share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Tips & Advice Những điều lính mới cần biết về môn thể thao nước


ADVERTISEMENT

Nếu được lựa chọn giữa việc “đi rừng” hay “đi biển” đa phần mọi người sẽ chọn là biển. Chúng ta đã biết, ¾ diện tích bề mặt Trái đất là Đại dương. Biển mang vẻ đẹp và sắc thái biến thiên lúc êm ả, lúc dữ dội theo từng thời điểm và từng nơi mà nó tồn tại. 

Có người tìm đến biển để thư giãn, “refresh” tâm hồn. Còn có người tìm đến biển để phá vỡ “sự bình yên”, chinh phục bản thân mình. Việc đắm mình trong làn nước trong xanh, mát lạnh, chinh phục những cơn sóng cao cuồn cuộn, ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội hay tận mắt chiêm ngưỡng hệ sinh thái san hô rực rỡ dưới đáy biển,… là những điều tuyệt vời nhất do thiên nhiên ban tặng, mà bất kỳ ai cũng không nên bỏ lỡ một lần trong đời.

Vì thế, các môn thể thao nước, trò chơi trên biển đã ra đời để phục vụ cho nhu cầu của mọi đối tượng yêu thích biển. Từ những môn nhẹ nhàng như bơi lội, chèo thuyền Kayak cho đến những môn mạo hiểm như lặn biển cùng cá mập,… đều mang đến sự thích thú cho mọi người. 

Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ đến bạn những thông tin cơ bản nhất về các môn thể thao nước (Water Sports) và gợi ý một số môn thể thao, trò chơi biển bạn có thể thử vào dịp hè này.

Phân loại các môn thể thao nước (Types of Water Sports)

Chắc hẳn các bạn đã nghe nhiều đến các môn thể thao trên biển, dưới biển hay các môn mang tính cá nhân, đồng đội, thuần chỉ giải trí, không phải thi đấu,… mà không biết môn mình chơi thuộc nhóm nào, loại nào thì đây là đáp án dành cho bạn.

Theo Wikipedia các môn thể thao nước được chia thành 3 nhóm là:

  • Thể thao trên mặt nước (on the water): Là nhóm các môn thể thao thi đấu bằng các phương tiện, thiết bị lướt trên mặt nước mà họ không tiếp xúc trực tiếp với nước như: đua thuyền, chèo thuyền, lướt ván (lướt ván tự thân, lướt ván dù, lướt ván buồm).
  • Thể thao trong vùng nước (in the water): Là nhóm các môn thể thao mà cơ thể của người chơi tiếp xúc trực tiếp với nước. Ở nhóm này, người chơi lấy hơi và thở một cách tự nhiên mà không có thiết bị hỗ trợ hay bình dưỡng khí. Ví dụ như: Bơi và nhảy cầu.
  • Thể thao dưới mặt nước (underwater): Là nhóm các môn thể thao mà khi tham gia thì mọi bộ phận cơ thể của người chơi buộc phải dìm trong nước, phải được sử dụng thiết bị thở hoặc bình dưỡng khí, mặt nạ, kính bơi, vây, chân vịt,... ví dụ như các môn thuộc nhóm lặn. 

Chèo thuyền Kayak tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh

Còn trang Did You Know Boats (chuyên trang về thể thao, thuyền,…) phân thành 3 nhóm sau: 

  • Cá nhân (Individual water sports): Những môn thể thao nước mang tính cá nhân cần nhiều kỹ năng, sức mạnh khao khát chiến thắng như bơi lội, lướt sóng (Surfing), trượt nước (Water skiing), lướt ván diều (Kitesurfing),…  
  • Đồng đội (Team water sports): Những môn chơi theo nhóm, cần tinh thần đồng đội, cùng nỗ lực để chiến thắng như chèo thuyền (Rowing), chèo thuyền Kayak (Kayaking), chèo xuồng (Canoeing),…  
  • ​Giải trí (Recreational water sports): Nhóm này dành cho những người thích vui vẻ, thư giãn, giảm stress,… phù hợp cho du lịch biển như lặn ống thở (Snorkeling), lặn có bình khí (Scuba diving),… 

Một số môn thể thao khi đi du lịch biển

Nếu bạn là người thích du lịch biển, mong muốn tìm tới những môn thể thao nước thuần giải trí, thư giãn và khám phá, không quá chú trọng về thi đấu. Hãy thử tìm đến các môn sau:

1. Wakeboarding – Trượt nước

Wakeboarding là môn thể thao mà người chơi đứng trên một tấm ván trượt và được kéo trên mặt nước bởi thuyền, cano với tốc độ cao. Đây là môn thể thao được kết hợp giữa trượt tuyết và lướt sóng. Tấm ván trượt (wakeboard) có chiều dài hình chữ nhật nhỏ, hẹp bề ngang, có đôi giày gắn cố định vào mặt ván. Bất kỳ ai cũng có thể chơi, dù bạn là nghiệp dư hay chuyên nghiệp, chỉ cần nắm những kỹ năng cơ bản từ huấn luyện viên là có thể làm được. Bạn có thể thử trò Wakeboarding tại Mũi Né hoặc Phú Quốc.

