share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner 5 nghệ sĩ siêu đương đại châu Á đáng chú ý


ADVERTISEMENT

Khái niệm nghệ sĩ siêu đương đại chỉ những nghệ sĩ sinh sau năm 1974. Nhóm nghệ sĩ này đang là trọng tâm của nhiều nhà sưu tập với sức sáng tạo dồi dào và mới mẻ. Khi thị trường nghệ thuật đang ngày càng mở rộng, đặc biệt với những thị trường mới nổi nhưng có sức mua lớn như ở châu Á, các nghệ sĩ châu Á ngày càng được chú ý ở các phiên đấu giá thường niên và triển lãm nổi tiếng thế giới. Những nghệ sĩ siêu đương đại châu Á này là đại diện tiêu biểu của một thị trường sôi động, cởi mở, và chứa đựng những tiềm năng phát triển lớn.

Cùng WOWWEEKEND khám phá 5 nghệ sĩ siêu đương đại châu Á sinh sau năm 1990 đang gây ấn tượng mạnh trên thị trường nghệ thuật hiện nay.

Raghav Babbar

Raghav Babbar là hoạ sĩ người Ấn Độ. Hoạ sĩ sinh năm 1997 này dù mới chỉ ra mắt thị trường vào năm 2022 nhưng đã có những thành tựu đáng kể, với giá trị các tác phẩm tăng vọt. Tại phiên đấu giá của Sotheby’s ở Singapore năm 2022, tác phẩm “Memory is a permanent luxury” của họa sĩ này được bán với giá gần 317.000 USD, sau đó, tác phẩm “The Coal Seller” được bán cũng tại phiên đấu giá của Sotheby’s vào năm 2023 với mức giá gần 744.000 USD. Raghav Babbar được biết đến với các tác phẩm sơn dầu tượng hình với các họa tiết trừu tượng, lấy cảm hứng từ di sản văn hoá Ấn Độ và kỹ thuật nghệ thuật Anh vào giữa thế kỷ 20. Các tác phẩm của anh có kết cấu sơn dầu phong phú, thể hiện tương quan giữa nhân vật và môi trường bao quanh nhân vật, cũng như sự nhạy cảm độc đáo của nghệ sĩ trong việc nắm bắt cảm xúc tự nhiên của nhân vật (thường là người lao động).

Các tác phẩm của nghệ sĩ trẻ này được đánh giá vẫn đang tiếp tục phát triển, nhưng những con số thu về từ phiên đấu giá cho thấy lộ trình đáng kinh ngạc và tiềm năng lớn của Raghav Babbar. Nghệ sĩ đã có các triển lãm cá nhân ở Venice (Ý), London (Anh), cùng triển lãm nhóm tại Art Basel Hồng Kông và tại Miami (Mỹ).

Roby Dwi Antono

Roby Dwi Antono sinh năm 1990 tại Semarang, Indonesia. Từng là graphic designer, nghệ sĩ tự học này đã gây chú ý ngay từ lần đầu tiên ra mắt thị trường, với những thành tích đấu giá ấn tượng. Tác phẩm “Muram Temaram” (2013) của anh được bán với giá gần 307.000 USD tại Phillips Hồng Kông, “Asih” (2019) được bán với giá 321.000 USD tại Christie’s Hồng Kông. Các tác phẩm của anh đã xuất hiện tại nhiều triển lãm ở Tokyo, Los Angeles, Frankfurt và Melbourne.

Roby Dwi Antono có một phong cách vẽ tranh đầy khác biệt, phần lớn chịu ảnh hưởng từ trường phái siêu thực đại chúng, kết hợp hình ảnh Phục hưng cổ điển với thẩm mỹ siêu phẳng đương đại mang hơi hướng graphic. Nghệ sĩ này từng chia sẻ anh chịu ảnh hưởng từ những nhân vật và nghệ sĩ đại chúng như rapper Tyler the Creator hay Takashi Murakami. Các tác phẩm của anh hướng đến nỗ lực diễn giải những mâu thuẫn về trải nghiệm tốt - xấu của con người, tiếp cận những tầng ký ức để định nghĩa sự bất định của tương lai, với sự hóm hỉnh và màu sắc sống động.

