share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Reminiscence & Heritage Thì ra "Thanh Xuân" cũng chỉ là một quận ở Hà Nội


ADVERTISEMENT

“Siết tay dắt nhau mình lánh xa thế nhân
Lánh xa ưu phiền đắng cay trần gian…”

Giọng ca Thanh Tuyền vang lên từ radio trong chuyên mục âm nhạc qua lời yêu cầu của một bạn trẻ muốn tặng bài hát này cho người bạn gái của mình. Vài năm trở lại đây, những bản nhạc xưa từ thế hệ trước đã trở nên bùng nổ cực thịnh. Những ca khúc tưởng chừng như bị lãng quên và chỉ được hát ở thế hệ cha ông nay lại được rất nhiều người trẻ hát lại. Bên cạnh đó những cuộc thi về Bolero trên truyền hình ngày càng thu hút được nhiều khán giả.

Bolero du nhập vào Việt Nam khoảng thập niên 50, và bước vào giai đoạn đỉnh cao khoảng những năm 60 - 70. Những bài nhạc Bolero được được thu âm vào băng cassette hoặc đĩa vinyl (đĩa than)

Bolero là những tâm sự, cảm xúc thật, câu chuyện giản dị và gần gũi. Đôi lúc ngỡ mình là nhân vật trong từng câu hát ấy, rồi nao lòng vì vài câu hát vu vơ. Giai điệu của những bản nhạc Bolero đã thấm vào máu của thế hệ đi trước và được truyền lại cho đời con cháu sau này, dường như dòng máu ấy vẫn luôn chảy âm ỉ qua biết bao nhiêu thế hệ, của những người xa xứ, lúc nào cũng đau đáu tìm về cố hương, là những anh lính ra trận bỏ lại bà mẹ già và cô gái mà họ yêu thương. Những lữ khách cô đơn giữa trời lạnh giá, tình cờ bước về con đường xưa kỷ niệm. Hay là phận đời lủi thủi một mình giữa đêm khuya khoắt sau những cuộc mua vui, lột bỏ lớp phấn son, khóc thương cho cái kiếp tằm tơ nơi thành thị.  

“Biển xanh cát trắng, sóng hòa nhịp ái ân
Không còn những chiều bâng khuâng...”

Giọng ca sĩ Thanh Tuyền vẫn vang lên xa dần xa dần, khuất lấp vào tiếng nhạc EDM hiện đại phát ra từ quán café bên đường. Bolero không những là cảm xúc , kỷ niệm cá nhân, câu chuyện về những số phận, những mảnh đời chấp chới mà còn là cả thanh xuân của tuổi trẻ thế hệ đi trước.
---
Nếu Bolero là hơi thở của thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta thì những ca khúc thời Làn Sóng Xanh lại gắn liền với thế hệ 8x, 9x đời đầu. Thời mà những đứa trẻ con chỉ mong chờ sáng chủ nhật hàng tuần để nghe xem ca khúc thần tượng của mình đang đứng hạng mấy, là những ngày nhịn ăn sáng, năn nỉ mẹ dẫn đi mua những cuốn băng cát-xét của Lam Trường, Phương Thanh, Đan Trường…Những đứa trẻ 8x, 9x ngày nào giờ đã trưởng thành, không còn cuồng nhiệt như xưa nhưng những giọng ca ấy đã trở thành một phần tuổi trẻ của họ. Rồi bất chợt nghe lại những giai điệu ấy vang lên lại muốn hát theo thật to nhưng lại sợ, sợ người ta nghĩ mình điên, nhưng người ta đâu biết đó chính là cả thanh xuân của thế hệ chúng tôi.

Lam Trường là ca sĩ thế hệ vàng của Làn Sóng Xanh, thần tượng của giới trẻ thời ấy và cho đến tận bây giờ 

Họ đâu biết cách đây mười mấy năm về trước, có cậu sinh viên rụt rè hàng ngày nấp sau ô cửa lén nhìn cô gái lớp cạnh, đến một ngày lấy hết can đảm cầm đàn đứng trước cửa lớp hát tặng cô bài Tình Thôi Xót Xa của anh Hai Lam Trường. Cũng có cô bé cấp 2 năm nào hàng ngày đặt những lá thư tình học trò vào hộc bàn cậu bạn lớp trưởng điển trai với khuôn mặt dễ thương, mái chẻ đôi như anh Bo Đan Trường để rồi khi chưa kịp bày tỏ tình cảm với cậu ấy thì cậu đã có người yêu, về nhà bật radio thì nghe chị Chanh hát Tình Xa Khuất, khi ấy nước mắt như mưa, khóc liền 3 đêm. Năm cuối cấp, ngày bế giảng, ca khúc Tình Thơ vang lên đứa nào cũng rưng rưng ôm nhau khóc, con trai khóc, con gái khóc, thầy cô cũng khóc. Đến tận 20 năm sau bài hát ấy vẫn còn được phát lại ở các trường học.

Giờ đây, thỉnh thoảng nghe lại những giai điệu ấy thì biết bao kỷ niệm ngày xưa ùa về, giật mình nhận ra hình như mình đã già. Bất chợt nhận ra thanh xuân không phải là thời gian bao lâu mà thanh xuân chính là những khoảnh khắc khiến chúng ta nhớ mãi.
---
- Trả tao bịch bánh
- Không, tao không trả
Cậu nhóc giật mạnh bịch bánh rồi chạy mất, để lại cô bé xinh xắn đứng một mình với hai hàng nước mắt.

