share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Architecture Mùi hương - xúc cảm của kiến trúc


ADVERTISEMENT

Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong lòng công trình The Scent Tunnel (Tokyo). Mỗi bước chân đưa bạn đến một mùi hương khác nhau, dù chẳng có một nguồn hương nào để mắt người có thể thấy. Khi thực hiện dự án này, nghệ sĩ kiêm kiến trúc sư Héctor Esrawe ướp những mùi thơm khác nhau vào từng phần của đường hầm được xây dựng với chất liệu gỗ này, trải dài từ gỗ đến cây cỏ và các loại hoa. Mỗi hương thơm khuấy động một vùng ký ức riêng, mang đến những cảm xúc khác nhau. Trải nghiệm ở The Scent Tunnel là tóm gọn về cách kiến trúc có thể tương tác với khứu giác con người, và không chỉ có Héctor Esrawe, rất nhiều kiến trúc sư cũng đã bắt đầu tìm kiếm yếu tố mùi hương cho những thiết kế của mình, thậm chí coi đây như một phần linh hồn của công trình. 

Mùi hương và không gian

Người ta tìm đến trị liệu hương thơm cũng cùng lý do họ xịt nước hoa: để tìm kiếm những cảm xúc chỉ mùi hương mới có thể mang lại. Hoặc chúng đưa bạn về một thời điểm trong quá khứ, hoặc nó đẩy cảm xúc của bạn đến một tầng thái mới. Và cũng không có gì mang lại cảm giác thư giãn nhanh chóng như những mùi hương. Những tác động của mùi hương không dừng lại ở trải nghiệm nội tại, nó còn phản ánh lên những tương tác giữa con người với môi trường xung quanh. Điều này lý giải vì sao bạn có thể đến một không gian rất đẹp với nội thất sang trọng, nhưng lại không cảm thấy thoải mái bằng việc đến một quán cà phê đơn giản nhưng phảng phất mùi hương cà phê mới xay trong ngày.

Dù không gian là vật thể hữu hình, nhưng cách ta nhìn và cảm nhận về chúng lại dựa vào chính cảm giác của ta ở trong không gian này. Nhận thức thị giác từ cơ chế khứu giác chính là nền tảng quan trọng cho một chương mới của kiến trúc. Xúc cảm hơn, và nuông chiều hơn. Dù tưởng nghe như sản phẩm của tính đương đại, nhưng trên thực tế, mùi hương đã được áp dụng trong xây dựng và kiến trúc từ thời xa xưa. Nếu như người Trung cổ trồng cây cam và chanh ở lối đi vào nhà để tạo nên mùi hương tự nhiên phảng phất trong không gian, người Hà Lan thế kỷ XVI cũng dùng gỗ sồi trong vật liệu xây dựng để có hương thơm tự nhiên cho ngôi nhà.

Hương thơm theo mùa hay hương thơm tự nhiên có thể đến rồi đi, hương thơm chúng ta sử dụng hàng ngày từ nến thơm với độ khuếch tán nhỏ cũng không phải lựa chọn tối ưu cho không gian rộng lớn. Rất may là thế kỷ XXI đồng nghĩa với những tiến bộ khoa học đủ tầm vóc để các kiến trúc sư và nhà hoạch định đô thị tìm kiếm những giải pháp đầy sáng tạo nhằm đưa mùi hương vào không gian và lưu giữ chúng trong khoảng thời gian lâu nhất, thậm chí là mãi mãi.

Xúc cảm mới của kiến trúc

Ở thời đại nơi kiến trúc đã chẳng còn giới hạn, bài toán khó nhất đặt ra cho kiến trúc sư không phải ở sự sáng tạo với mùi hương, mà là mang hương vào không gian thế nào cho hiệu quả. Tạo ra hương thơm cho một thiết kế đòi hỏi nhà thiết kế phải hiểu linh hồn của không gian, lần sâu vào ý nghĩa, tính chất, chức năng, và cảm xúc không gian muốn truyền tải. Như việc bước vào cửa hàng Tiffany & Co., bạn sẽ chẳng nên mong đợi một thứ mùi dịu ngọt và thư giãn bởi sự sang trọng và thanh lịch của cửa hàng danh tiếng trên con phố 5th Avenue (New York) này chắc chắn phải là sự kết hợp giữa iris và xạ hương. Hương thơm không gian thương hiệu là thứ bạn dễ dàng tìm thấy nhất, và cũng là ví dụ kinh điển nhất của trào lưu này.

Tuy nhiên, mỗi không gian lại đòi hỏi cách “ướp hương” khác nhau, tùy theo chức năng công trình. Có nơi chỉ đơn giản đưa cây cối có hương thơm vào thiết kế không gian, một số nơi khác như tòa nhà Bridge House (Hancock, LA) lại lắp đặt hệ thống HVAC kết hợp bộ khuếch tán hương thơm không khí lạnh. The Tokyo Tunnel lồng mùi hương vào từng thớ gỗ của công trình là lựa chọn khôn ngoan, bởi gỗ hay vải có khả năng lưu giữ và khuếch tán mùi hương theo thời gian. Việc đưa hương thơm vào vật liệu xây dựng tự nhiên như gỗ, tre, đá, đất sét hay da và len đã được nhiều kiến trúc sư thử nghiệm.

Năm 2012, công ty kiến trúc Herzog & de Meuron hợp tác với nghệ sĩ Trung Quốc Ai Weiwei để thiết kế và xây dựng Serpentine Gallery Pavilion (London) với vật liệu nút chai vì đặc tính âm thanh, kết cấu và mùi kim loại đặc trưng. Một thứ mùi công nghiệp, tuy khó chịu với người này, nhưng lại đầy ắp kỷ niệm với người kia. Giao thoa giữa mùi hương, ký ức, và trải nghiệm thị giác mang đến cho kiến trúc những tầng nghĩa mới, đặt con người vào sự thường thức độc đáo với môi trường xung quanh. Vì thế, việc chọn lựa và giới thiệu mùi hương trong không gian là một biểu cảm có tính lan tỏa, là những truyền tải âm thầm giữa người sáng tạo và người ghé thăm không gian. Và như Frank Gehry từng nói, “những tác phẩm kiến trúc tuyệt vời đều thể hiện cảm xúc”, mùi hương chính là một trong những chất dẫn dụ cảm xúc như vậy với kiến trúc.


>>Xem thêm: Kiến trúc và giác quan trong đối thoại không gian


ADVERTISEMENT