Egami Etsu

Nữ nghệ sĩ người Nhật sinh năm 1994 Egami Etsu tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Karlsruhe (HFG) (Đức) và Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh, và là một trong những nghệ sĩ đương đại trẻ được săn đón nhất hiện nay. Các tác phẩm của cô hướng đến khám phá quá trình giao tiếp của con người và tái định nghĩa mối quan hệ xã hội thông qua ngôn ngữ hình ảnh và những dao động giữa trừu tượng và tượng hình. Năm 2020, nữ nghệ sĩ được giới thiệu tại Triển lãm VOCA ở Bảo tàng Hoàng gia Ueno, sự kiện được coi là bước đệm quan trọng cho những nghệ sĩ thành danh nhất của Nhật Bản.

Các tác phẩm của Egami Etsu trong nhiều phiên đấu giá của Phillips Hồng Kông, Sotheby’s Hồng Kông hầu hết đều có thành tích vượt trội, với giá trị tác phẩm tăng đến hơn 70% so với ước tính trung bình. Cô cũng đã có nhiều triển lãm cá nhân gây tiếng vang như triển lãm tại Whitestone Gallery (Singapore), Tang Contemporary Art, A2Z Art Gallery, Bảo tàng Nghệ thuật He, Bảo tàng Nghệ thuật Hiroshima Woodone, Bảo tàng Học viện Mỹ thuật Trung ương, Bộ sưu tập Yusaku Maezawa, Bảo tàng Nghệ thuật Nanjo, Bảo tàng Nghệ thuật Yuan, Quỹ Yi Lian, Bảo tàng Damei…

Anna Park

Nữ nghệ sĩ sinh năm 1996 tại Hàn Quốc được biết đến với những tác phẩm than củi sống động và là đại diện tiêu biểu của nghệ thuật siêu đương đại Hàn Quốc. Sức hút từ các tác phẩm của cô được thể hiện trong các phiên đấu giá lớn từ năm 2022, với những tác phẩm như “I to I” (2019) được bán với giá gần 289.000 USD tại Phillips Hồng Kông (cao hơn 467% so với mức ước tính trung bình), “Does It Worth It?” (2020) được bán với giá gần 484.000 USD tại Christie’s Hồng Kông (cao hơn 845% so với mức ước tính trung bình). Các tác phẩm của nữ nghệ sĩ này cũng thường có mức đấu giá lên tới 6 con số.

Tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật New York, Anna Park gây ấn tượng bởi tư duy nghệ thuật không bị khuôn ép bởi những giới hạn văn hoá. các tác phẩm than chì và mực trên giấy của cô thường có nhiều chi tiết, đan xen giữa tính trừu tượng và biểu cảm, lấy cảm hứng từ văn hoá đại chúng để diễn giải về cấu trúc văn hoá và bản sắc cá nhân. Anna Park chịu ảnh hưởng bởi nhiều nghệ sĩ Pop Art như Andy Warhol, Marjorie Strider hay nghệ sĩ truyện tranh như R. Crumb và Ralph Steadman. Cô đã có buổi triển lãm cá nhân tại Blum & Poe Gallery (New York) vào năm 2022.

Yuan Fang

Nghệ sĩ sinh năm 1996 người Trung Quốc Yuan Fang lần đầu xuất hiện tại phiên đấu giá của Phillips New York năm 2023 với tác phẩm “Expanse (mask)” (2022) được bán với giá 88.900 USD, cao hơn 611 % so với giá ước tính. Sau đó, các tác phẩm của nghệ sĩ trẻ này ngày càng nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà sưu tập. Cô chia sẻ, “Tôi coi những bức tranh của mình như một phép ẩn dụ cho tình trạng của con người: cảm giác lo lắng, hỗn loạn và không thể đoán trước.”

Cô miêu tả các tác phẩm của mình như các xúc tu chuyển động, gần như những xói mòn địa chất, tập trung vào những đường cong vô thức để tái hiện những năng lượng của cảm xúc và cơ thể con người. Các triển lãm cá nhân của cô diễn ra tại nhiều phòng tranh lớn ở Mỹ như Prince & Wooster, New York; Bill Brady Gallery, Los Angeles và ATM Gallery, New York. Cô cũng là một trong những nghệ sĩ trẻ người Trung Quốc hiếm hoi có tác phẩm trưng bày trong bộ sưu tập của Bảo tàng X (Bắc Kinh) hay Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Xiao (Sơn Đông).

>>Xem thêm: Triển lãm của Fondation Louis Vuitton tôn vinh giai đoạn hoàng kim của Pop Art


ADVERTISEMENT