Environmental Movement Những điều có thể bạn không biết về ngành công nghiệp thời trang
Quần áo là một nhu cầu quan trọng với con người. Song không phải ai cũng biết rằng, ngành công nghiệp thời trang là kết quả của một sự liều lĩnh và thiếu trách nghiệm đối với môi trường.
Tỷ phú Jack Ma từng nói rằng: “Bà tôi chỉ có một cái áo. Mẹ tôi có ba. Thế hệ con gái tôi có 50 cái trong tủ và một nửa trong số đó chúng không bao giờ mặc”.
Khoảng 70 năm trước, các hãng thời trang mất rất lâu để cho ra đời những sản phẩm mới. Và quần áo thường rất đắt, đi kèm với chất lượng, có tuổi thọ ít nhất là 5 năm. Theo tờ BBC News, vào khoảng thời điểm này, quần áo dư là một khái niệm hoàn toàn xa lạ và ngành công nghiệp vẫn là một trong những ngày công nghiệp ít gây ô nhiễm nhất trên thế giới.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào những năm 1960. Nhờ có nguồn lao động giá rẻ tại châu Á và sự ra đời của những vật liệu bền, ít tốn chi phí, các sản phẩm thời trang dần trở nên rẻ hơn, hợp với túi tiền của người tiêu dùng ở nhiều tầng lớp. Hàng tỉ người trên thế giới hàng tháng, thậm chí hàng tuần sẵn sàng móc hầu bao để săn lùng mua những chiếc áo, chiếc quần hàng hiệu rồi không bao giờ mặc để bắt kịp xu thế thời trang. Và rồi, từ một ngành công nghiệp không gây ô nhiễm, ngành công nghiệp may mặc đã vươn lên hạng hai trong danh sách những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất thế giới, chỉ xếp sau cây đại thụ dầu mỏ. Thời trang đang phải chịu trách nhiệm cho việc thải quá nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm mạch nước ngầm và tiêu thụ lượng nước nhiều hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào.
Theo một số liệu thống kê, người Mỹ vứt bỏ hơn 14 triệu tấn quần áo mỗi năm. Hàng năm, ước tính có hơn 500 triệu tấn quần áo, phụ kiện thời trang và chỉ 30% trong số đó được tái chế. Hơn 70% lượng quần áo còn lại sẽ được đóng gói và vận chuyển đến các bãi rác và lò đốt rác trên thế giới. Tuy nhiên, rác thải thời trang hoàn toàn không dễ phân hủy. Trước khi vào lò, chúng đều phải trải qua giai đoạn ngâm, tẩy rửa, nhuộm bằng vô số loại hóa chất. Khi được đem chôn, những hóa chất độc hại trong quần áo và phụ kiện thời trang vẫn tồn tại rất lâu và dần dần ngấm trong đất, tổn hại đến nguồn nước. Ngay cả khi đã được đem đi đốt, chất độc vẫn không bị tiêu hủy hoàn toàn và mà còn lẫn vào không khí, gây nên ô nhiễm.
Quần áo thường gồm nhiều loại chất liệu, thường là sự kết hợp của nhiều loại sợi khác nhau – tất cả đều có lợi ích và nhược điểm về độ thoải mái với người mặc, về độ bền và chi phí sản xuất. Cotton (sợi bông) có trong 40% ở tất cả các quần áo và các sợi tổng hợp (như là polyester và nylon) có mặt 72% trong chất liệu quần áo. Cả hai chất liệu này đều bị chỉ trích vì tác động xấu lên môi trường.
Cotton là loài cây tiêu thụ nhiều nước. Mặc dù chỉ 2,4% đất nông nghiệp thế giới trồng cotton nhưng loại cây này tiêu thụ tới khoảng 10% tất cả loại hóa chất nông nghiệp và 25% thuốc trừ sâu.
Các sợi có nguồn gốc từ dầu thô như sợi acrylic, polyester và nylon thì được con người tạo ra chứ không trồng được. Nó không thể phân hủy sinh học và phải mất hàng trăm năm để phân hủy. Bên cạnh đó, việc sản xuất những sợi này còn thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn cả carbon dioxide (CO2) tới 300 lần.
Ngoài ra người ta còn chứng minh được rằng, các vi chất dẻo gây ung thư sẽ tích lũy sinh học vào mạch nước ngầm, đi từ sông đến đại dương rồi vào chuỗi thức ăn của chúng ta. Là yếu tố đóng góp ngày càng nhiều cho nạn phá rừng toàn cầu, rayon – một loại sợi tổng hợp được làm từ bột gỗ, được sản xuất bằng các hóa chất độc hại như xút (natri hidroxit), axit sulfuric và thường xuyên được đổ vào hệ sinh thái địa phương.
Tổng doanh thu toàn cầu hơn 2,5 nghìn tỉ USD/năm, thời trang là một ngành rất mạnh, quy mô lớn và đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cái giá mà nó đang phải trả cho môi trường quá đắt. Hiện nay, xu hướng thời trang sạch, thời trang tái chế đang cố gắng vực dậy và làm ngành công nghiệp này phát triển bền vững và không ảnh hưởng đến môi trường.