàn nhạc với tác phẩm nào nhất? Tôi thích tất cả các tác phẩm mình chỉ huy, nhưng nếu phải kể ra một vài cái tên, tôi nghĩ là các tác phẩm của Gustav Mahler, Anton Bruckner, Richard Strauss, Wolfgang Amadeus Mozart, và đặc biệt là Beethoven.
>>Xem thêm: Sam Aisbett: Bếp trưởng có duyên với sao Michelin