share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Reminiscence & Heritage Nếu được lựa chọn lại, Đà Nẵng với chúng tôi vẫn là điểm đến tuyệt vời


ADVERTISEMENT

Dành tặng Đà Nẵng, phòng 409 T2 và các chú bộ đội thuộc Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (Sơn Tây, Hà Nội)

Tôi ở Hà Nội, tôi rất yêu Đà Nẵng. Phải khẳng định ngay như thế, để các bạn thấy chẳng có lý do gì mà tôi (và rất rất nhiều người khác) lại không chọn Đà Nẵng làm điểm đến đầu tiên ngay khi du lịch nội địa được kích cầu sau dịch Covid19, nửa đầu năm 2020. 

Thế nhưng, chẳng cần theo dõi thời sự, bạn cũng biết một ngày đẹp trời vô cùng, trời xanh, mây trắng, nắng vàng, biển rì rào sóng vỗ, Đà Nẵng bỗng chốc biến thành tâm dịch - cuộc chiến với Covid19 hóa ra vẫn chưa kết thúc, còn tôi, bỗng trở thành một trong số hàng ngàn du khách mắc kẹt ở đây.

Quả nhiên là những ngày thật khác. Chuyến đi “đổi gió” bất chợt từ ba ngày với chiếc balo nhỏ xíu cùng hai bộ quần áo, trở thành gần hai mươi ngày gần như ở nguyên trong khách sạn. Tôi còn nhớ lúc đó cảm thấy cáu giận như thế nào chuyến bay bị hủy cách đó vài tiếng, không một sự chuẩn bị, tệ hơn là sức khỏe không hề ổn ngay từ tối đầu tiên tới Đà Nẵng.

Chuyến đi “đổi gió” bất chợt trở thành chuyến đi dài ngày

Quả nhiên là những ngày không dễ dàng. Hàng quán đóng cửa, cấm cả dịch vụ giao đồ ăn, nhiều khu vực bị phong tỏa, không .đủ quần áo mặc, công việc bị ảnh hưởng khi phải giải trình đủ thứ để được chấp nhận cho làm việc từ xa. Đặc biệt là, bạn biết đấy, một tâm hồn tự do sẽ không bao giờ thích bị bó buộc trong mười lăm mét vuông bao quanh bởi bốn bức tường, mà không, ngay cả người bình thường cũng sẽ không thích, dù đây có là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, nhưng nó không phải nhà mình.

Thương cho những cánh cửa im lìm

“Nếu là những ngày bình thường, đây là mùa du lịch đẹp nhất của Đà Nẵng em à, nắng nhẹ nhàng thôi, gió cũng đủ rồi, ấy thế mà…” - người bạn duy nhất ở đây nói với tôi như vậy lúc tôi còn hậm hực vì đổ bể hết mọi kế hoạch. Trong lòng bỗng dấy lên sự xót xa, hóa ra những gì thành phố phải gánh chịu còn tệ hơn thế, khi mà chỉ vừa manh mún vực dậy sau một “kỳ nghỉ Tết” dài bất đắc dĩ, thì một bước tiến nhỏ chẳng thể bù lại cho hàng chục bước lùi. Thương cho biển vắng, thương cho những cánh cửa im lìm, thương cho những con đường chẳng còn tấp nập, thương cho những cửa hàng thậm chí còn chưa kịp khai trương… và thương lắm thành phố du lịch đang oằn mình chống chọi với dịch bệnh quái ác.

Thành phố du lịch đang oằn mình chống chọi với dịch bệnh quái ác

Quả nhiên là những ngày đáng nhớ. Khách sạn tự động giảm tiền phòng, cho mượn bếp nấu ăn, hỗ trợ hết sức nhiệt tình. Người bán hàng cho thêm mớ rau, con cá, lon gạo khi biết cái đứa đặc sệt giọng Bắc đi mua đồ dự trữ cho những ngày mắc kẹt. Người bạn mang cho tôi những thứ cần thiết, đưa đi khám bệnh, quan tâm từng chút một, để hai đứa có thể thở phào rằng tôi bị viêm họng cấp chứ chẳng dính dáng gì đến căn bệnh nguy hiểm kia. Tôi lại sống trong giãn cách xã hội lần hai, với lịch trình “điều độ” không kém đợt trước, làm việc giờ hành chính, nấu ăn, ngủ nghỉ đúng giờ. Ngắm Sơn Trà qua cửa sổ, ngắm thành phố trên sân thượng tòa nhà, thèm quá, thì có thể cố tình đi đường vòng từ chợ về khách sạn để được ở ngoài đường lâu hơn vài phút.

