share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Reminiscence & Heritage Thương nhớ mùi Tết xưa


ADVERTISEMENT

Trong một lần nhắn tin với người bạn đang làm việc ở nước ngoài, tôi hỏi Tết nước ngoài khác gì với Tết Việt Nam, người bạn ấy trả lời: “Mùi Tết”. Chính xác là “Mùi Tết” cái mùi bạn chẳng thể nào tìm được ở bất cứ nơi đâu ngoài Việt Nam.

Là mùi trầm hương ông hay mua về mỗi Tết, thoang thoảng khắp nhà, hương thơm dịu ngọt, ấm cúng mang một chút gì đó thiêng liêng trong những ngày Tết. Mùi hương ấy cứ lẩn quẩn trong tâm trí tôi để rồi trở thành niềm thương mỗi lúc đi xa.

Là bàn tay “điệu nghệ” của bà, mùi mứt gừng cay nồng, mứt dừa ngọt thanh của đường cát trắng quện vào từng sợi dừa non, tan chảy trong miệng khiến bọn trẻ con thèm thuồng. Đợi bà không để ý, tôi và đám trẻ con trong xóm len lén thò tay bốc một miếng cho vào miệng “Chẳng phải đây là món ngon nhất ngày Tết tuổi thơ đây sao?”.

 Mứt dừa, mửt gừng, hạt sen, hạt dưa,... những món không thể thiếu trong tuổi thơ của mỗi người

Là nhớ mùi thịt kho hột vịt thơm nức mũi của mẹ, trứng luôn luôn hết trước, đến nhà nào cũng được mời, nhiều lúc ăn đến phát ngán. Nhưng giờ đây dù có hàng trăm công thức tìm thấy trên Google nhưng tôi cũng chẳng tìm được cái mùi vị của mẹ nấu khi xưa. 

Là mùi than hồng xộc lên mũi, mùi khói bên bếp lửa nấu bánh chưng những đêm trước Tết. Hay mùi bụi bay phủ khắp người mỗi khi cùng bố dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Mùi khói, bụi ấy ám vào quần áo, tóc tai và bám sâu vào tâm trí của đám trẻ con ngày ấy. 

 Mâm cúng ngày 30 Tết là nghi thức quan trọng nhất của mọi người Việt 

Ta có thể cảm nhận rõ nhất “Mùi Tết” vào thời điểm trước giao thừa khoảng 2 tuần. Khắp các chợ tấp nập người lui tới mua sắm Tết, mọi con đường trung tâm được trang trí lộng lẫy. Trẻ em háo hức được mặc quần áo mới, mùng một Tết xếp hàng chúc Tết ông bà chờ nhận lì xì đỏ thắm. Là tiếng cụng ly leng keng, tiếng nhạc xuân nhộn nhịp, rộn rã khắp mọi nhà… “Ta nói nó đã làm sao! Đây chính là mùi Tết chứ đâu” – Người bạn tôi đã nhắn như thế khi định nghĩa về mùi Tết. 

 Sau những chuyển dịch của vòng quay đất trời. Tết vẫn ở đó, chỉ có cuộc sống thay đổi, bọn trẻ con khi xưa nay đã trưởng thành. Vài năm gần đây, mỗi khi Tết đến thì lại nghe câu “Tết nhạt quá mày ơi!”, “Chẳng thấy không khí Tết đâu cả” – Những câu nói “Tết nhạt, “Tết chán” không biết từ khi nào đã trở thành những câu nói viral của giới trẻ. Thậm chí có một nhãn hàng lớn đã tạo nên một campaign (chiến dịch) Tết cực kỳ thành công nhờ sử dụng câu nói này. 

 – Mày sợ điều gì nhất?

– Tao sợ sự trưởng thành.

Câu nói của người bạn trạc tuổi làm tôi suy nghĩ rất nhiều trong một khoảng thời gian dài. Chả lẽ “sự trưởng thành” đã chở theo sự háo hức, mong chờ, ký ức thời thơ ấu về Tết của chúng tôi – những đứa trẻ con “chờ Tết” khi xưa đi theo vòng xoay chuyển dịch của thời gian.

Mùi trầm hương đã thay bằng những chiếc đèn nhựa chớp tắt trên bàn thờ tổ tiên. Ngày xưa cứ tưởng Tết chỉ có mai, đào nhưng giờ đây còn có những bình hoa ly rực rỡ, ngát hương trên bàn tiếp khách. Hình ảnh đứa bé khi xưa cùng bà, cùng mẹ gói bánh chưng, ngồi canh bánh chín cùng đám bạn trong xóm cũng thay bằng những chiếc bánh chưng mua trong siêu thị, hay những cửa hàng online. Nồi thịt kho hột vịt của mẹ nấu từ 30 Tết còn nguyên đến mùng 3 vì chờ người con đi du lịch cùng bạn sẽ trở về ăn cùng. Thèm cái cảm giác được ăn vụng mứt dừa ngon nhất tuổi thơ của bà, nay đã thay thế bằng nhiều loại bánh kẹo ngoại nhập. Những câu chúc Tết yêu thương khi xưa giờ được gửi đi bằng những chiếc điện thoại kết nối internet hay ngày Tết quây quần nhưng mọi người lại chăm chú vào chiếc điện thoại thông minh. Thậm chí chương trình Táo Quân trên tivi mỗi tối 30 Tết sắp cũng không còn nữa. 

 Chợ hoa Tết trở thành một phần không thể thiếu đối với mỗi người 

Nhiều người còn đặt câu hỏi liệu Tết bây giờ có còn như xưa nữa hay chỉ được coi là một kỳ nghỉ dài ngày. Cứ mỗi dịp Tết đến, người ta lại tranh cãi với nhau về việc bỏ hay giữ Tết hoặc gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch như những nước tiên tiến phương tây. Theo các nhà kinh tế học thì việc nghỉ dài sẽ ảnh hưởng với kinh tế đất nước. Ông tôi không biết gì về kinh tế học, ông chỉ là một người dân bình thường như bao người dân sống trên đất nước này. Khi còn bé, tôi nhớ ông đã từng nói khi tôi hỏi vì sao Tết lại người ta lại nấu bánh chưng, chưng cây mai trong nhà: “Nếu giá trị truyền thống dân tộc của mình mà không giữ được thì làm sao dám trông mong phát triển những thứ lớn lao”.

Dường như cuộc sống càng đủ đầy thì giá trị Tết càng mất dần. Sức mạnh công nghệ có thế giúp chúng ta gần nhau hơn nhưng không thể nào kết nối được những giá trị truyền thống ngày Tết. Những chiếc xe tải chở đầy hoa Tết, hương thơm ngào ngạt ấy cũng không thể chở được mùi Tết. Cũng giống như chúng ta có thể nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại nhưng chẳng thể nào cảm nhận được tình cảm, cảm giác sum vầy gia đình. Hay có thể mua được tất cả đồ dùng ngày Tết chỉ với vài cú chạm nhưng lại không thể mua được những giá trị truyền thống Tết xưa. 

Mùi Tết – cái mùi không có tên trong từ điển tiếng Việt, không thể miêu tả được bằng lời, nó là loại mùi bám chặt vào ký ức của mỗi người Việt. Dù biết cái mùi Tết ấy qua bao năm tháng đã khác xưa nhiều. Nhưng chúng ta cần biết cân bằng giữa cái hiện đại và gìn giữ những nét truyền thống tốt đẹp của ông bà xưa. Có như thế dù cuộc sống có phát triển, văn minh như thế nào cũng không thể mất đi được bản sắc văn hoá dân tộc. 

 


ADVERTISEMENT