share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Một thoáng Bạc Liêu!


ADVERTISEMENT

Tôi chỉ có một ngày để thăm Bạc Liêu sau khi chuyến công tác kết thúc. Đây là một chuyến đi tranh thủ, thế nên gọi “một thoáng” thì cũng chẳng sai. “Chỉ mong là không quá cưỡi ngựa xem hoa”! Tôi bảo thế với bạn đồng nghiệp của mình. Trên xe, anh tài xế mở nhạc đúng bài Dạ cổ hoài lang: “Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu như sống lại hồn Cao Văn Lầu. Về Bạc Liêu danh tiếng, ôn lại giấc ngủ vàng son một thời để nhớ ngày đó xa rồi…” nghe thôi là muốn đến vùng đất vốn nổi tiếng là trù phú, sầm uất, phát triển sớm nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long một lần rồi. Cứ tưởng một ngày ngắn ngủi sẽ chẳng đọng lại gì trong tâm trí, ấy vậy mà vùng đất nổi danh với vị công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng lại cho tôi những kỷ niệm thật đẹp.

Dù chỉ một ngày, nhưng tôi đã có dịp về thăm Bạc Liêu - cái nôi của đờn ca tài tử

Vì thời gian ít, tôi không thể một mình lang thang theo kiểu thích đi đâu thì đi, lạc đường thì quay lại tìm đường mới, mà đi theo lộ trình bác tài đã hướng dẫn để không mất thời gian. Xuất phát từ trung tâm thành phố Bạc Liêu, tôi tiến về dâng hương lễ Phật tại Quan Âm Phật Đài Mẹ Nam Hải tọa lạc ở phường Nhà Mát. Con đường dẫn vào khu vực chính ở Quan Âm Phật Đài rộng rãi và sạch sẽ. Hai bên, những cây cơm nguội vàng trổ hoa rực rỡ giữa cái nắng mùa hè. Phía trong sân rộng, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 11m đứng uy nghi hướng nhìn ra biển nổi bật giữa không gian thiền tịnh. Lễ hội Quán Âm Nam Hải diễn ra vào tháng 3 âm lịch thu hút đông đảo người dân khắp Bạc Liêu tụ họp về đây dâng hương bái Phật. Dù hôm tôi đi không phải ngày rằm hay lễ gì, nhưng vẫn có đông đảo Phật tử thành kính dâng hương bái Phật. Tôi không dành nhiều thời gian ở nơi này, mà quay trở ra ngay khi đã dâng hương để tiến về phía biển.

Cổng vào Quan Âm Phật Đài Mẹ Nam Hải

Không trong xanh vời vợi, không có cát trắng tinh mịn màng, biển Bạc Liêu thu hút bởi nét đặc biệt riêng. Thay vì những bãi dương, ven biển ở đây là những bãi đất bùn bồi đắp cho cây sú, vẹt sinh sống thành rừng. Những chú cá thòi lòi dưới nước thi nhau bò lên bãi bùn ở bờ biển để sưởi nắng trông khá thú vị. Dưới bãi, vài người nông dân đang cần mẫn làm công việc mưu sinh. Trong bức tranh thiên nhiên có bóng dáng con người luôn là nét chấm phá, là sự kết hợp mang đến vẻ đẹp hoàn hảo khiến bất cứ ai được thưởng lãm cũng chẳng thể rời mắt. 

Bức tranh thiên nhiên trên biển Bạc Liêu

Tôi đứng ngắm cảnh và chụp vài bức ảnh trước khi tới khu ẩm thực được xây dựng cách bờ cả trăm mét nối với đất liền bằng một cây cầu nhỏ. Đúng lúc tới giờ của bữa trưa nên cả đoàn quyết định ăn trưa tại đây. Cảm giác được ngồi trong những ngôi nhà trên biển, vừa thưởng thức món ăn vừa hít căng lồng ngực làn gió biển mát rượi thực sự khiến tôi chẳng muốn về. Nhưng thời gian thì mãi không bao giờ ngừng lại và tôi cũng còn vài điểm muốn đến nên thưởng thức xong bữa trưa đành phải lên đường.

Tôi rất thích món bánh xèo ở Bạc Liêu

Điểm tiếp theo mà chúng tôi đến chính là ngôi chùa Khmer nổi tiếng xứ Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán. Trên đường, chúng tôi đi ngang khu vườn nhãn cổ có tuổi đời khoảng 200 năm. Không phải mùa quả chín nên chúng tôi không ghé vào vườn. Nhãn Bạc Liêu có vị ngon rất đặc trưng. Nghe nói, nếu đi vào mùa quả sẽ thấy dọc hai bên đường là một màu vàng của những chùm nhãn trĩu cành. Vậy là có thêm một lý do để quay lại Bạc Liêu rồi!

Chùa Xiêm Cán, là một trong những ngôi chùa Khmer lớn và đẹp lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam bộ. Chùa được xây dựng theo kiến trúc Angkor của người Campuchia với những họa tiết, phù điêu tiên nữ và quái vật độc đáo ở mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Chùa gồm nhiều khu vực như chánh điện, nhà ở các sư, mộ táng, tháp xá lợi. Ngôi chùa vừa là nơi thờ Phật đồng thời cũng là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống như Ok Om Bok, Chol Chnam Thmay của người Khmer. Chùa Xiêm Cán nằm trong khuôn viên rộng, nhiều cây xanh che bóng mát và được bao quanh bằng bức tường rào chạm khắc nhiều hoa văn sặc sỡ, đẹp mắt. Đến chùa không chỉ để vãn cảnh mà còn để hưởng không khí yên tĩnh, tìm chút bình yên sau những ngày làm việc mệt mỏi.

Chùa Xiêm Cán, là một trong những ngôi chùa Khmer lớn và đẹp lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam bộ

Chùa Xiêm Cán được xây dựng theo kiến trúc Angkor với những họa tiết, phù điêu tiên nữ

Đến Bạc Liêu thì nhất định phải tới nhà của vị công tử “đốt tiền nấu trứng” nổi tiếng lục tỉnh Nam kỳ. Thế nên, điểm đến cuối cùng trong dịp này của chúng tôi chính là ngôi nhà cổ của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Nhà công tử Bạc Liêu tọa lạc ở trung tâm thành phố Bạc Liêu mang phong cách kiến trúc Đông Dương thuộc vào hàng to đẹp nhất lục tỉnh Nam kỳ thời bấy giờ. Quả thực đi vào trong nhà tham quan từng căn phòng và những món đồ nội thất gắn với vị công tử nổi danh một thời như giường, gụ, chén trà, bàn ghế… mới thấy độ sang trọng, hào hoa của ngôi nhà.

Những món đồ nội thất gắn với công tử Bạc Liêu đều sang trọng, hào hoa

Chúng tôi theo chân hướng dẫn viên đi một vòng căn nhà nghe giới thiệu về từng món đồ cho tới lúc khu vực tham quan sắp đến giờ đóng cửa mới ra về. Một ngày sắp qua và Bạc Liêu thì vẫn còn rất nhiều nơi tôi chưa tới. Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu; nhà tưởng niệm Bác Hồ, và đặc biệt là cánh đồng điện gió nơi check-in của rất nhiều bạn trẻ mà tôi thấy trên mạng… đành hẹn lại vào một ngày gần nhất, khi thời gian sẽ không cần dùng tới từ “một thoáng” nữa.  

Tôi nhất định sẽ đến cánh đồng điện gió nơi check-in của rất nhiều bạn trẻ

 

 

 


ADVERTISEMENT