Pha trình diễn Wakeboarding tại Rip Curl Singapore National Inter Varsity & Polytechnic Wakeboard Championship 2014

2. Kitesurfing – Lướt ván diều

Kitesurfing là môn thể thao có ở hầu hết các quốc gia có giáp biển và được đưa vào thi đấu chuyên nghiệp từ lâu. Lướt ván diều hoạt động dựa vào sức gió, gió càng mạnh, càng phấn khích và hiện nay đang phát triển mạnh mẽ, phổ biến nhiều ở Mũi Né. Thử tưởng tượng bạn đứng trên tấm ván, điều khiển con diều bọc gió, lướt trên con sóng trắng xoá, bay vào không trung rồi đáp xuống mặt biển. Cảm giác vừa phấn khích, vừa sung sướng dâng trào mạnh mẽ trong tim của những người ưa mạo hiểm, thích chinh phục.

Kitesurfing tại Mũi Né, Bình Thuận

3. Flyboard – Ván bay

Flyboard là môn thể thao khá mạo hiểm, thu hút rất nhiều khách du lịch trẻ đam mê cảm giác mạnh. Người chơi được trang bị bộ thiết bị đặc biệt Flyboard, sử dụng lực đẩy của nước để đẩy người bay lên cao gần 10m. Ngoài đường ống chính thì còn 2 đường ống phụ được gắn vào tay người điều khiển, giúp giữ thăng bằng và điều khiển hướng bay. 

Thoạt nhìn có vẻ rất sợ, nhưng khi đã chơi rồi thì có thể gây nghiện và đòi hỏi người chơi có sức khỏe tốt để thực hiện những động tác nhào lộn trên không trung. Để chơi được trò này trong 10 – 15 phút, bạn phải luyện tập với huấn luyện viên khoảng 1 giờ. Bạn có thể đến Nha Trang hay Phú Quốc để thử chơi Flyboard, biết đâu sẽ cho ra những “pose ảnh” để đời.

Flyboard tại Nha Trang, Khánh Hòa

4. Snorkeling và Diving – Lặn ống thở và Lặn bình dưỡng khí

Snorkeling hay Diving có lẽ không còn quá xa lạ đối với những người yêu du lịch biển. Hai loại hình lặn này hầu như đều có mặt ở tất cả các điểm du lịch biển Việt Nam. Phân biệt 2 môn này rất đơn giản:

Snorkeling là lặn có ống thở, kính bơi. Bạn không cần phải biết bơi, chỉ cần đeo kính, ngậm ống thở, mặc áo phao rồi úp mặt xuống nước để ngắm san hô. Snorkeling thường được sử dụng trong các tour ngắm san hô.

Diving là lặn sâu với bình dưỡng khí. Trước khi tham gia, bạn sẽ được hướng dẫn một số kiến thức cơ bản về lặn biển như các ký hiệu ra dấu bằng tay, sử dụng bình dưỡng khí,… Để lặn xuống sâu, bạn phải đeo trên lưng tạ chì và bình dưỡng khí nên dù không biết bơi bạn cũng có thể tham gia môn này. 

Diving tại Cù Lao Chàm, Hội An

So với Snorkeling bạn chỉ có thể ngắm những san hô, đàn cá nhỏ gần với mặt biển, thì Diving thường dành cho các bạn trẻ yêu thích chinh phục, khám phá những điều mới mẻ, lạ lẫm dưới lòng đại dương. Không chỉ những sinh vật nhỏ, tảo, san hô mà còn rất nhiều sinh vật khác nằm sâu dưới biển, xuất hiện trước mắt bạn, thậm chí bạn cũng có thể chạm vào nó nữa.

5. Parasailing – Dù bay

Thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam một đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam. Theo đó, các loại hình, trò chơi thể thao trên biển cũng phát triển mạnh mẽ. Trong đó có môn Parasailing hay còn gọi là dù bay. Bạn sẽ chẳng cần phải học những kỹ năng lặn như Diving, hay đòi hỏi phải có đủ sức khoẻ như Flyboard, Surfing,… và cũng chẳng cần phải biết bơi. Bạn chỉ cần 5 phút nghe hướng dẫn, đeo dây đai bảo hộ vào và cứ thế “A lê hấp”… bay thôi. Con dù sẽ được Cano kéo bay lên trời từ 70 – 100m. Trong khoảng 10 phút, đủ để bạn ngắm toàn bộ vùng biển bao la, xinh đẹp từ trên cao, bao nhiêu nỗi sợ hãi đều tan biến hết trong phút chốc. 

Parasailing ở biển Mỹ Khê, Đà Nẵng

Với những kiến thức, thông tin cơ bản về các môn thể thao nước. Hi vọng bạn sẽ dễ dàng tìm được môn yêu thích và có thể thử ngay trong mùa hè này.

Nguồn tham khảo:

Wikipedia https://vi.wikipedia.org/wiki/Thể_thao_nước

Did You Know Boats https://didyouknowboats.com/introduction-to-the-different-types-of-water-sports/


ADVERTISEMENT