The Art Corner Người Việt tử tế
Gần đây, khắp cả nước sôi nổi với phong trào vẽ hình hoa hướng dương rồi đăng lên Facebook, mỗi tin hợp lệ sẽ được một doanh nghiệp ủng hộ 30.000 đồng để góp vào quỹ giúp đỡ các bệnh nhi bị ung thư. Đã có những hiểu lầm trong cách thức đăng nên phần lớn các tin nhắn đều không hợp lệ, dẫn đến những nghi ngờ về tính xác thực của chương trình, nên dân mạng nổi lên những tranh luận trái chiều về doanh nghiệp… Tuy nhiên, qua sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng, doanh nghiệp này đã quyết định trao tặng số tiền gần 6 tỷ đồng (cho cả những tin hợp lệ và tin không hợp lệ) cho chương trình.
Phong trào vẽ hoa hướng dương đăng Facebook đã nhận được
sự hưởng ứng nhiệt tình từ cư dân mạng
Đó là một tin khiến tôi đã đọc mấy ngày vẫn cảm thấy lâng lâng. Vui vì chúng ta không hề vô cảm, vì dù không rõ thực hư nhưng mọi người vẫn làm bằng cả tấm lòng. Vui vì giữa những tin gây sốc vẫn ngày ngày đầy rẫy trên mạng xã hội, nào là cướp bóc, tham nhũng, hối lộ… vẫn có rất nhiều người sống tử tế, sống có ích cho xã hội. Câu chuyện này gợi cho tôi nhớ về một cuốn sách mà tôi đã đọc nhiều lần kể từ khi được tác giả tặng. Đó chính là tác phẩm “Người Việt tử tế” của nhà văn Nguyễn Một và nhà báo Lê Thanh Phong.
Tác phẩm “Người Việt tử tế”
“Người Việt tử tế” là một cuốn tạp bút với những câu chuyện ngắn, là chia sẻ thực tế của hai tác giả. Đó là những câu chuyện rất đỗi bình dị như “Chuyện con gà, con vịt và lòng biết ơn”, “Xin hãy cười và đừng xả rác” hay câu chuyện “Hai bữa cơm trắng”… nhưng ẩn sau mỗi câu chữ là cả tấm lòng, là sự tử tế, trân trọng giữa con người với nhau. Như lời chia sẻ của hai tác giả: “Tử tế không phải là làm những điều to tát cao siêu, mà làm những điều giản dị trong cuộc sống và bất cứ ai cũng có thể làm được. Một cử chỉ thân thiện, một lời nói lịch sự, một hành động giúp đỡ, một cử chỉ chia sẻ với tha nhân, tất cả đều là tử tế”.
Sự tử tế đến từ những điều nhỏ nhất rất đỗi bình dị
Bên cạnh những câu chuyện về sự tử tế, hai tác giả còn chia sẻ những điều chưa tử tế, chưa đẹp trong xã để mọi người cùng nhìn nhận, nhắc nhở nhau sống đẹp và có ý nghĩa hơn.
Với giọng văn chân chất, giản dị, 52 câu chuyện nhỏ của hai tác giả trở nên sâu sắc, lắng đọng khiến cho mỗi chúng ta đều thấy bóng mình đâu đó trong mỗi câu chữ. Qua những câu chuyện này, chúng ta cũng thấy được sự tử tế là một mạch sống luôn luôn tồn tại. Những cái đẹp, cái hay có thể mai một đi thì hãy cùng nhau tìm lại, khơi gợi để nó trở nên giá trị hơn. Và hãy tin vào cuộc sống khi những cái đẹp, sự tử tế vẫn luôn hiện hữu quanh ta, trong chính chúng ta như hòa thượng Thích Nhật Từ từng nói: “Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết đi. Hãy hít thở sự tử tế. Hãy tiêu hóa sự tử tế. Hãy sống với sự tử tế!”