Những ngày không quên, ở thành phố đáng sống nhất Việt Nam

Tôi viết những dòng này khi đang ở trong khu cách ly tập trung thuộc trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (thị xã Sơn Tây), cùng hơn 800 người khác, bằng bốn chuyến bay được Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đề xuất cho những du khách như tôi được sớm trở về Hà Nội, bằng sự hỗ trợ nhiệt tình của những người như Mai - người phụ trách hỗ trợ kiên nhẫn trả lời từng người một về vé máy bay, nơi cách ly và hàng trăm câu hỏi khác. Gói quà trước khi lên máy bay thay cho lời xin lỗi và cảm ơn từ Đà Nẵng dù chẳng đắt giá, nhưng thực sự cảm thấy xúc động. Sự tử tế vẫn hiện hữu ngay cả khi khó khăn chồng chất.

Khu cách ly tập trung dành cho du khách từ Đà Nẵng về Hà Nội

Quả nhiên là những ngày quý giá, cho tôi biết yêu hơn đất nước mình. Vé máy bay được đổi ngang, chẳng mất thêm một đồng tiền phí, và dù bạn có bỏ tiền mua thì giá tiền cũng chẳng đáng là bao so với chi phí hãng hàng không bỏ ra để vận hành chuyến bay nhân đạo ấy. Các anh, các chú bộ đội sắp xếp nơi ở, vác đồ đạc lên tận phòng cho mọi người, họ nấu ăn, họ thay nhau trực, họ dọn dẹp, họ hỗ trợ không nề hà. Mọi người trong phòng chẳng ai bảo ai, tự dọn dẹp, tự bảo ban nhau, chia sẻ với nhau những câu chuyện, chỉ vài ngày bỗng chốc như một gia đình, tiếng cười vẫn giòn giã qua những lớp khẩu trang.

Tập thể dục vẫn không quên đảm bảo an toàn bằng việc đeo khẩu trang

Những suất cơm được bộ đội đưa vào hàng ngày

Mọi người, đã dần quen với cuộc sống ở đây

“Cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày”, tôi ngoài lịch trình làm việc, tập yoga, còn thêm việc học tiếng Trung từ một cô giáo trong phòng. Tiếng nhạc từ điện thoại hơi nhỏ, nhưng vẫn đủ cho mấy chị rủ nhau tập aerobic mỗi chiều. Chúng tôi đã quen với tiếng loa mỗi sáng, tiếng dặn dò thông báo hàng ngày, đo nhiệt độ, đeo khẩu trang thường xuyên, cùng hàng loạt các biện pháp giữ an toàn trong khu cách ly. Nói vui mà thật, phải cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ lắm, bởi chẳng ở đâu mà những người bị nhiễm hay nghi nhiễm bệnh được chăm sóc hết sức tận tình, và hoàn toàn miễn phí, ngay cả khi Việt Nam chưa phải là một nước phát triển, giàu mạnh.

Những ngày mưa mùa hè còn dài lắm

Và chúng ta, còn cả chặng đường phía trước

Mưa mùa hè còn dài, cũng như thời gian “kháng chiến” chống dịch của chúng ta vẫn còn cả chặng đường phía trước. Vẫn nhớ mãi lời của chú H. bán gạo ở chợ Phước Mỹ, sau khi hỏi han thì không quên động viên: “Con phải có niềm tin vào các bác sĩ, vào các vị lãnh đạo nhé. Nước mình rồi sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh, con sẽ sớm được về nhà…”.

Chắc chắn, sẽ sớm thôi, Đà Nẵng ơi, Việt Nam ơi!

Hà Nội, tháng Tám năm 2020


ADVERTISEMENT