Nhiều khi sau những thời gian vật lộn với cuộc sống trưởng thành, món quà tuyệt vời nhất của mỗi người đó chính là nhớ về những giai đoạn hồi ức của tuổi thơ. Đó là những ngày tháng có lẽ còn sót lại của thế hệ cuối 8x, đầu 9x. Cái tuổi không phân biệt giàu nghèo, địa vị, xuất thân, hôm nay đánh nhau chảy máu, hôm sau lại rủ nhau đi chơi. Một buổi đi học, một buổi đi chơi với đám bạn trong xóm. Cái thời không điện thoại, không Internet, nhưng muốn tìm nhau thật chả có gì khó khăn. Những trò chơi của tụi con nít xưa chỉ đơn giản là năm mười, tạt lon, bắn bi hay ô ăn quan…. Hè về thì lội ruộng bắt cá, kê hai cục gạch, đốt lửa nướng cá, trò chơi bán đồ hàng của tụi con gái hay là lúc đi lượm cây, lá về dựng nhà…


Ô ăn quan là trò chơi dân gian của Việt Nam, gắn liền với ký ức của thế hệ 7x, 8x và đầu 9x

Có người nói, thanh xuân của một đời người đó chính là những thời khắc tuổi thơ đẹp đẽ mà khi nhớ tới tự nhiên môi mỉm cười. Những ngày tháng gắn liền với tiếng khóc râm ran, tiếng cười rinh rích, cả những buồn tủi của một thời trẻ dại và những vết thương ngoài da hòa lẫn vào máu và nước mắt. Nhưng không sao, chẳng có gì làm cho lũ trẻ khi ấy buồn lâu được vì lúc nào cũng có tụi bạn thân bên cạnh. Đến khi trưởng thành, công nghệ, Internet phát triển, dường như việc liên lạc với nhau chẳng có gì khó khăn nhưng để có được một buổi gặp nhau đầy đủ như ngày xưa thật khó. Công nghệ giúp con người sát gần nhau hơn và cũng chính công nghệ khiến những người gắn bó cả tuổi thơ tự như thanh xuân cũng trở nên xa cách đến lạ.
---
Cô và anh là mối tình đầu của nhau từ thời trung học, 6 năm quay ngoắt như lật vài trang giấy. Yêu nhau, cả gia đình, bạn bè ai cũng biết. Má cô giục:
- Ra trường rồi cưới nha con.
- Con còn nhỏ, cưới xin gì má. Giờ ăn chơi chưa đã, sự nghiệp chỉ mới bắt đầu thì cưới nhau về cạp đất mà ăn à!
- Ờ thì tùy bây, bây muốn làm gì thì làm nhưng nhớ giữ nó nha con. Ra đời đi làm rồi nhiều cơ hội khác, không giữ có ngày mất chồng như chơi.
- Yêu nhau 9 năm rồi chứ có phải 9 tháng đâu mà nói bỏ là bỏ được má. Tụi con là thanh xuân của nhau sao mà bỏ được.

Thời gian lướt ngang như một cơn gió, đến năm thứ 10 cả hai hẹn nhau tại quán café xưa, chọn đúng vị trí chiếc bàn cũ.
- Em muốn chia tay
- Anh muốn chia tay

Âm thanh cất lên cùng lúc, cả hai nhìn nhau rồi bật cười. Chưa bao giờ lời chia tay trong tình yêu lại dễ dàng đến thế. Chả có một màu tăm tối, chả có những giọt nước mắt và cũng chả có những lời giận hờn, oán trách. Khi chia tay, mọi lý do cũng trở nên dư thừa. Tự hỏi, thanh xuân một đời người đáng giá bao nhiêu?

Tự hỏi “Thanh Xuân” là tên một quận ở Hà Nội, là tên bài hát của nhóm Da Lab hay đơn giản là tuổi trẻ của chúng ta đã từng cùng nhau trưởng thành?

Đâu đó trong một câu chuyện vui của hai người bạn trẻ mà tôi nghe được:
- Thanh xuân là gì hả mạy?
- Thanh Xuân là một quận ở Hà Nội. Vậy cũng hỏi!

À, thì ra đối với một số người, thanh xuân cũng chỉ đơn giản đến vậy. Bất kỳ ai trong số chúng ta cũng có một tuổi thơ gắn bó với một sự kiện, hoàn cảnh, một thời khắc nào đó trong quá khứ sẽ có những kỷ niệm buồn, sẽ có những niềm vui, và cũng sẽ có những khoảnh khắc khiến chúng ta nhớ mãi. Chúng ta không thể quyết định, lựa chọn tuổi thơ của mình nhưng chúng ta có quyền lựa chọn giữ lại những gì đối với mình là đẹp nhất, nhớ những kỷ niệm đáng nhớ nhất, đôi khi có cả nước mắt và sự tiếc nuối.

Thanh xuân chỉ trải qua một lần trong đời, muốn khóc thì cứ khóc, muốn cười thì hãy cười, muốn yêu thì hãy mạnh dạn nói ra, hãy làm những gì bạn muốn. Hãy nhớ, thanh xuân là một con đường có nhiều ngã rẽ, hãy tự chọn cho mình một lối đi và những kỷ niệm, trải nghiệm trên con đường ấy sẽ “nặn” lên con người của bạn hôm nay.

 


ADVERTISEMENT